Indonesia- Nguyễn Bích Thảo, Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm du lịch Bali tự túc trong 5 ngày 4 đêm cùng nhóm bạn. – Du lịch
Nữ du khách 9x chọn đảo Bali vì đây là một trong những điểm đến quốc tế đầu tiên có cơ chế mở cửa du lịch thoáng, không yêu cầu cách ly, xét nghiệm, giờ bay ngắn và dễ di chuyển… Cô chọn khởi hành vào đầu tháng 7, khi thời tiết trên đảo bước vào mùa hè đẹp nhất và đi cùng 5 người bạn. Tháng 7 cũng là cuối của mùa lễ Kuningan với khung cảnh mỗi ngôi nhà, ngôi đền tại Bali đều treo cây nêu đổ ngọn cao vút trước cổng, và là thời điểm bắt đầu bước vào mùa lễ hội thả diều ở bãi biển Sanur.
Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau hai năm dịch bệnh của Thảo. “Chuyến đi có rất nhiều trải nghiệm thú vị, món ăn ngon và phong cảnh đẹp nên tôi muốn chia sẻ với mọi người”, cô nói.
Trước chuyến đi
Thảo đặt vé máy bay trước 3 tháng, giá khứ hồi 3.250.000 đồng một người, gồm 7 kg hành lý xách tay. Chiều về, nhóm 6 bạn mua chung thêm 25 kg hành lý ký gửi vì mua quà về.
Trước ngày bay, Thảo liên hệ thuê lái xe địa phương đi theo lịch trình riêng. Tài xế được nữ du khách đánh giá là nhiệt tình, lái xe an toàn, chụp ảnh đẹp và nói tiếng Anh tốt.
Cô mua sim 4G do lái xe bán với giá 80.000 rupiah (128.000 VND) và được hỗ trợ kích hoạt để sử dụng ngay khi đến. Thảo cũng đặt trước các tour đi đảo Nusa Penida và các gói trải nghiệm như lặn biển Blue Lagoon, chèo thuyền vượt thác trên sông Telaga Waja…
Thảo gợi ý nên đổi tiền sang USD ở Việt Nam, sau đó đến Bali đổi từ USD sang đồng rupiah để được tỷ giá tốt nhất. “Bạn nên nhờ tài xế đưa đến các quầy đổi tiền uy tín, tránh những nơi đổi chui ở Kuta, dù được tỷ giá tốt nhưng không an toàn, có một số trường hợp khách du lịch Việt đã bị lừa tại đây”, Thảo nói. Nhóm cô đổi tiền tại quầy của BHI Money Change.
Đảo Bali rất rộng nên Thảo đặt phòng theo các điểm du lịch trong kế hoạch để tiện di chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí. Bốn đêm ở Bali, nhóm Thảo ở ba khách sạn tại Kuta, đảo Penida và Ubud. Nên đặt phòng sớm trên các trang đặt phòng uy tín, trước 20-30 ngày sẽ có giá rẻ hơn 30-50%.
Một số vật dụng mang theo: ổ cắm điện đa năng chuyên dùng đi du lịch; kem chống nắng; xịt chống côn trùng vì Bali nhiều cây cối; dép lê vì đi đảo, lội nước nhiều; túi bọc điện thoại chống nước nếu lặn biển; một số loại thuốc thông dụng và đồ ăn vặt.
Lịch trình:
Ngày 1: Hà Nội – Bali:
Thảo bay từ Hà Nội đến Bali 5 tiếng, 16h45 chiều hạ cánh tại sân bay Ngurah Rai, nhập cảnh mất 60 phút. Sau đó, cô và các bạn được tài xế đón, kích hoạt sim, đưa đi đổi tiền và ghé Warung Chef Bagus Kuta ăn tối. Quán này được đánh giá cao trên Tripadvisor nên Thảo lựa chọn. Đánh giá cá nhân của cô là đồ ở đây khá ngon, đặc biệt là món sườn.
Sau đó, nữ du khách về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi và đi chơi tối. Bali có nhiều bar bãi biển hấp dẫn nhưng thường đóng cửa sớm. Một số quán bar được Thảo đánh giá cao là Laplancha Bali, Mari beach club, Potato Head beach club, The Champlung, Blue 9 Beach (nằm ở bãi biển Seminyak); La Brisa, Finns Beach Club (nằm ở bãi biển Canngu). Thảo chọn Laplancha Bali vì quán bar này đóng cửa muộn, 23h, trang trí đẹp mắt và chơi nhạc hay.
Ngày 2: Khám phá Nusa Penida, ở qua đêm trên đảo
Cô đặt trước tour (gồm vé tàu khứ hồi, lái xe theo lịch trình, ăn trưa) giá 465.000 rupiah (744.000 đồng) một người. “Tôi thấy nhiều người hay đặt giá cao hơn, tầm 700.000 rupiah. Mọi người nhớ trả giá nếu đi theo nhóm nhé”, Thảo nói.
6h30 lái xe đón tại khách sạn để ra cảng Sanur và lên tàu lúc 8h. “Đặc sản ở Bali là tắc đường, mọi người nhớ đi sớm nhé. Lên tàu phải lội một đoạn nước, nên nhớ đi giày nhựa và mặc quần short để không bị ướt”.
Tàu đi khoảng một tiếng trên biển là ra đến đảo. Sau đó, nhóm đi về phía đông để khám phá bãi biển Diamond Beach và Rumah Pohon Treehouse. Tiếp đến, mọi người ăn trưa và đi xe về biển Kelingking Beach ngắm hoàng hôn, rồi nhận phòng khách sạn. Thảo đặt một khách sạn sát biển với tầm nhìn ra núi lửa Batur và ngắm bình minh tuyệt đẹp.
Bữa tối, cả nhóm đến quán Penida Colada Beach bar cách đó 850 m. Quán đông khách với không khí sôi động, vừa ăn vừa nghe nhạc.
Ngày 3: Monkey forest – đền Tirta Empul – ruộng bậc thang – chợ truyền thống Ubud
6h, Thảo đón bình minh trên đảo. 7h30 đi tàu từ Penida để về cảng Sanur, lên xe đi Ubud, nơi được mệnh danh là trái tim của Bali. Trên đường về, cô và các bạn ghé quán Hana Warung để ăn trưa. Đồ ăn tại Ubud không quá mặn và ăn ngon hơn ở Kuta.
Điểm dừng chân đầu tiên là rừng khỉ Ubud, khu bảo tồn và là môi trường sống tự nhiên của khỉ đuôi dài Bali. Giá vé là 80.000 rupiah (128.000 đồng) một người. Nếu muốn chụp ảnh selfie cùng khỉ cần mua thêm vé giá 40.000 rupiah (64.000 đồng). “Nơi đây nhiều cây cối, không khí trong lành, chơi với khỉ rất vui. Trong nhóm có một người bị khỉ ăn trộm snack và chạy mất. Vì vậy mọi người nhớ cầm đồ cẩn thận nhé, để không bị khỉ giật, đặc biệt là kính mắt”.
Sau khi nhận phòng, cô đi thăm đền Tirta Empul, cách nơi ở 5 phút di chuyển. Bali nổi tiếng với những ngôi đền thiêng liêng, trong đó Tirta Empul nổi tiếng với 13 đài phun nước, nhiều du khách tắm dưới các đài này để tẩy trần. Đền mở cửa lúc 9h, đóng lúc 17h, giá vé là 50.000 rupiah (80.000 đồng).
Điểm tiếp theo là ruộng bậc thang Tegallalang, một trong những nơi du lịch nổi tiếng nhất Bali. Giá vé khu vào cổng từ 10.000 rupiah (16.000 đồng). Thảo ăn tối ở Sun Sun Warung, nơi này được cô đánh giá cao vì thực đơn nhiều món ăn truyền thống của Bali ngon và rẻ. Sau đó, nhóm bạn đi massage chân, dạo phố, mua sắm tại chợ Ubud. Giá ở đây rất rẻ nhưng vẫn nên trả giá trước khi mua. Thông thường, giá bán chỉ bằng một nửa ban đầu.
Ngày 4: Làng cổ Penglipuran – chèo thuyền trên sông Telaga Waja – xem show múa truyền thống
Vé vào làng Penglipuran là 50.000 rupiah (80.000 đồng). Đây là một trong những ngôi làng truyền thống nổi tiếng tại Bali. Điều khiến Thảo ấn tượng nhất là đến Bali đúng mùa lễ Kuningan, thời điểm người dân tin rằng họ được các vị thần ban phước lành. Vào dịp này, người dân thường treo các cây nêu làm từ thân tre, trúc, trang trí tỉ mỉ bằng những hoa văn tết bằng lá dừa, lá cọ. Đi dạo trong làng dưới những hàng cây nêu đu đưa trong nắng, mang lại cho Thảo cảm giác thong dong, tự tại.
Rời làng, Thảo đi ăn trưa và bắt đầu trải nghiệm chèo thuyền vượt thác. Cô dành hai tiếng để khám phá 18 km đường sông, và đây là một trong những trải nghiệm Thảo đánh giá cao, khuyến khích mọi người nên thử. Giá chơi trò này là 250.000 rupiah (400.000 đồng) một người. “Giá vé quá rẻ cho một trải nghiệm với nhiều cảm xúc: bất ngờ, gào thét, hốt hoảng, sảng khoái và cười ngất. Nhóm còn thuê thêm thợ chụp ảnh giá 300.000 rupiah (480.000 đồng) để chụp lại cảnh phi thuyền đổ thác từ trên cao”.
Buổi tối, Thảo cùng nhóm bạn đến cung điện Ubud Palace xem show múa truyền thống: Kecak Fire & Trance Dance, giá vé 100.000 rupiah (160.000 đồng) một người và đến quán Vagabond Ubud để “nhậu” đêm. Giá là 40.000 rupiah (64.000 đồng một món đồ nhậu) và từ 55.000 rupiah (88.000 đồng) một ly đồ uống.
Ngày 5: Lặn biển ở Blue Lagoon – đi chợ địa phương – về Việt Nam
Cô chọn tour lặn ngắm san hô ở biển Blue lagoon & Padangbai, giá 200.000 rupiah (320.000 đồng) một người. Sau đó, Thảo về chợ địa phương mua quà. Cô mua quả salak – một loại quả da rắn đặc sản ở Bali với giá 15.000 rupiah (24.000 đồng), quả to và ngọt cùng vòng bắt giấc mơ, đồ trang trí, túi xách handmade… Nhóm ăn trưa tại Kebun Bistro, phục vụ đồ Âu.
“Trên đường ra sân bay, tôi gặp lễ hội thả diều tại bãi biển gần Sanur. Những con diều dài kiểu truyền thống bay phấp phới khắp bầu trời Bali đầy nắng, gió, mang đến cảm giác rất bình yên. Đây là khoảnh khắc đẹp để kết thúc chuyến đi Bali đáng nhớ”. Thảo về đến Việt Nam lúc 22h.
Phương Anh
Ảnh: NVCC