Nhiều điểm du lịch phía Bắc ‘cháy’ phòng, giá tăng gấp đôi

Cát Bà, Ninh Bình, Điện Biên, Sa Pa đều thông báo đạt công suất phòng khách sạn tối đa dịp lễ 30/4, trong khi các nhà nghỉ tăng giá, có nơi gấp đôi ngày thường. – Du lịch

Theo nhiều đơn vị lữ hành, các sản phẩm du lịch đường bộ được đông đảo khách nội lựa chọn dịp 30/4 để né giá vé máy bay cao. Tại khu vực phía bắc, Cát Bà, Sa Pa, Hạ Long hay Ninh Bình hứa hẹn hút khách, một số nơi có khả năng cháy phòng trong những ngày “nóng” nhất dịp lễ (từ 27 đến 30/4).

Theo khảo sát của Du lịch trong ngày 24/4, các ngày 27-29/4 lượng phòng khách sạn ở Sa Pa còn ít. Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Sa Pa, cho biết công suất phòng ở Sa Pa đạt 80%.

Tại Hà Nội, các homestay, villa vùng ven ghi nhận “cháy hàng”. Anbooking, đơn vị quản lý hơn 70 căn villa và homestay quanh Hà Nội, cho biết tỷ lệ lấp phòng ngày 30/4 và 1/5 đạt hơn 80%, ngày 27 và 28/4 đang tăng nhanh. Đơn vị cho biết kỳ nghỉ 5 ngày được đưa ra muộn nên khu vực ngoại ô Hà Nội đã được khách quan tâm từ sớm. Mức giá ngày lễ tương đương giá cuối tuần, các ngày 27 và 28/4 giá tốt hơn.

Toàn cảnh đảo Cát Bà. Ảnh: Lê Tân

Toàn cảnh đảo Cát Bà. Ảnh: Lê Tân

Dữ liệu của Mustgo, nền tảng đặt phòng khách sạn đang hợp tác với 80 resort, khách sạn, chủ yếu từ 3 sao, cho thấy công suất ở Cát Bà ngày 28 và 29/4 đạt trên 90%, phòng còn trống hạng cao khó tiếp cận. Đại diện Mustgo dự báo với xu hướng “đặt phút chót” mọi năm, hai ngày 27 và 30/4 sẽ sớm cháy phòng. Đại diện khu nghỉ dưỡng Flamingo Cat Ba cũng thông tin đã bán hết quỹ phòng dịp lễ 30/4, công suất đạt khoảng 90% trong những ngày cao điểm. Giá phòng dịp lễ ở cơ sở này cũng tăng 30% so với ngày thường.

Trên các ứng dụng đặt phòng trực tuyến, nhiều khách sạn ở Cát Bà được hệ thống thông báo “đang bán chạy”, còn ít phòng. Một khách sạn khu vực trung tâm Cát Bà hiện còn một phòng hai giường lớn, giá 1,2 triệu đồng mỗi đêm, sang cuối tuần sau (3-5/5), giá giảm còn 900.000 đồng mỗi đêm. Ngày thường giá khoảng 750.000 đồng mỗi đêm cho hạng phòng tương tự.

Ở trung tâm thành phố Hạ Long, các ngày 27-29/4 “nóng” nhất do trong thời điểm diễn ra Carnaval Hạ Long 2024 và đa số khách sạn phụ thu dip lễ. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói các sản phẩm tour du thuyền Hạ Long dịp lễ cũng kín chỗ từ đầu tháng 4, chứng tỏ sức hút lớn của loại hình nghỉ dưỡng này. 80% khách của công ty là khách nội địa, 20% là khách nước ngoài.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh, cho biết tỷ lệ kín phòng tại thành phố Ninh Bình và khu vực gần các điểm du lịch hút khách như Tràng An, Bái Đính dịp nghỉ lễ 5 ngày đạt trên 90%. Nhiều khách sạn lớn kín 100% từ nhiều ngày trước do nhu cầu lớn.

“Tôi đặt phòng cho gia đình hai đêm 29-30/4 mà gọi chỗ nào cũng kín”, Ngọc Lan, 30 tuổi đến từ Hà Nội chia sẻ khi đặt phòng ở Ninh Bình. Lan nói sang năm sẽ “rút kinh nghiệm” để đặt sớm hơn một tháng cho thoải mái lựa chọn.

Trên ứng dụng đặt phòng Booking, các khách sạn 4-5 sao và nằm cách trung tâm thành phố 4 – 7 km hiện tại vẫn còn phòng nhưng số lượng ít. Các homestay cao cấp với giá từ một triệu trở lên cũng có tỷ lệ lấp đầy tương tự. Những khu lưu trú hạng trung với giá phòng khoảng 500.000 -600.000 đồng còn nhiều phòng hơn nhưng không đáng kể.

Cúc Phương “về cơ bản kín phòng từ 27 đến 30/4” ông Đỗ Hồng Hải, đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương, nói. Vườn có gần 100 phòng phục vụ du khách và 7 nhà sàn tập thể. Giá phòng dịp nghỉ lễ và cuối tuần từ 400.000 đến một triệu. Du khách có thể cắm trại và ngủ tại nhà dân, giá 50.000-100.000 đồng một người khi hết phòng nghỉ và được sự đồng ý của Trung tâm.

Toàn cảnh đảo Cát Bà. Ảnh: Lê Tân

Tam Cốc, Ninh Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Lam Sơn

Trước tình hình hình lượng khách càng sát lễ càng đông, nguồn cung dịch vụ yếu nên các tour Điện Biên tại một số công ty đã khóa sổ sớm, trước gần một tháng. Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Du lịch Việt, cho biết lượng khách cao gấp hai lần so với cùng kỳ. Từ 18/4, công ty ngưng nhận thêm do đã bán hết tour dù lượng hỏi vẫn cao, chủ yếu do không đặt được thêm phòng.

Vietluxtour ghi nhận khách tăng hơn 40% so với cùng kỳ, chủ yếu đi từ đầu Hà Nội hoặc TP HCM. Công ty đã đóng tour Điện Biên từ đầu tháng 4, dù lượng quan tâm sau đó vẫn cao. Đơn vị cũng không thể nhập thêm dịch vụ phòng vì hết chỗ.

Ông Phạm Văn Thăng – Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên – xác nhận thành phố chỉ còn trống ít phòng trong dịp nghỉ lễ và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên. Dù khan hiếm phòng, các cơ sở lưu trú đều phải niêm yết giá rõ ràng. Theo ghi nhận của phóng viên, du khách hiện khó tìm phòng ở các khách sạn trung tâm thành phố nếu đi với đoàn đông (khoảng 10 người), đi lẻ theo nhóm nhỏ dễ tìm hơn.

Hiện tại, các nhà dân được bổ sung làm cơ sở lưu trú tạm thời quanh TP Điện Biên vẫn nhận khách với mức giá khoảng 500.000 đồng mỗi đêm với phòng nghỉ riêng và khoảng 150.000 đồng mỗi người với nhà sàn. Bà Cà Thị Dương, chủ nhà sàn ở bản Pa Pe, cho biết nhà sàn kín chỗ vào ngày 4-6/5, ngày 7/5 còn ít chỗ, giai đoạn nghỉ lễ 30/4 vẫn nhận khách. Du khách có thể tham khảo danh sách các nhà nghỉ trên trang web của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Điện Biên.

Toàn cảnh đảo Cát Bà. Ảnh: Lê Tân

Phòng giá 500.000 đồng mỗi đêm của một hộ kinh doanh cà phê khu vực gần quảng trường 7/5, Điện Biên. Ảnh: NVCC

Do nhu cầu cao, hầu hết các khách sạn 3-4 sao đều áp dụng phụ thu dịp lễ và tăng giá 20-30%. Tuy nhiên, nhóm nhà nghỉ và khách sạn thấp sao ghi nhận mức tăng giá gần gấp đôi.

Hôm 22/4, Văn Thịnh, du khách Hà Nội, tìm phòng ở Cát Bà các ngày 28-30/4 trên một số kênh đặt phòng online cho gia đình ba người. Anh cho biết giá phòng khu vực trung tâm hơn một triệu đồng mỗi đêm, dịch vụ lại không có gì đáng kể. Tuy nhiên, Thịnh vẫn đặt phòng vì “đi vào dịp lễ”.

Một khách sạn 3 sao ở Cát Bà khác bán phòng hai giường đôi lớn giá 1,2 triệu đồng mỗi đêm dịp lễ, sang cuối tuần sau, giá giảm còn 500.000 đồng. Nhiều nhà nghỉ cũng đang chào khách với mức giá khoảng 700.000 đồng mỗi đêm dịp lễ, ngày thường giá khoảng 300.000-400.000 đồng.

Về vấn đề này, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, nói khó quản lý mức tăng giá “bất hợp lý” của các nhà nghỉ, khách sạn nhỏ lẻ. Khách không có kế hoạch sớm, đến nơi mới thuê phòng và phải chấp nhận giá cao. Đó là “thỏa thuận giữa đôi bên”. Các khách sạn lớn thường ký kết hợp đồng với đối tác từ sớm, chủ động công bố giá và không tăng giá quá nhiều.

Sở Du lịch tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động du lịch trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ, đặc biệt việc niêm yết công khai giá, bán đúng giá niêm yết, bình ổn giá. Tỉnh này cũng thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch từ 15/4 đến 2/5, nhằm xử lý kịp thời các vi phạm.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh, cũng cho biết sẽ tổ chức kiểm tra trước, trong dịp nghỉ lễ 30/4, đảm bảo chất lượng dịch vụ, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và quy định pháp luật. Với tỷ lệ kín phòng đến hiện tại, ông Mạnh kỳ vọng dịp nghỉ lễ Ninh Bình đón 550.000 lượt khách (45.000 lượt khách quốc tế), tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Doanh thu dịp nghỉ lễ năm nay ước đạt 520 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với 2023.

Tú Nguyễn – Phương Anh


Bài viết được đề xuất