Hà Nội- Quán của ông Nguyễn Thái Dương (53 tuổi) ở ngã 5 Hàng Than – Hòe Nhai từ 1995 là điểm đến quen thuộc của bao thế hệ học sinh. – Du lịch
Một sáng tháng 6, phố cổ Hà Nội mưa như trút. Đứng trước hiên nhà ở 29 Hàng Than, ông Dương một tay giao đồ cho khách, một tay rút vội tiền trả lại, miệng liên tục gọi “10 kem mang về, 30 kem đi Phố Huế”. Bên trong, chục nhân viên luôn tay đóng hộp, buộc từng gói 10 hộp caramen để kịp xếp lên xe gửi cho khách.
Ông Dương chia sẻ, mùa hè là cao điểm của cửa hàng. Mỗi ngày ông bán trung bình 5.000-6.000 hộp, ngày cao điểm có thể lên tới 10.000 hộp. Trong dịch Covid-19, khách ngồi tại quán không nhiều, nhân viên chỉ kê một vài ghế nhựa nhỏ. Phần lớn khách Hà Nội nhớ hương vị thì tới mua mang về hoặc đặt giao hàng. Ngoài ra, món ăn được bán đi các tỉnh thành lân cận và tới cả miền Trung, miền Nam.
Caramen ở đây gây ấn tượng với thực khách bởi độ mềm, mịn, không rỗ. Vị kem ngọt mát, quyện cùng vị hơi đắng của cà phê khiến nhiều người tới thường ăn liền 2-3 hộp. Gọi món tại quán, thực khách sẽ được phục vụ một phần caramen trên đĩa, bên dưới có phần nước cà phê chảy đều xung quanh. Nắm bắt thị hiếu khách hàng, ông Dương cũng học thêm các món caramen trân châu, caramen hoa quả, thạch dừa, kem dừa…
Chị Ngọc Anh (32 tuổi) cho biết, quán caramen là một trong những tụ điểm ăn vặt nổi tiếng của các bạn trẻ Hà Nội từ khi chị học cấp 2. Sau này quán ngày càng đông khách nhưng hương vị vẫn như xưa, lớp kem sữa mềm, mát tan ngay trong miệng rất thích hợp để làm quà vặt buổi xế chiều. Thi thoảng chị vẫn cùng các con tới đây ngồi ghế nhựa, tay cầm đĩa caramen để ngắm phố cổ lúc tan tầm, vì dịch Covid-19 nên giờ đây chủ yếu mang về.
Chia sẻ về những ngày đầu làm caramen, ông Dương nhớ cách đây gần 30 năm, khi món ăn du nhập tới Hà Nội và được bán bởi một hàng kem có tiếng, nhận thấy tiềm năng phát triển, vợ chồng ông tìm thầy để học cách làm. Sau đó là quán thứ 2 mở ở Hàng Than để bán món ăn này.
Ông chia sẻ, dù nguyên liệu làm caramen chỉ có 3 thành phần chính là trứng, sữa, cà phê nhưng cũng từng khiến ông chật vật. “Làm hết lượt này đến lượt khác, nhiều nồi caramen phải bỏ đi, hàng quán những ngày đầu vắng tanh nhưng tôi chưa từng nghĩ đến bỏ cuộc. Nghĩ rằng mình phải ăn ngon thì khách mới ngon, tôi tiếp tục đi học để hoàn thiện món tráng miệng này”, ông Dương kể về những ngày đầu khởi nghiệp.
Tới nay dù có hơn 20 nhân viên, ông Dương vẫn luôn là người kiểm tra công thức, giám sát các khâu để làm ra thành phẩm ưng ý nhất. Sau khi làm xong, từng hộp caramen được xếp lên khay để nguội, đóng nắp và để tủ lạnh qua một đêm. Như vậy sẽ giúp món ăn không quá lỏng, lại mát, phù hợp hơn với ngày hè.
Gần 26 năm bán caramen, ông Dương chia sẻ sẽ không bao giờ đổi nghề và đổi địa chỉ khác, vì quán không chỉ nuôi sống gia đình ông mà còn chứa nhiều tâm huyết. Hiện nay, con gái lớn của ông đang học làm thêm món thạch dừa để cùng bán hàng. Ông cho biết hy vọng 2 con nhỏ sẽ yêu thích và học nghề của bố.
Lan Hương – Trung Nghĩa