Quán ‘chế’ món bún bò trộn ở TP HCM

Chị Huỳnh Bửu Linh với phần bún bò trộn đặc trưng của quán. Ảnh: Quỳnh Trần

Quán ở quận Tân Phú của chị Huỳnh Bửu Linh ngoài phục vụ bún phở thông thường còn “chế” ra món bún bò Huế ăn kiểu trộn khô với mắm ruốc, ngày bán khoảng 300 tô. – Du lịch

Nằm trong con hẻm 303 Tân Sơn Nhì, quán bún – phở bò của chị Huỳnh Bửu Linh, 38 tuổi, có không gian hai góc mặt tiền rộng rãi, khu nấu nướng bày nhiều đồ ăn như bò nạm, gân, sụn, giò heo, chả. Bà chủ cho biết bún bò trộn là món riêng của quán được nhiều khách gọi khi đến ăn.

Món ăn do cha chị Hương sáng tạo ra năm 2022, sau khi tiệm mở của được một năm. “Trước đó cả nhà không ai bán bún bò, những hôm rảnh ba tôi tự lấy bún trộn với mắm ruốc, hành phi rồi đem cho mọi người ăn thử, dùng kèm nước lèo”, chị Linh cho biết.

Chị Huỳnh Bửu Linh với phần bún bò trộn đặc trưng của quán. Ảnh: Quỳnh Trần

Chị Huỳnh Bửu Linh với phần bún bò trộn đặc trưng của quán. Ảnh: Quỳnh Trần

Được nhiều khách ủng hộ, chủ quán thêm món vào thực đơn tên bún bò sa tế khô. Tuy nhiên, nhiều thực khách vẫn quen gọi là bún bò trộn. Mỗi ngày quán bán từ khoảng 300 phần bún và phở, trong đó món trộn khoảng 80 tô.

Món trộn với phần nước lèo để riêng thay vì chan chung trong tô bún bò. Tô nước lớn với đầy đủ bò tái, nạm, gân, chả cây, giò heo, chế thêm nước có kèm mỡ nổi. Phần bún để trong tô riêng, được cho thêm sa tế, hành khô, mắm ruốc, hành tây thái lát mỏng, rau răm. “Nguyên liệu và nước dùng hệt như món bún bò nhưng cách pha chế, thưởng thức khác biệt”, chủ quán nói.

Theo quán, công thức riêng của món bún bò trộn nằm ở gia vị nêm nếm. Tô bún sau khi trụng qua nước nóng được thêm khoảng hai muỗng mắm ruốc do chị Linh tự chế biến. Mắm ruốc nguồn gốc từ Huế được nấu với ớt sa tế, đường cùng vài hương liệu khác. Ngoài ra, hành phi và sa tế trộn cùng cũng do quán tự làm để tạo hương vị riêng.

Khách khi ăn bún bò trộn có thể thêm ruốc nếu nhạt, nêm nếm thêm ớt sa tế, hành tỏi ngâm chua, tương ớt để tùy chỉnh theo khẩu vị. Phần trộn cũng ăn kèm giá, rau muống bào, hoa chuối thái như bún bò thường thấy.

Mỗi ngày chị Linh nấu 20 kg xương ống bò, ninh trong một đêm để làm nước dùng. Quán sử dụng hơn 150 lít nước lèo, cũng nấu chung với thơm (dứa), sả cây để tạo hương vị đặc trưng bún bò. Tiệm ăn làm thêm mỡ nổi, với phần mỡ được cắt nhỏ rồi rán chín để tạo nên màu vàng bắt mắt. Mỡ nổi tạo hương thơm ngậy cho nước dùng, khi phục vụ sẽ cho vào nước lèo thay vì để ở chén riêng.

Tô bún bò trộn có giá 45.000 đồng với đầy đủ đồ ăn kèm. Thực đơn quán đa dạng như bún, phở bò gân, sụn, tái nạm, giò heo, chả với từ 35.000 đồng; 45.000 đồng cho tô đặc biệt. Mới đây quán bán thêm món phở trộn với cách ăn tương tự như bún trộn. Tuy nhiên thay vì nêm mắm ruốc, tô phở trộn với nước tương do quán tự làm.

“Trừ thịt tái nạm thì những đồ ăn kèm khác được cắt miếng to để thực khách dễ cảm nhận được vị dai của gân, sụn”, chủ quán cho biết.

Quán đông vào khoảng 11 đến 13 giờ mỗi ngày, khách phần lớn là cư dân trong khu vực và nhân viên các công ty gần đó ghé ăn trưa. Quán có hai nhân viên nên thời gian phục vụ khá nhanh.

Trưa 19/9, Tô Thị Kim Uyên cùng bạn ghé quán ăn bún và phở trộn sau khi biết về món này qua các clip trên mạng xã hội. Nữ sinh 20 tuổi cho hay lâu nay chỉ nghe tới hủ tiếu, phở khô trộn, không nghĩ bún bò cũng có thể ăn kiểu trộn. Cô nói đi ăn vì tò mò, thấy món có hương vị riêng không như bún bò thường thấy. “Phần trộn ăn lạ miệng, nước dùng thanh và không quá đậm mùi gia vị”, Uyên nói.

Được đồng nghiệp giới thiệu, anh Hải Nam lần đầu ghé quán và gọi bún bò trộn dùng thử. Anh cho biết bún trộn nếu dùng riêng cũng dễ ăn, nước lèo không khác biệt với nhiều nơi, đồ ăn kèm phong phú, rau nhiều nhưng tô nước dùng hơi nhiều mỡ, dễ ngán. “Quán có không gian rộng thoáng, bàn ghế cao nên ngồi thoải mái và giá cả cũng hợp lý”, anh nói và cho biết sẽ ghé lại để dùng thử các món khác.

Quán mở cửa từ 6h- 22h mỗi ngày, có diện tích khoảng 100 m2 và chỗ để xe rộng rãi. Bên trong kê 10 bàn được xếp thưa, tạo sự thoải mái cho khách.

Quỳnh Trần


Bài viết được đề xuất