Núi thiêng có loài ‘đa bóp cổ’ ở cao nguyên Di Linh

Cao nguyên Di Linh lúc hoàng hôn.

Lâm Đồng- Núi Brăh Yàng ở cao nguyên Di Linh được tôn vinh là nơi ở của các vị thần, có rừng nguyên sinh với loài “đa bóp cổ” do dễ ký sinh, hút chết cây chủ. – Du lịch

Brăh Yàng thuộc thôn Ka La, xã Bảo Thuận, là ngọn núi cao nhất huyện Di Linh, Lâm Đồng, nằm trên mực nước biển 1.879 m. Bao quanh là rừng nguyên sinh, dãy núi đá trùng điệp và những khe nước trong vắt.

Ngọn núi gắn liền với nếp sống của người dân tộc K’Ho Sre ở cao nguyên Di Linh. Anh Nhoi Mur, người K’Ho Sre sinh sống tại xã Liên Đầm, cho biết núi Brăh Yàng gắn liền với câu chuyện về chàng thanh niên tên Brah lấy tiên trên núi và trở thành Brăh Yàng (thần Brăh). Theo tiếng bản địa, Brăh Yàng có nghĩa là nơi ở của thần (Yàng), mang ý nghĩa linh thiêng. Người địa phương tin rằng Brăh Yàng là vị thần sức khỏe có tài quy phục dã thú và bảo vệ con người cùng vạn vật. Để đến được đỉnh núi thiêng này cần có niềm tin, sức bền lẫn thể lực.

Cao nguyên Di Linh lúc hoàng hôn.

Cao nguyên Di Linh lúc hoàng hôn.

Đường lên đỉnh núi chỉ có một con đường mòn với những con dốc cao tiếp nối nhau. Để tới được đỉnh Brăh Yàng, du khách phải băng qua những rẫy cà phê được canh tác trên các con dốc đứng, đá và cỏ chen nhau.

Chị Minh Thy, sinh sống tại TP HCM, đến Di Linh vào tháng 4, nhằm hiểu thêm về mẹ thiên nhiên chứ “không dám chinh phục” ngọn núi Brăh Yàng. Có kinh nghiệm leo núi, nhưng dưới cái nắng gay gắt của cao nguyên, những tán cà phê dọc đường lên đỉnh Brăh Yàng không đủ tạo bóng mát khiến chị nhanh chóng “thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhại”.

Sau khi băng qua rẫy, qua những cánh rừng thông, chị đến khu rừng nguyên sinh với hàng loạt cây cổ thụ vươn cao tỏa bóng mát. Thảm thực vật trong rừng nguyên sinh đa dạng từ các loại cây bụi mọc chen với búi dây gai chằng chịt đến những cây cổ thụ phải chục người ôm không xuể.

Minh Thy (trái) ấn tượng với những gốc cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh.

Minh Thy (trái) ấn tượng với những gốc cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh.

Quanh khu rừng nguyên sinh có nhiều cây đa “bóp cổ”. Loại cây này có bộ rễ khỏe mạnh, vươn cao quá đầu người tạo thành những hốc hang có thể trú được. Anh Nhoi Mur cho biết loại cây này sống cộng sinh trên thân cây cổ thụ. Hạt mầm sinh rễ bám vào cây chủ, hút ẩm và chất dinh dưỡng trên bề mặt vỏ cây. Dần dà, cây ký sinh vươn lên bên trên ngọn cây chủ để đón ánh sáng mặt trời. Bộ rễ ngày một khỏe mạnh, bám chặt vào thân cây chủ, men theo thân cây dần cắm xuống đất. Khi rễ phát triển mạnh, hóa gỗ sẽ dần bóp chết cây chủ.

Rễ đa bóp cổ bám vào thân cổ thụ.

Rễ “đa bóp cổ” bám vào thân cổ thụ.

Qua khu rừng nguyên sinh là đến khu vực giếng nước thần, nơi nghỉ chân và dựng trại qua đêm của du khách leo núi Brăh Yàng. Người địa phương coi đây là giếng thiêng vì nguồn nước không bao giờ cạn. Theo truyền thuyết, khi chàng Brăh theo các nàng tiên lên núi, được thần núi ban cho nước từ giếng này để rửa mặt. Vừa rửa xong thì khuôn mặt chàng sáng hẳn lên và bỗng nhìn thấy những căn nhà dài cổ xưa giữa rừng. Từ đó, Brăh ở lại đây cùng con gái của thần núi và trở thành thần Brăh hay còn gọi là Brăh Yàng.

Chị Minh Thy cho biết khác với tưởng tượng ban đầu, giếng nước nông, nhìn vào là thấy đáy. “Lạ thay là nước trong giếng không bao giờ cạn, miệng giếng cũng không bị cỏ cây vùi lấp”, nữ du khách nói.

Những người bản địa coi việc vào rừng, leo núi như chuyến về thăm ông bà, tổ tiên nên phải giữ sự kính trọng. Du khách ghé thăm ngọn núi thiêng Brăh Yàng luôn được hướng dẫn viên người K’Ho dặn dò không được nói tục, chửi thề.

Anh K’Brẻoh, porter bản địa ở Brăh Yàng, cho biết du khách có thể đến đây quanh năm. Các chuyến trekking thường kéo dài 3 ngày 2 đêm, độ thử thách ở mức trung bình. Ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng, du khách có thể trải nghiệm chèo SUP, cắm trại bên hồ Kala, trải nghiệm cuộc sống người của dân tộc K’Ho ở Di Linh.

Bích Phương

Ảnh: Lê Thuận – Trần Linh

Bài viết được đề xuất