Hebian là một trong nhiều ngôi làng đặt cược tương lai vào du lịch để thoát nghèo, nhưng đại dịch xảy ra khiến nó buộc phải thay đổi. – Du lịch
Huang Zhicheng ngồi uống bia trong một quán bar vắng khách. Ba năm dịch, anh không bán được một ly. Dù vậy, ông chủ 34 tuổi không quá lo lắng về tương lai. “Mọi thứ dần trở nên tốt hơn. Chúng tôi đã vượt quá mong đợi của chính mình”, Huang nói, nhìn ra những ngọn đồi được bao phủ bởi rừng rậm, đồn điền chuối và cao su.
Khi Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt đầu 2020, những ngôi làng miền núi hẻo lánh như Hebian (tỉnh Vân Nam) của Huang, đối mặt tương lai ảm đạm. Trước đó, Hebian đặt cược rất nhiều vào du lịch để thoát nghèo. Người dân vay món tiền lớn để đầu tư sửa nơi ở thành homestay.
Đại dịch ập đến. Chỉ sau một đêm, Hebian bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Đường vào làng bị phong tỏa. Người ở ngoài muốn vào phải có giấy phép. Các hạn chế đi lại được giữ nguyên trong phần lớn thời gian ba năm tiếp theo. Người dân buộc phải quay trở lại với nông nghiệp.
Hebian có nghĩa là “bên sông” theo tiếng Trung Quốc, bị cô lập. Phương tiện giao thông công cộng không đến. Du khách phải đi xe riêng từ thị trấn Mengla gần đó, băng qua nhiều biển cảnh báo cẩn thận voi hoang dã qua đường. Lối vào làng dễ bị bỏ qua vì không có gì đặc biệt. Đường làng trước kia là đường đất, trời mưa xe không thể đi vào. 20 năm trước, cả làng chỉ có một chiếc xe máy. Việc đến thị trấn cũng mất nhiều ngày.
Làng có khoảng 200 người sinh sống, đều thuộc dân tộc thiểu số Yao. Hầu hết người lớn tuổi không nói tiếng phổ thông. Cho đến gần đây, Hebian vẫn là nền kinh tế tự cung tự cấp. Dân tự trồng trọt hoặc đến các thị trấn lân cận làm công.
Vào 2015, trung bình họ chỉ kiếm 620 USD mỗi năm, cao hơn ngưỡng chuẩn nghèo không nhiều (405 USD). Hầu hết họ sống trong các ngôi nhà có tường làm từ bùn, không có hệ thống nước sạch. Nhiều người nợ nần. Nhưng nơi đây lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá: phong cảnh đẹp với những ngọn núi, thung lũng.
Khung cảnh này gây ấn tượng với Li Xiaoyun, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp ở Bắc Kinh, khi đến Hebian năm 2015. Bị thu hút bởi tiềm năng của ngôi làng, Li bắt đầu chuyển đổi Hebian.
Ông thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Action Against Poverty (Hành động để thoát nghèo), gây quỹ, lên kế hoạch biến ngôi làng thành một khu du lịch cao cấp. Li khuyến khích, giúp đỡ người dân dỡ bỏ các túp lều tạm bợ, xây homestay phục vụ khách – những người có tiền đến từ các thành phố lớn.
Ban đầu, người dân đối mặt với thách thức khi từ làm nông sang điều hành doanh nghiệp. Nhưng khách bắt đầu đến, ngôi làng nhanh chóng trở nên khấm khá. Hebian không phải điểm đến giá rẻ. Các phòng đều có giá từ 500 đến 4.000 tệ (72-580 USD). Ngoài du khách đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải bằng xe riêng, ngôi làng còn đón tiếp nhiều vị khách tham gia các hội nghị du lịch quốc tế.
Thích nghi để tồn tại
Chính sách Zero Covid kết thúc đột ngột như khi bắt đầu. Tháng 12/2022, chính phủ tuyên bố gỡ bỏ hạn chế. Mọi người di chuyển tự do khắp đất nước trở lại.
Sau đó là sự bùng nổ du lịch trong thời gian ngắn. Các nhà khách trong làng nhận được lượng đặt phòng ồ ạt, khi người thành phố tìm cách thay đổi không khí và đi chơi dịp Tết Nguyên đán.
Zhou, một người làng, cho biết dịp Tết kín phòng. “Ngày 17/1, chúng tôi bắt đầu mở cửa đón khách. Các căn phòng được đặt hết trong 24 tiếng”. Anh nhận các cuộc gọi, tin nhắn đặt phòng mọi lúc. Nhiều người yêu cầu “kê giường trên sàn” để ngủ nếu hết phòng.
Nhưng ngành du lịch Trung Quốc vẫn chưa thực sự phục hồi. Khi đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo ghé thăm Hebian vào đầu tháng 2, quảng trường chính của làng, nơi dùng làm bãi đậu xe, trống không. Khách trong làng thời điểm này chỉ còn các nghiên cứu sinh Đại học Nông Nghiệp.
Chen Weixuan, một nghiên cứu sinh, nói việc phong tỏa ảnh hưởng nặng nề đến ngôi làng, nhưng cũng thúc đẩy sự đổi mới. Khi nguồn thu từ du lịch bị cắt giảm, dân làng nhận ra du lịch không phải là chỗ dựa vững chắc mãi mãi. Họ bắt đầu kiếm tiền bằng cách đa dạng hóa việc trồng trọt.
Hết dịch bệnh, người dân đứng trước hai lựa chọn: quay lại làm du lịch hay trồng trọt. Nếu làm nông họ phải đối mặt với việc bị voi hoang dã phá, ăn hết hoa màu. Nếu làm du lịch phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Du lịch không phải là thứ bất biến để có thể kiếm tiền mãi mãi, đại dịch là một ví dụ. Hơn 40 trên 57 hộ gia đình trong làng đều cung cấp chỗ ở. Chi phí cải tạo để hút khách cao. Xây thêm một tầng nhà để phục vụ không gian ăn, ở cho du khách lên đến 200.000 tệ (gần 30.000 USD).
Quay lại làm du lịch là điều “không đơn giản”, Huang nói. Anh nhận định người làng vẫn chưa biết cách quản lý homestay. Thời gian phong tỏa, nhiều người để không phòng trọ, không sử dụng cũng không dọn dẹp. Nhiều phòng chuột làm tổ trên giường.
Dong Qiang, giáo sư Đại học Nông Nghiệp, hiện là giám đốc tổ chức phi lợi nhuận, có phương án giải quyết. “Trước đây, mỗi hộ gia đình tự dọn phòng. Bây giờ giao cho một tổ xã viên chuyên trách. Họ sẽ làm công việc dọn dẹp, bảo trì”.
Dong cũng thay đổi chiến lược du lịch của Hebian. Làng nhỏ không thể đón nhiều khách. Cách tốt nhất tạo lợi nhuận là tập trung vào chất lượng, thay số lượng. Một dãy phòng sang trọng mới bắt đầu được xây dựng trên núi. Nơi này sẽ có tầm nhìn tuyệt đẹp ra quang cảnh xung quanh.
Người dân song song kiếm tiền bằng nghề trồng trọt. Họ đang xây dựng một đồn điền mới. Máy đào đang xới tung bụi rậm và đất đỏ. Người dân trồng cây ăn quả trên sườn dốc. Họ hy vọng cách này sẽ khiến voi không thể ăn được vì nằm ngoài tầm với. Số khác mở trang trại nuôi cá. Trước đây, mọi người cũng nuôi, nhưng “chưa bao giờ nhiều như bây giờ”.
Màn đêm buông xuống, ngôi làng yên tĩnh. Nhưng sau đó, âm nhạc bắt đầu vang lên ở quảng trường. Những người phụ nữ địa phương đang học lớp múa Yao truyền thống. Ji Lanlan, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Nông nghiệp giải thích lớp học được tổ chức nhằm bảo tồn văn hóa Yao và phục vụ khách du lịch. Dù các động tác múa phức tạp, người dân trong làng cố gắng học chăm chỉ. Một số vừa bế con vừa học.
Bài học múa còn nhiều vướng mắc, không phải ai cũng nhớ trôi chảy ngay từ đầu. Hướng dẫn viên nhiều lần thở dài hoặc bực dọc. Dù vậy, họ rất kiên trì. Nhiều phút trôi qua, các điệu múa dần trở nên nhịp nhàng hơn. Mọi người trong làng chỉ hy vọng những nỗ lực của mình được đền đáp.
Anh Minh (Theo Sixth Tone)