Trong quá trình lặn ghi hình cá voi lưng gù, nhiếp ảnh gia Việt đã suýt va chạm với “những gã khổng lồ của đại dương”. – Du lịch
Giữa tháng 7, Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia ở TP HCM cùng nhóm bạn đam mê lặn biển tự xin visa, thực hiện chuyến đi đến vùng biển Đông Phi để lặn ghi hình cá voi lưng gù (Humpback whales). Chúng là nguyên mẫu của đàn cá voi khổng lồ trong bộ phim nổi tiếng thế giới Avatar 2: The way of Water.
Thiện là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải cuộc thi “Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023” hạng mục “Những rạn san hô trên thế giới” và “Chân dung động vật biển”. Nhiều năm qua, anh Thiện đã tìm hiểu về đặc điểm sinh học và tập tính của cá voi lưng gù, loài thường sinh sống và kiếm ăn chủ yếu ở các vùng biển lạnh gần Nam Cực và Bắc Cực. Khoảng tháng 6 – 10 hàng năm, chúng bắt đầu di cư về các vùng biển ôn đới và nhiệt đới để tìm kiếm bạn đời, sinh sản và nuôi con. Các nhà nghiên cứu đã thu thập được những dữ liệu chi tiết để lập nên các bản đồ phân bố cũng như lộ trình di cư của những đàn cá voi lưng gù trên khắp các đại dương.
Nhờ vậy, nhóm anh Thiện có thể xác định được những nơi nơi cá voi lưng gù di cư đến, một trong số đó là vùng biển Đông Phi nằm giữa tam giác Madagascar, quần đảo Reunion (Pháp) và quốc đảo Mauritius.
Đông Phi nằm ở phía nam bán cầu, vì vậy tháng 7 là thời điểm vùng biển này bắt đầu bước vào mùa đông. Nhiệt độ trung bình giảm còn khoảng 18 – 23 độ, nhiệt độ nước biển giảm xuống còn khoảng 20 – 21 độ, biển động, sóng to, nhiều gió với những cơn dông bất ngờ ập đến và tầm nhìn kém. Nhóm anh Thiện đã thuê tàu và hướng dẫn viên địa phương để thực hiện chuyến lặn biển. Ra khơi thời điểm này gặp nhiều khó khăn, một số người trong đoàn say sóng, phải nằm trên sàn tàu.
Tuy cá voi lưng gù là loài khá hiền lành và thân thiện nhưng trong mùa sinh sản, chúng trở nên nhạy cảm, cảnh giác và có thể tấn công những sinh vật đến gần chúng để bảo vệ con. Đầu cá có các u với đôi vây ngực có thể dài đến 5 m, chiếm tới 1/3 chiều dài toàn thân, linh hoạt và mạnh mẽ. Trên vây của chúng thường có nhiều hàu với lớp vỏ sắc nhọn, có thể gây chấn thương nặng cho con người và các loài động vật khác. Ngoài ra, việc các voi lưng gù thường xuyên nhảy lên khỏi mặt nước và vô tình đáp trúng tàu thuyền hoặc người bơi lặn bên dưới cũng là một trong số những rủi ro có thể gặp phải.
Để đảm bảo an toàn và việc tiếp cận ghi hình hiệu quả nhất, người lặn cần tuân thủ theo hướng dẫn của thợ lặn địa phương. Sau khi dùng ốm nhòm quan sát các cột nước phun lên từ xa do cá voi lên thở hoặc sử dụng các thiết bị định vị bằng sóng âm dưới nước để dò tìm vị trí, người lặn cần chờ thời điểm thích hợp khi cá voi mẹ và con non cảm thấy thoải mái nhất để tiếp cận và đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 10 m.
Với anh Thiện, cá voi lưng gù là một trong những loài động vật to lớn và đẹp nhất đại dương. Đây là loài thuộc họ cá voi tấm sừng hàm dài từ 13 – 17 mét và nặng khoảng 30 – 50 tấn, có màu đen hoặc xám ở thân trên, trong khi bụng màu trắng.
Từ trên cao nhìn xuyên qua làn nước mỏng, anh Thiện bắt gặp hai mẹ con cá voi lưng gù đang lướt đi nhẹ nhàng bên dưới. “Chiếc đuôi của cá voi mẹ ẩn dưới mặt biển phẳng lặng nhưng lại vô tình rẽ nước thành hình dáng một chiếc đuôi khác to lớn hơn. Sóng nước, bọt biển và ánh sáng cùng kết hợp tạo nên sự thi vị của đại dương”, anh Thiện nói.
Trong những bức ảnh được anh Thiện chụp từ trên cao, kích thước của cá voi lưng gù có thể lớn gấp gần 20 lần con người, chưa kể đến trọng lượng.
Một trong những khoảnh khắc ấn tượng và cũng “hú hồn” nhất của anh Thiện đó là lần “chạm mặt” ở cự ly gần (khoảng 5 m) với hai mẹ con cá voi lưng gù. Khi anh Thiện đang bơi song song và giữ khoảng cách để ghi hình thì bỗng hai mẹ con cá voi đột ngột đổi hướng, bơi thẳng về phía ống kính camera. “Lúc đó tôi cảm giác chỉ vài giây nữa là mình bị húc văng ra, dù có phản ứng cũng không kịp”, anh nói. Nhưng rất may mắn, chúng không tấn công mà nhẹ nhàng lặn xuống bên dưới anh Thiện. Khoảng cách gần đến mức trong tích tắc, cơ thể anh bị cuốn theo luồng nước do những cặp vây khổng lồ của chúng di chuyển tạo ra. Đổi lại, anh Thiện đã kịp bấm máy ghi lại khoảnh khắc hiếm có.
Cá voi lưng gù cũng di cư qua khu vực Biển Đông và từng nhiều lần được ngư dân và thợ lặn bắt gặp. Năm 1994, người dân xã Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) đã khai quật được bộ xương cá voi lưng gù dài 18 m và đã bàn giao cho Viện Hải dương học Nha Trang lưu giữ.
Để tăng xác suất thành công cho chuyến lặn biển cùng các loài động vật dưới đại dương, anh Thiện thường làm các bước như kiểm tra dự báo thời tiết, nhiệt độ nước, dòng chảy, tốc độ gió của ngày hôm đó; tìm hiểu cảnh quan và hệ sinh thái dưới nước khu vực sẽ lặn; tìm hiểu đặc điểm sinh học và tập tính của loài sinh vật biển mà mình muốn ghi hình; chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra kỹ các trang thiết bị lặn (pin lặn, mắt kính, ống thở, đai chì, đồ lặn) và các thiết bị chụp ảnh, quay phim, chiếu sáng dưới nước. Đặc biệt lưu ý các rủi ro có thể gặp phải và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của hướng dẫn viên hoặc thợ lặn địa phương.
Cá voi lưng gù từng bị các tàu săn cá voi của phương Tây săn bắt để phục vụ ngành công nghiệp khai thác mỡ làm dầu đốt từ thế kỷ XVII. Đến năm 1966, Ủy ban đánh bắt cá voi quốc tế (IWC) ban hành lệnh cấm săn bắt cá voi lưng gù vì mục đích thương mại. Anh Thiện hy vọng những thước phim, hình ảnh ghi lại vẻ đẹp của cá voi lưng gù sẽ góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ bảo tồn loài động vật này cũng như thông điệp về lối sống thân thiện, cân bằng với tự nhiên. Trong tương lai, anh dự định sẽ tiếp tục khám phá những vùng biển lạnh giá ở cực Nam bán cầu.
Quỳnh Mai
Ảnh NVCC
Nguồn: World Atlas