Những thảm họa thiên nhiên khiến du lịch chịu thiệt hại

Cháy rừng ở đảo Rhodes, Hy Lạp, ảnh chụp vào tháng 7. Ảnh: AP

Nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới hứng chịu thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng khiến du lịch địa phương lao đao. – Du lịch

SCMP thống kê một số thảm họa thiên nhiên xảy ra tại các địa điểm nổi tiếng. Ngành du lịch tại các điểm đến này chịu tác động nghiêm trọng, khách sạn, nhà hàng hư hại, công ty lữ hành đóng cửa, người dân địa phương mất việc. Từ đầu năm đến nay có 4 thiên tai lớn xảy ra tại các điểm đến nổi tiếng.

Đảo Rhodes, Hy Lạp: Cháy rừng

Các vụ cháy rừng đã tàn phá nhiều vùng trên thế giới trong mùa hè vừa qua. Hồi tháng 7, trong mùa cao điểm du lịch, gió mạnh quét qua vùng khô cằn ở đảo Rhodes khiến lửa bùng phát, gây nên trận hỏa hoạn kéo dài hàng tuần.

Cháy rừng ở đảo Rhodes, Hy Lạp, ảnh chụp vào tháng 7. Ảnh: AP

Cháy rừng ở đảo Rhodes, Hy Lạp, ảnh chụp vào tháng 7. Ảnh: AP

Người dân và khách du lịch phải lánh nạn trong trường học và nơi trú ẩn khác khi ngọn lửa đe dọa các khu nghỉ dưỡng, làng mạc ven biển. Truyền thông thế giới mô tả cuộc tháo chạy khỏi Rhodes là “lớn nhất lịch sử Hy Lạp” khi gần 19.000 người đã được sơ tán khỏi đảo từ 22/7 theo đường biển.

Gần 2 tháng qua, chính phủ Hy Lạp tìm cách giải cứu ngành du lịch địa phương. Giới chức đảo Rhodes nói điểm đến đã an toàn và sẵn sàng chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đồng ý cho những du khách bị hủy tour thời điểm xảy ra trận cháy rừng được hưởng một tuần lưu trú miễn phí ở Rhodes vào năm 2024. Năm 2022, đảo Rhodes đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, cao hơn cả thời kỳ trước đại dịch.

Hawaii: Cháy rừng

Thị trấn Lahaina phía tây đảo Maui, nơi người dân từng sống bằng nghề săn cá voi, là một trong những điểm nghỉ mát nổi tiếng nhất quần đảo Hawaii.

Ngoài các bãi biển, thị trấn còn hút khách bằng hàng chục phòng trưng bày nghệ thuật, cửa hàng lưu niệm, nhà hàng.

Tháng 8 vừa qua, một trận cháy rừng tàn khốc đã quét qua đảo Maui. Theo Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia Mỹ, cháy rừng trên đảo Maui gây thiệt hại lớn hơn đám cháy Fire năm 2018 ở miền bắc California phá hủy thị trấn Paradise và khiến 85 người chết. Vụ cháy rừng ở Maui cũng được nhận định là chết chóc nhất trong vòng 100 năm qua ở Mỹ. Theo Reuters, ít nhất 185 người thiệt mạng. 2.200 tòa nhà bị hư hại hoặc phá hủy, thiệt hại ước tính gần 6 tỷ USD.

Các chuyên gia du lịch e ngại đám cháy gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch Maui nói riêng và quần đảo Hawaii nói chung. Sau khi đám cháy được kiểm soát, chính quyền địa phương kêu gọi khách du lịch tạm thời không nên đến Maui để nhường chỗ ở cho người địa phương. 1.000 phòng khách sạn được dành cho những người sơ tán và làm nhiệm vụ.

Morocco: Động đất

Sự dịch chuyển của mảng kiến tạo châu Phi và Á – Âu là yếu tố chính dẫn đến thảm họa động đất hôm 8/9 tại Morocco, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho hay đây là trận động đất mạnh nhất tấn công quốc gia Bắc Phi trong một thế kỷ qua.

Tâm chấn của trận động đất 6,8 độ richter xảy ra tối thứ sáu tuần trước là dãy núi High Atlas, cách thành phố di sản Marrakech, miền trung Morocco khoảng 166 km về phía tây nam, thuộc tỉnh Al Haouz. Đây cũng là nơi có số thương vong cao nhất.

Một khách sạn trong làng Moulay Brahim, phía Nam Marrakech trên dãy núi Atlas, bị hư hại sau trận động đất. Ảnh: AP

Một khách sạn trong làng Moulay Brahim, phía nam Marrakech, bị hư hại sau trận động đất. Ảnh: AP

Marrakech chịu ảnh hưởng lớn từ trận động đất khi nhiều công trình lịch sử bị hư hại nặng nề. Từ ngày 11/9, tất cả di tích lịch sử ở Marrakech, bao gồm cung điện Bahia, lăng mộ Saadian và cung điện El Badi, đóng cửa.

Marrakech luôn là điểm đến hàng đầu ở Morocco. Năm 2022, thành phố này đón 10,9 triệu lượt khách, tăng 3,7 triệu lượt so với năm trước đó, theo Morocco World News.

Sikkim, Ấn Độ: Tuyết lở

Tháng 4 vừa qua, một trận tuyết lở ở bang Sikkim, một trong những vùng du lịch đẹp nhất Ấn Độ, khiến 7 du khách thiệt mạng và 17 người bị thương. Nhóm khách bị tuyết chôn vùi khi đang đi dọc Nathu La, một con đèo thuộc dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Tây Tạng.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ và cường độ những trận lở tuyết ở Sikkim, bang biên giới đông bắc Ấn Độ. Phá rừng là một nguyên nhân khác, khi cây cối bị đốn hạ, đất trở nên lỏng lẻo, không ổn định, dễ hình thành tuyết lở.

Murree, Pakistan: Bão tuyết

Tháng 1/2022, 150.0000 du khách ở Pakistan đổ xô đến khu nghỉ dưỡng trên núi Murree ở phía bắc đất nước với hy vọng được nhìn thấy tuyết đầu mùa. Tuyết đến đúng lúc nhưng là một trận bão dữ dội.

Bão tuyết làm đổ cây cối và đường dây điện. Các tuyến đường ra vào Murree tắc nghẽn, phương tiện ùn ứ hàng km.

Một số du khách bỏ lại xe, tìm đường vào thành phố kiếm chỗ ở, một số chọn ở lại qua đêm. Nhiệt độ giảm sâu đã khiến 23 người chết trong ôtô do hạ thân nhiệt và ngộ độc khí carbon monoxide từ khí xả động cơ.

Vài ngày sau trận bão tuyết, những người sống sót giận dữ chỉ trích chủ khách sạn đã tăng giá phòng cao đến mức “không thể chấp nhận được” và phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người chọn ở lại trong ôtô.

Venice, Italy: Lũ lụt

Tháng 11/2019, Venice trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm. Các điểm tham quan như quảng trường St Mark’s và nhiều cửa hàng, nhà hàng và quán bar bị ngập. Một nửa trong số 120 nhà thờ của thành phố chìm trong biển nước. Nhiều ngôi nhà cổ, công trình kiến trúc lịch sử bị hư hại.

Sau trận lụt, khách du lịch hủy phòng khách sạn hàng loạt, một số sự kiện bị hoãn lại.

Khách du lịch xách hành lý lội qua nước lũ ở Venice ngày 23/12/2019. Ảnh: AP

Khách du lịch xách hành lý lội qua nước lũ ở Venice ngày 23/12/2019. Ảnh: AP

Dù người dân Venice dường như đã quen với lũ lụt, điều khiến họ lo ngại là độ sâu của nước và tần suất lũ lụt tăng theo từng năm.

Bích Phương (Theo SCMP)


Bài viết được đề xuất