Ngoài espresso, đất nước hình chiếc ủng còn rất nhiều loại cà phê nổi tiếng khác như ristretto, lungo, cappuccino, macchiato… – Du lịch
Dưới đây là những loại cà phê nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích tại đất nước hình chiếc ủng, theo thống kê từ Roman Guy, blog chuyên về du lịch Italy được viết bởi rất nhiều du khách từng đến quốc gia này.
Espresso
Caffè là từ tiếng Italy để chỉ cà phê, nhưng nó cũng là thứ người dân dùng để gọi một ly espersso, loại phổ biến nhất tại đây. Vì vậy, khi vào quán để gọi một ly espresso, hãy đơn giản gọi là un caffè (kahf-feh), điều đó sẽ giúp bạn bớt giống khách du lịch một chút. Nếu muốn một ly lớn, gấp đôi ly họ đang bán, hãy gọi “doppio”.
Ristretto (Caffè Stretto)
Nó tương tự một tách espresso, nhưng ít nước hơn. Do đó, nó có hương vị đậm đà hơn. Cách đọc của loại cà phê này là Ree-streht-to.
Lungo
Lungo có nghĩa là “dài”. Và từ “dài” ở đây là để chỉ về thời gian để uống một tách cà phê. Làm thế nào để kéo dài thời gian uống cà phê? Cách thứ nhất là bạn gọi thêm một cốc nữa, cách thứ hai là thêm nhiều nước để pha loãng ra. Và Lungo thuộc cách thứ hai. Với một ly espresso pha máy, bạn chỉ cần tăng lượng nước gấp 3-4 lần là có ngay cốc lungo. Cách gọi loại cà phê này ư? Bạn hãy gọi là loon-goh.
Shakerato
Shakerato nghĩa là lắc lên và đó chính xác là cách tạo ra loại cà phê này. Người pha chế sẽ lấy espresso lắc với đá trong thiết bị pha chế cocktail, rồi rót vào ly và thưởng thức. Và khi bartender hỏi: “Vuoi zucchero?”, điều đó có nghĩa là “Bạn có muốn thêm đường không?”. Nhược điểm của loại đồ uống này, theo Roman Guy chính là thường chỉ bán vào những tháng trời ấm áp vì có đá. Khi gọi loại đồ uống này, bạn hãy đọc: Shay-keh-rah-toh.
Crema Di Caffè
Cái tên này có nghĩa là cà phê kem. Người Italy sẽ lấy espresso, đường và kem cho vào một chiếc máy để khuấy đều lên, khiến món đồ uống trở nên mát lạnh, mịn màng và thơm ngon. Vì đây là cà phê lạnh, nên nó cũng được bán theo mùa, từ khoảng tháng 5 đến tháng 10, khi thời tiết ấm áp hoặc nóng. Cách đọc của thức uống này là Kray-ma dee kahf-feh.
Cappuccino
Nếu thích loại cà phê này, hãy mạnh dạn vào quán vào gọi một cốc “Kahp-poo-chee-noh”. Công thức tạo ra loại đồ uống này gồm 3 phần: cà phê espresso, sữa nóng và bọt sữa. Trong khi đó, một ly latte có nhiều sữa nóng hơn và lớp bọt sữa mỏng hơn.
Người dân thường uống cappuccino vào buổi sáng, không bao giờ uống sau 11h sáng vì người dân tin rằng sữa trong cà phê sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa nếu uống muộn hơn.
Macchiato
Macchiato có nghĩa là “vệt lốm đốm”. Nguyên liệu chính là cà phê, bọt sữa tươi và điểm lên bề mặt là những vệt cà phê lốm đốm nhỏ, đẹp mắt. Nhiều thực khách nói rằng họ thấy lượng sữa trong cappuccino quá nhiều, còn espresso lại quá đậm. Và Macchiato là sự dung hòa hoàn hảo của hai loại trên. Giống Cappuccino, Macchiato chỉ dùng cho buổi sáng. Cách gọi thức uống này là Mah-kee-yah-toh.
Marocchino
Thức uống này có nguồn gốc từ vùng Piedmon. Tại một số khu vực khác của Italy, đặc biệt là miền Nam, người dân hay gọi nó là “espressino”. Marocchino được coi là lý tưởng khi gồm các nguyên liệu: một chút bột ca cao, một lớp sữa tạo bọt và rắc thêm một ít ca cao phía trên. Và bạn hãy đọc nó là: Mah-rohk-kee-noh.
Một số quy tắc du khách cần nhớ khi uống cà phê ở đất nước hình chiếc ủng:
– Các quán bar ở Italy không chỉ bán rượu mà còn cán cả cà phê, cũng như các loại nước ngọt và bánh để ăn sáng. Hầu hết các cơ sở không có bảng hiệu ghi tên tuổi, vì phần lớn đều là các quán do các hộ gia đình tự mở. Trước cửa quán chỉ có một từ “Bar”.
– Hầu hết quán bar đều yêu cầu bạn thanh toán trước khi nhận đồ uống.
– Có hai mức giá trong quán bar: al tavolo (uống tại bàn) và al banco (tại quầy). Người dân địa phương thường dành tối đa 5 phút trong quán bar, thưởng thức cà phê tại quầy và bắt đầu ngày mới. Giá tại bàn thường cao hơn.
– Nếu nhân viên pha chế không cung cấp nước uống cho bạn, hãy yêu cầu họ đưa cho mình một ly nước. Nước ở đây là miễn phí khi bạn gọi cà phê.
Đây là một số quy tắc của người dân địa phương, và vì bạn là du khách nên có thể tuân theo hoặc không, miễn bạn cảm thấy thoải mái, theo Roman Guy.
Anh Minh (Theo Roman Guy)
Phân biệt 12 loại phô mai nổi tiếng nhất thế giới