Anh Hoàng Huy bay từ TP HCM đến Nagoya ngày 11/10 cho biết việc nhập cảnh đơn giản, các khu vui chơi, hàng quán đã bình thường trở lại. – Du lịch
Từ 11/10, Nhật Bản mở cửa hoàn toàn với khách du lịch, không còn bất kỳ hạn chế phòng dịch nào.
Anh Hoàng Huy, 40 tuổi, bay từ TP HCM đến Nagoya ngày 11/10, cho biết thành phố nơi anh đến, lượng khách du lịch chưa đông. Khi nhập cảnh, anh không gặp khó khăn nào về thủ tục. Khách chỉ cần cài và khai thông tin trên app MySOS, trình chứng nhận tiêm phòng vaccine. Do ít khách, thời gian nhập cảnh của anh chưa đầy 30 phút.
Hàng quán, khu vui chơi, điểm giải trí và các khách sạn đã mở lại bình thường như trước dịch. “Nơi tôi đến, các hàng quán vẫn khá vắng. Các thắng cảnh thưa thớt khách nước ngoài. Chủ yếu chỉ khách nội địa”, nam du khách Việt Nam chia sẻ.
Nhưng tại Kyoto, một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Nhật Bản, lượng khách quốc tế tăng cao. Anh Thạch Long, 39 tuổi, sống tại cố đô, cho biết trong những ngày gần đây, lượng khách nói tiếng Anh rất đông. “Nhật mở cửa nhưng vẫn còn giới hạn nhiều chính sách phòng dịch hồi tháng 6. Khi đó Kyoto vẫn vắng khách. Nhưng hiện nay, mọi góc phố đều dễ dàng nhìn thấy khách quốc tế, đặc biệt là khách nói tiếng Anh. Người dân địa phương cũng nói với tôi rằng, khách quốc tế đang quay lại Kyoto ngày một nhiều”.
Theo quan sát của anh Long, những người này là khách du lịch đơn thuần, đến với mục đích chính là tham quan, không phải chuyên gia nước ngoài đến làm việc rồi đi chơi vào ngày nghỉ. Phần lớn khách vẫn đi theo tour, có hướng dẫn viên mặc vest dẫn đường. Họ cũng chủ yếu đến ăn tại các quán chuyên phục vụ khách quốc tế vì đi theo đoàn, thay vì ghé các quán nhỏ dành cho người địa phương.
Trước dịch, Kyoto là một trong những nơi quá tải du khách. Người dân vốn không mấy hào hứng về vấn đề này, vì họ thích không khí yên tĩnh, vắng lặng. Khi dịch bệnh xảy đến, người dân đã trả lời phỏng vấn với nhiều tờ báo trong nước rằng họ hài lòng vì sự tĩnh lặng. “Nhưng đó là hai năm trước. Sáu tháng trở lại đây, cũng câu hỏi này, người dân Kyoto nói rằng họ bắt đầu nhớ khách. Vì việc không đón khách du lịch cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kế sinh nhai”, anh Long nói thêm.
Adi Bromshtine, 69 tuổi, du khách đến từ Israel hạ cánh tại sân bay Haneda, Tokyo, chia sẻ: “Đó là một giấc mơ dài (việc được đến Nhật du lịch), và giấc mơ đó đã thành hiện thực”. Vị khách đã về hưu này chia sẻ rất háo hức được đến Nhật.
Itay Galili, du khách 22 tuổi, cho biết đã theo dõi chặt chẽ tin tức về việc chính phủ Nhật Bản mở cửa lại biên giới. “Ngay khi tôi nghe tin mở cửa hoàn toàn vào 11/10, tôi đã lên kế hoạch cho việc tới đây. Có điều, giá vé rất đắt”.
Theo hãng hàng không Nhật Bản ANA, số lượng khách quốc tế bay đến tuần này tăng 5 lần so với tuần trước (trước thời điểm chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch). Những chuyến rời đi cũng tăng gấp đôi. Air Canada chia sẻ lượng đặt chỗ cho chuyến du lịch từ Bắc Mỹ đến Nhật trong tháng 10 tăng 51% so với tháng 9. Ở chiều ngược lại, khách Nhật đến Canada cũng tăng 16%.
Hiện tại, Nhật không bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng người dân đều tuân thủ. Quốc hội trước đó đã thông qua việc cho phép các chủ khách sạn từ chối phục vụ những người không đeo khẩu trang, hoặc vi phạm các quy định phòng chống dịch khác. Tại các nhà hàng, vẫn có các vách ngăn bằng nhựa được dựng lên để hạn chế việc lây nhiễm dịch bệnh. Khách phải sát trùng tay trước khi vào.
Nhật Bản công bố mở cửa du lịch từ 10/6 nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện khắt khe nên hầu như không có khách. Sau nhiều lần điều chỉnh, từ 11/10 không còn bất kỳ hạn chế nào. Đồng thời chính phủ nước này cũng đã đã mở lại chương trình miễn, cấp visa trên toàn thế giới, gỡ bỏ hạn chế số lượng người nhập cảnh…
Năm 2019, Nhật Bản đón lượng khách quốc tế kỷ lục, 31,9 triệu người. Quốc gia này hy vọng năm 2020, con số sẽ lên đến 40 triệu, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng lớn. Các quốc gia trên thế giới đóng biên chống dịch. Nhật Bản là một trong những quốc gia được đánh giá đóng cửa chống dịch “kỹ” nhất châu Á, khi hiện giờ mới hoàn toàn mở cửa trở lại.
Phương Anh