Quán gà nướng cơm lam Cô Sinh hút khách với phần cơm lam dẻo, gà nướng ngọt thịt pha lẫn mùi thơm đặc biệt của lá tiêu rừng. – Du lịch
Gà nướng cơm lam là món ăn đặc trưng của Tây Nguyên với cách chế biến công phu và hương vị hấp dẫn. Đến Đà Lạt, du khách có thể thưởng thức món ăn này tại quán cơm lam gà nướng Cô Sinh, đường Hùng Vương, phường 11. Quán mới mở được khoảng 3 năm nhưng được lòng thực khách gần xa nhờ hương vị đặc trưng, nguyên liệu và công thức đến từ Măng Đen, Kon Tum.
Chị Trần Thị Dung, 33 tuổi, chủ quán chia sẻ, chị là người kế nghiệp món cơm lam gà nướng Cô Sinh của mẹ vốn đã nổi tiếng ở Kon Tum, nay đến Đà Lạt để mở thêm chi nhánh.
“Hồi mình mới mở quán chưa được thực khách biết nhiều, có hôm chỉ bán được vài con, còn gà thừa phải làm ruốc (chà bông) để dành ăn. Dần dần, thực khách thấy món lạ nên giới thiệu cho nhau, quán được nhiều người biết đến hơn. Hiện, mỗi ngày mình đều phải nướng sẵn 20 con gà để bán cho khách, bán hết sẽ làm gà mới, tiếp tục nướng nóng liền tay, hết tới đâu nướng tới đó, thịt gà tươi mới làm món ăn chất lượng và ngon hơn”, chị Dung nói. Quán nướng gà bằng máy, mỗi đợt nướng được cùng lúc 7 con, nên khách không phải chờ đợi quá lâu, khoảng 20 phút là gà chín.
Gà nướng ở quán dùng loại gà ta, có thịt chắc và da mỏng, khi nướng chín, da gà có độ giòn còn thịt bên trong mềm ngọt, thơm dịu mùi lá rừng. Một trong những nguyên liệu tạo nên sự hấp dẫn của món ăn là lá tiêu rừng, một loại gia vị đặc trưng có tại vùng Măng Đen, Kon Tum.
“Lá tiêu rừng có rất nhiều trong rừng Kon Tum, mang mùi thơm tự nhiên giống như sả. Quán cho thêm ít gia vị để hài hòa, còn bên ngoài gà được phủ một ít sa tế”, chị Dung chia sẻ. Ngoài ra, cơm lam ở quán dùng loại gạo nếp trộn với gạo nương nướng chín trong ống tre dài, hạt cơm khi chín dẻo, không bị khô và có mùi thơm thanh ngát, chấm cùng đậu phộng rang vàng giã nhuyễn làm cho hạt cơm thơm thêm bùi béo.
Đặc biệt, để giữ được độ chuẩn của món ăn so với chi nhánh gốc, quán vận chuyển gạo nấu cơm, ống tre, lá tiêu rừng, gia vị… từ Măng Đen đến Đà Lạt và không biến tấu gì thêm.
Nhóm bạn của anh Lê Công Hiệp, sinh năm 1999, từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Đà Lạt vui chơi vào dịp Tết Dương lịch, chọn quán gà nướng cơm lam Cô Sinh ăn trưa. “Đồ ăn ở quán nóng hổi, thưởng thức trong tiết trời Đà Lạt se lạnh rất thích, chúng mình ăn rất ngon miệng”, anh chia sẻ.
Còn anh Phạm Nhật Tân, sinh năm 1999, ấn tượng với hương thơm dịu của lá tiêu rừng được nướng cùng gà. “So với gà nướng muối ớt hay gà nướng mọi mình thường ăn thì thịt gà tại đây có độ dai hơn, thịt ngọt hơn và phần da giòn ăn không bị ngấy, ít mỡ”.
Ngoài ra, một số thực khách cho biết phần ăn tại quán tương đối nhiều so với khẩu phần 2 người nên có thể gây ngấy cho khách. Nhóm đông người lại khá hài lòng với chất lượng và giá tiền. Quán mở bán từ 8h30 đến khoảng 19h mỗi ngày, đông nhất vào giờ trưa và tối, có chỗ đậu xe trước sân rộng rãi. Đối diện quán có địa điểm chụp ảnh mai anh đào.
Huỳnh Nhi