Bước ra từ phòng tắm nhà mình, Alice Johnson giật mình khi thấy bên ngoài cửa sổ là một người đàn ông đang chụp ảnh. – Du lịch
Bạn đã bao giờ nhìn vào một ngôi nhà nhỏ xinh ở London (Anh) và nghĩ: “Sống ở đó chắc là tuyệt lắm” chưa? Nếu câu trả lời là “Có”, bạn không phải người duy nhất nghĩ như vậy. Nhưng với những người thực sự sống trong các ngôi nhà đó, câu trả lời có thể là “Không biết nữa”.
Khi nhà riêng biến thành “của chung”
Alice Johnston sống trên đường Portobello ở Notting Hill, London. Khu vực này rất đông du khách với những dãy nhà sơn màu và là bối cảnh của bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hollywood. Nhờ đó, Alice có cơ hội chứng kiến nhiều hành vi “điên rồ” của khách du lịch khi họ làm mọi cách để chụp những bức ảnh hoàn hảo ở nơi cô sống, rồi đăng lên Instagram.
Một lần, Alice cùng bạn dắt chó đi tạo thì một khách du lịch đã hỏi mượn thú cưng của cô để chụp ảnh. Alice đồng ý, du khách nhanh chóng tạo dáng cùng con chó trước một cánh cửa sơn màu xanh. Sau đó, họ đưa cho Alice 5 bảng Anh như một lời cảm ơn.
Trong câu chuyện của Alice, tất cả mọi người đều vui vẻ: từ Alice, người bạn của cô, con chó đến vị khách. Nhưng bên cạnh đó, còn một mặt tối hơn mà những người dân sống ở các điểm đến du lịch nổi tiếng phải chịu đựng. “Tôi từng bị đánh thức lúc 6h vào ngày Phục sinh bởi các du khách trẻ người Pháp gây ồn ào”, Alice nói. Một lần khác, cô đang thay đồ khi vừa tắm xong thì phát hiện một vị khách chụp ảnh bên ngoài cửa sổ. Lúc đó, cửa chớp đã đóng, nhưng Alice vẫn cảm thấy bối rối.
Điều tương tự diễn ra ở Hong Kong, với một khu vực gồm 5 tòa nhà thông nhau có biệt danh “Tòa nhà quái vật”. Nơi này là điểm hút khách du lịch sau khi xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng, một trong số đó là Transformers: Age of Extinction. Mọi người đổ xô đến đây để chụp ảnh, rồi đăng trên Instagram. Cuộc sống riêng tư của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Chuck Henderson, người Mỹ, rất hiểu cảm giác bị làm phiền này. Bà của Chuck, Della, là một người yêu thích kiến trúc và mua một ngôi nhà ở California, Mỹ. Ngôi nhà này là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Frank Lloyd Wright. Khi mua nó, mọi người đã không hình dung đến việc ngôi nhà thành điểm du lịch, và du khách yêu kiến trúc từ mọi nơi đổ xô đến.
Mọi người phải cắm biển báo “tài sản tư nhân, không xâm phạm” để cảnh báo du khách. Dù vậy, họ thỉnh thoảng vẫn phải tiếp các vị khách không mời trong garage, hay những kẻ đi lang thang quanh ngôi nhà. “Chỉ cần họ không làm gì sai trái, chúng tôi cũng sẽ cố gắng không báo cảnh sát”.
Sống chung với “lũ”
Để đối mặt với việc bị làm phiền này, họ đã chọn cách thỏa hiệp sao cho hài hòa nhất. Alice nói các ngôi nhà màu hồng nhạt xinh đẹp gần nơi cô sống nổi tiếng đến mức, người dân đã phải từ bỏ việc cố gắng ngăn cản khách du lịch ghé qua. Thay vào đó, họ đặt trước cửa thùng quyên góp, kêu gọi du khách đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện để đổi lấy các bức ảnh chụp.
Alice cố gắng gây thiện cảm với những du khách đến thăm quê hương mình. Cô cũng nhớ lại việc mình từng thích chụp ảnh ở khu phố lịch sử ở Paris, Pháp hay Lisbon, Bồ Đào Nha như thế nào. “Tôi cảm thấy may mắn và tuyệt vời vì mọi người muốn đến thăm nơi tôi đang sống”, cô nói.
Tại “Ngôi nhà quái vật”, người dân không thể lập hàng rào ngăn du khách, vì tầng trệt là khu vực kinh doanh. Vì vậy, họ treo biển, yêu cầu khách du lịch tôn trọng không gian riêng. Nội dung của tấm biển cảnh báo được ghi bằng tiếng Trung Quốc và Anh: “Đây là khu vực tư nhân, nghiêm cấm mọi hoạt động xâm phạm quyền riêng tư. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các thiệt hại tài sản hay thương tích cá nhân do bất kỳ tai nạn nào”.
Một số tài sản quanh ngôi nhà của gia đình Henderson bị hư hỏng, mất mát do khách kéo đến và cố gắng mang một thứ gì đó về làm quà lưu niệm. Người chủ ở đây đã phải lắp thêm camera giám sát, cũng như mua bảo hiểm cho ngôi nhà và chính mình. Họ cũng mở cửa ngôi nhà cho công chúng ghé thăm vào một ngày trong năm. Số tiền bán vé được đóng góp cho một tổ chức ở địa phương. “Đó là niềm vui lớn khi có thể chia sẻ ngôi nhà để mọi người có thể tới chiêm ngưỡng, và thấy nhiều người vui vẻ khi đến đây”.
Anh Minh (Theo CNN)
Đi khắp thế giới suốt hai năm dịch bệnh