Bình Thuận- Nhiều người trẻ chọn sống tới vài tháng trên đảo Phú Quý, tận hưởng du lịch “xanh” trước khi nơi này bị thay đổi bởi đô thị, nghỉ dưỡng hoá. – Du lịch
Lê Huyền, 24 tuổi, quê ở Phú Thọ, đã sống và làm việc ở Hà Nội 6 năm, nhưng vừa chuyển ra đảo Phú Quý “sống thử” hơn 2 tháng. Sau thời gian đầu “khủng hoảng vì thay đổi môi trường sống”, Huyền nhận ra Phú Quý “dễ thích nghi”, với nhịp sống chậm, thảnh thơi, phong cảnh đẹp. Giá cả rẻ là một yếu tố khiến nhiều người trẻ như Huyền đến Phú Quý, với tổng chi phí khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Do làm công việc tự do, Huyền chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn thu nhập để trang trải sinh hoạt. Hiện, nhiều bạn trẻ tới Phú Quý sống được nhiều du khách tin tưởng, thuê làm hướng dẫn viên khi ra đảo. Bản thân Huyền cũng được nhiều người biết đến hơn nhờ những bài chia sẻ về cuộc sống ở Phú Quý.
Theo nhận xét của Huyền, có thực trạng “bỏ phố về biển” ở Phú Quý. Sau thời gian ngắn ở đây, Huyền quen được thêm nhiều người bạn cũng từ thành phố đến, một số đã ở Phú Quý tới 4 tháng.
Phạm Tấn Hiệp, hướng dẫn viên địa phương, nói những tháng đầu năm 2023, lượng khách của anh cao gấp 2-3 lần cùng kỳ các năm trước. Thu nhập của Hiệp cũng được cải thiện đáng kể sau dịch. Đa số khách là người trẻ nói muốn đến Phú Quý “trước khi nơi này bị du lịch làm thay đổi”.
Đặng Thị Nguyệt, chủ homestay ở Long Hải, bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của Phú Quý một năm trở lại đây. “Trước kia, Phú Quý lác đác vài khách nội tỉnh Bình Thuận. Tôi không hiểu tại sao Phú Quý lại vụt lên nhanh vậy”, chị Nguyệt, người sống từ nhỏ trên đảo, nói.
Theo chị, lượng khách tăng khá cao sau dịch và mạnh nhất là khoảng 2 tháng sau Tết Âm lịch. Lượng khách chủ yếu là người trẻ, ít khách đoàn. Số lượng khách thuê dài hạn, khoảng vài tháng, chiếm tới khoảng 40% tổng khách của chị Nguyệt.
Sự phát triển du lịch vượt bậc của Phú Quý khiến chị phải để căn nhà 4 phòng mới xây xong đầu năm 2022 cho khách ở. Chị dự tính đầu tư thêm một cơ sở homestay nữa nếu lượng khách đến vẫn khả quan như lúc này.
Trao đổi với Du lịch, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, lý giải Phú Quý có sức hút với người trẻ sau dịch vì đây là hòn đảo đẹp với khung cảnh tự nhiên hoang sơ và gần như chưa có sự động chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Lối sống “xanh” sau dịch và xu hướng du lịch ít tiếp xúc cũng khiến những điểm đến hoang sơ như Phú Quý được yêu thích hơn. Bên cạnh đó, việc làm tốt công tác truyền thông và quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch quy củ cũng giúp Phú Quý “ghi điểm” trong mắt du khách.
Năm 2019, đảo này đón được 42.000 lượt khách và dự kiến tới năm 2030 có thể đón 74.000 lượt khách. Tuy nhiên, từ năm 2022, Phú Quý đã đón tới 93.875 lượt khách, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Trong dịp lễ 30/4 vừa qua, Phú Quý đón khoảng 7.000 lượt khách. Nhiều du khách ra đảo còn không có phòng nghỉ do cơ sở lưu trú còn hạn chế.
Phú Quý có 56 cơ sở dịch vụ lưu trú đang hoat động với tổng số 678 phòng, trong đó có 17 khách sạn, 31 nhà nghỉ, 8 nhà ở có phòng cho thuê. Huyện cũng có khoảng 150 cơ sở ăn uống.
Ông Nhân cho biết số lượng cơ sở lưu trú và ăn uống ở Phú Quý đã đáp ứng nhu cầu khách trong ngày bình thường. Tuy nhiên, vào những dịp lễ tập trung đông khách du lịch vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu phòng. Phú Quý cũng chưa có cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng để có thể đón khách du lịch có khả năng chi trả cao hoặc khách du lịch quốc tế.
Đó cũng là một phần lý do Phú Quý nổi lên rất nhanh nhưng chưa thu hút được khách đoàn mà mới dừng lại ở nhóm khách trẻ, đi tự túc. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết các doanh nghiệp du lịch thường chỉ đầu tư sản phẩm ở những cung dễ bán. Ví dụ, Thái Lan có vùng Hua Hin rất đẹp và hoang sơ nhưng hầu như ít bên bán. Chiang Mai nổi tiếng hơn nhưng cũng không bán được nhiều như tuyến Bangkok – Pattaya.
“Mặt khác, hạ tầng hiện tại ở Phú Quý không đủ để phục vụ khách đoàn. Đơn thuần là hoang sơ thôi thì chưa đủ”, ông Tú nói.
Theo ông Nhân, Bình Thuận đặt mục tiêu tới năm 2025 đưa Phú Quý trở thành khu du lịch trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực biển…Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đưa ra một số kế hoạch như huy động, tạo điều kiện cho các dự án mới về du lịch, thể thao biển, đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tại Phú Quý, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải trên đảo.
Tú Nguyễn