Quán cà phê khách gọi món bằng tay

Nguyễn Thị Hằng, nhân viên của quán cà phê, cảm ơn khách bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Trung Nghĩa

Hà Nội- Không thể nghe nói, nhân viên khẽ cúi lưng, đưa tay chụm lên miệng rồi mở bung ra phía trước cảm ơn khi thực khách dùng đồ tại quán. – Du lịch

Đó là công việc cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Hằng đã làm thuần thục trong suốt một năm qua tại quán cà phê. Khi có khách đến, cô nhanh nhẹn mang trà ra mời, rồi đưa họ thực đơn được viết bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trên đó in hình các động tác tay để gọi món như cà phê, trà, cam, đào… và nóng hoặc đá.

Đứng trước quầy, có những vị khách chỉ tay vào thực đơn, viết giấy để gọi món nhưng cũng có nhiều người cố gắng dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, dù lúng túng. Những lúc ấy, Hằng thấy rất vui và cô sẽ cảm ơn họ với nụ cười thật tươi sau lớp khẩu trang và chỉ có thể thấy rõ ở đôi mắt.

Nguyễn Thị Hằng, nhân viên của quán cà phê, cảm ơn khách bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Trung Nghĩa

Nguyễn Thị Hằng, nhân viên của quán cà phê, cảm ơn khách bằng ngôn ngữ ký hiệu. Những người ở đây mong khách đến sẽ gọi họ đúng với cái tên “cộng đồng người điếc” thay vì “khiếm thính”. Ảnh: Trung Nghĩa

“Ngôi nhà chung” của những người điếc

Tổ hợp KymViet Space đi vào hoạt động năm 2020 trên đường Trung Văn. Ở đây không chỉ có quán cà phê, mà còn gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công từ năm 2013 và không gian trưng bày sản phẩm trên diện tích 450 m2 với 2 tầng. Tầng một có chỗ ngồi trong nhà và ngoài sân. Hiện quán còn có 2 cơ sở khác ở Hà Nội, với hơn 30 nhân viên, phần lớn đều là người khuyết tật, đặc biệt là người điếc.

Không phải đồ uống, điểm khác biệt lớn nhất ở quán là không gian và trải nghiệm giao tiếp với nhân viên. Trên những bức tường, chiếc bàn, kệ tủ đều trưng bày nhiều sản phẩm thủ công như túi xách, thú nhồi bông với màu sắc đa dạng, đường nét tinh xảo. Trên mỗi sản phẩm có mùi thơm của tinh dầu. Tất cả đều là thành phẩm của những nhân viên ở đây.

Khách sẽ được tham khảo thực đơn đồ uống bên cạnh tên món là ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện theo. Ở mỗi bàn đều có một nút bấm, phát đèn sáng để nhân viên biết khách cần hỗ trợ. Ngoài ra, ở đây sẽ có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như “Cảm ơn”, “Xin chào”… để khách dễ dàng giao tiếp.

Quán cà phê ở địa chỉ 123 Trung Văn, Nam Từ Liêm. Video: Trung Nghĩa

Hằng và nhiều nhân viên khác gọi nơi đây là “ngôi nhà” thay vì nơi làm việc. Ở đây, họ có những người bạn trong cộng đồng, làm pha chế, nhân viên bàn hoặc công nhân ở xưởng. Ngoài làm việc, họ nấu cơm, dùng bữa trưa cùng nhau, những người xa nhà được hỗ trợ thuê phòng trọ.

Qua quản lý cũng là người phiên dịch, Hằng chia sẻ mình sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông ở Hòa Bình. Ba chị em cô đều điếc bẩm sinh nên việc học tập trong những ngôi trường bình thường rất khó khăn, cô giáo giảng ở trên, trò ở dưới không thể nghe hiểu. Cố gắng học hết lớp 9, Hằng nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà, đồng áng. 18 tuổi, cũng giống như hai chị của mình, cô đi làm ở xưởng may nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp với mọi người, nên tự ti và sớm nghỉ việc.

Năm 2020 qua sự giới thiệu của một người bạn trong cộng đồng người điếc, cô xin việc ở quán cà phê. Cô được đào tạo nghiệp vụ pha chế đồ uống và quy trình đón khách, những công việc chưa từng nghĩ tới. Trong quá trình làm việc, kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô là được đoàn khách tặng những tờ giấy nhắn khen đồ uống ngon, họ hài lòng và không gian thoải mái. Dù là một hành động nhỏ, Hằng thấy hạnh phúc vì được công nhận, mình có thể làm tốt công việc như bao người khác.

Không chỉ Hằng, phần lớn nhân viên ở quán đều đã nghỉ học và đi làm từ sớm, có người chưa học hết lớp 3, đọc chữ cũng chưa thành thạo. Bà Nguyễn Thị Đính, quản lý, cho biết đã hơn 8 năm kể từ những ngày đồng hành cùng công ty, bà được nghe nhiều tâm sự chân thật từ nhân viên. Ví dụ như trước đây khi họ làm việc với những người nghe và nói bình thường, người điếc thường không được sẻ chia và phân công nhiều công việc nặng hơn, khiến họ tự ti. Khi về xưởng và quán cà phê làm, dù có nhiều bỡ ngỡ trong công việc nhưng họ luôn làm bằng tất cả trách nhiệm của mình. Điều khiến bà Đính vui nhất là nhân viên thường tâm sự rằng họ hạnh phúc, hài lòng với công việc mình đang làm.

  

Sản phẩm thay lời nói

Là khách quen, chị Thanh Hương chia sẻ mình biết nơi này qua giới thiệu của một người bạn. Ấn tượng đầu tiên khi đến quán là không gian thoáng đãng, yên tĩnh. Quán cà phê của những người khuyết tật nhưng không hề có cảm giác nặng nề tính từ thiện như nhiều nơi khác. Nhân viên ở đây khiến chị yêu thích bằng những sản phẩm chỉn chu, nhìn là muốn nâng niu. Chị cũng từng đưa con tới quán để giao lưu với nhân viên, theo dõi các công đoạn làm đồ lưu niệm và trực tiếp thử nghiệm nhồi bông cho móc khóa, để con hiểu sau mỗi một sản phẩm là nhiều công đoạn kỳ công.

Lần đầu tiên đến quán, anh Dũng Anh cũng có cảm nhận tương tự. Song anh đặc biệt yêu thích tính nhân văn trong quán, khi mỗi khách đều có cơ hội được giao tiếp với người điếc. Anh cho biết sẽ giới thiệu nhiều bạn bè, các nhóm học sinh, sinh viên tới đây vui chơi và trải nghiệm.

Mọi người lựa chọn dịch vụ và sản phẩm ở quán vì chúng đáng giá, chứ không phải tình thương cũng là mong muốn của anh Phạm Việt Hoài (49 tuổi), Chủ tịch HĐQT công ty. Liệt chân và ngồi xe lăn sau tai nạn năm 7 tuổi, anh hiểu rõ người khuyết tật luôn thiếu tự tin, cảm thấy mình không may mắn. Tất cả rào cản đó xuất phát từ chính tình thương của gia đình, xã hội đối với họ.

Anh Hoài chụp cùng khách ở không gian bên ngoài quán cà phê.

Anh Hoài chụp cùng khách ở không gian bên ngoài quán cà phê. Ảnh: NVCC

Năm 2013 khi thành lập doanh nghiệp xã hội, anh Hoài có mong muốn góp phần nhỏ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, rằng họ không đáng thương hay là gánh nặng, mà có khát vọng lao động, cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ được chấp nhận. Hay đơn giản hơn, khách đến đây sẽ gọi họ đúng với cái tên “cộng đồng người điếc” thay vì “khiếm thính”. Chúng ta là những người khuyết tật nhưng không để sản phẩm chúng ta là những sản phẩm khuyết tật”, anh Hoài nói về phương châm hoạt động.

Sau xưởng sản xuất đồ thủ công, tổ hợp cà phê, điểm tham quan là mô hình anh Hoài xây dựng để đa dạng sản phẩm và tạo nhiều việc làm hơn cho người khuyết tật. Anh cho biết hiện ở Việt Nam có hơn 2 triệu người điếc, là lực lượng lao động tiềm năng. Họ chỉ có rào cản duy nhất là giao tiếp nhưng cũng dễ xóa bỏ nếu như có phương tiện hỗ trợ. Hiện nay 3 cơ sở chỉ có duy nhất một quản lý, còn lại tất cả nhân sự được trao quyền tự quyết định trong công việc.

Từ năm 2020, tổ hợp đã đón hàng trăm khách tới tham quan, trải nghiệm, kết hợp tour thăm làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ở đây không chỉ học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhân viên, bạn sẽ được trải nghiệm làm đồ lưu niệm và thưởng thức những món đồ uống hấp dẫn, món ăn đặc sản vùng miền.

Hiện nay, nhiều quận, huyện của Hà Nội đang chuyển vùng cam nên chỉ cơ sở Võ Chí Công (quận Cầu Giấy) đón khách uống cà phê, cơ sở ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mở cửa cho khách tham quan khu trưng bày. Quán cà phê mở cửa từ 9h đến 21h, phục vụ đồ uống giá 35.000 – 50.000 đồng.

Lan Hương – Trung Nghĩa

Bài viết được đề xuất