Đi nghỉ hè, du khách có thể ghé đến quán bà Thật để thưởng thức đặc sản chả tôm của Thanh Hóa – Du lịch
Quán bà Thật là địa chỉ bán chả tôm nổi tiếng ở thành phố Thanh Hóa, loại chả có hình trụ nhỏ, với nguyên liệu chính là tôm xay với thịt được cuốn trong vỏ bánh phở, đem nướng trên bếp than.
Quán bà Thật đã mở bán được gần 50 năm, nằm ở số 9 đường Lê Thị Hoa, trung tâm thành phố, cách chợ vườn hoa 300 m. Quán rộng khoảng 50 m2, phục vụ được 30-45 khách cùng một thời điểm và mở bán từ 15h đến khi hết nguyên liệu, phục vụ cả bán tại chỗ và mang đi.
“Hôm nào khách đông thì 20h hết hàng”, bà Lê Thị Thật, 80 tuổi, chủ quán nói. Vào mùa hè, lượng khách du lịch tăng cao, số lượng bán có thể lên đến hơn 6.000 chiếc chả.
Quán có hai không gian, bên ngoài xếp khoảng 6 bàn inox loại dành cho 6 người. Bên trong xếp được 4 bàn loại dành cho 4 người. Bên phải cửa quán đặt một chiếc lò nướng than hoa, cạnh đó là các mẹt nan đựng các xiên chả tôm.
Bà Thật cho biết trung bình mỗi ngày quán chuẩn bị gần 5.000 cái, được kẹp trong các gắp tre, mỗi gắp 4 chiếc; 30 kg bánh phở tươi; 30 kg nhân tôm và thịt ba chỉ xay; 60 lít nước chấm, rau thơm ăn kèm và các gia vị khác.
Quán có diện tích nhỏ nhưng có 10 người phụ giúp là các con của bà Thật và hàng xóm. Buổi sáng, họ chuẩn bị nguyên liệu như: sơ chế nhân, cắt bánh phở, rửa rau, cuốn chả. Buổi chiều, khi mở bán, người quạt nướng chả, người xếp chả lên đĩa, người phục vụ khách.
Nhân chả tôm được làm từ thịt ba chỉ cắt miếng nhỏ, tôm nõn xào với hành khô, hạt tiêu và ruột gấc để tạo màu. Nhân sau khi để nguội được xay hoặc giã thành hỗn hợp sánh mịn.
Vỏ chả được cắt từ bánh phở cuốn thành từng miếng hình chữ nhật, kích thước 7×4 cm. Bà Thật cho biết quán dùng bánh phở tươi, dày và dai hơn phở thường một chút để không bị rách khi cuốn. Khi gói, bánh phở được trải dọc trên mặt phẳng, cho một thìa nhân đã xay nhuyễn lên rồi cuốn chặt tay. Đây là công đoạn khó nhất vì vừa phải cuốn thẳng để vỏ không lệch, vừa phải điều chỉnh lực tay đủ để bánh phở không bị rách, tránh phần nhân bị rơi ra khi nướng.
Chả tôm được kẹp trong kẹp tre rồi nướng đều trên bếp than khoảng 7-10 phút. Chả tôm chín có màu vàng ruộm, các cạnh bị xém màu nâu. Chả ăn ngon hơn khi nóng. Khi ăn, vỏ bánh giòn rụm, phần nhân tôm nhuyễn mịn, mềm tan trong miệng. Vị béo của thịt ba chỉ kết hợp với vị bùi của tôm tạo nên hương vị vừa quen thuộc vừa lạ miệng do cách chế biến độc đáo. Được xay nhuyễn nhưng khi ăn vẫn cảm nhận được rõ hương vị của tôm và không còn mùi tanh. Tiếng xèo xèo của chả tôm nướng trên bếp than khiến thực khách thấy hấp dẫn ngay khi đặt chân đến quán.
Ăn cùng chả còn có sung muối, dưa góp đu đủ, cà rốt, xoài xanh và các loại rau như xà lách, tía tô, kinh giới, rau mùi. Chả có thể ăn cùng tương ớt hoặc nước chấm chua ngọt đặt tại bàn, tự phục vụ. Một phần ăn gồm 10 gắp chả tôm, giá 12.000 đồng một gắp. Thực khách có thể gọi số lượng gắp tùy ý.
Bà Lê Thị Tuyết, cán bộ quản lý phường Lam Sơn, cho biết chả tôm bà Thật là một trong những quán ăn vặt lâu đời và có tên tuổi nhất ở thành phố Thanh Hóa. Quán nổi tiếng nhờ hương vị chả tôm thơm ngon, nhiều nhân, giá cả hợp lý. Quán ở trung tâm thành phố nên thuận tiện cho việc di chuyển. Thực khách ở các khu du lịch như Hải Tiến, Sầm Sơn thường tìm đến ăn vào khoảng 17h.
“Chả tôm vừa chín tới, vỏ giòn, nhân mềm, thơm mùi tôm và có màu vàng ruộm rất bắt mắt”, anh Hoàng từ Hà Nội về Sầm Sơn, ghé quán bà Thật thưởng thức món chả tôm hôm 27/6 cho biết.
Chả tôm được người Thanh Hóa coi như một thức quà ăn vặt vào xế chiều. Chị Nguyễn Hằng, ở TP Thanh Hóa, cho biết khoảng 9 năm nay, chị thường xuyên cùng bạn đến đây ăn. Miếng chả có mùi thơm của nướng than hoa, lớp vỏ không bị cứng như một số quán khác. Đặc biệt nước chấm và cách làm dưa góp quán bà Thật hợp khẩu vị của chị.
Do kinh doanh nhỏ, vào lúc đông khách, quán phục vụ không được chu đáo, khách phải đợi khá lâu. Bà Thật tuổi đã cao nên gặp khó khăn khi giao tiếp với khách. Không gian quán không được gọn gàng, tuy nhiên, chỗ để xe rộng rãi.
Bên cạnh chả tôm, một số món ăn khác du khách có thể thưởng thức khi đến Thanh Hóa như nem giò Hạnh Kinh, Ốc Bến Ngự, bánh khoái tép, bánh răng bừa, bánh cuốn.
Bài và ảnh: Thùy Linh