Ra mắt công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử – văn hóa” tại Đình An Biên

 Di
tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đình An Biên, phường An
Biên, quận Lê Chân (tại số 50/170 Hai Bà Trưng, phường An Biên).

Đình
An Biên là công trình kiến trúc cổ có quy mô bề thế, qua thời gian,
Đình được tu bổ nhiều lần, gần nhất là năm 2022. Hiện nay, Đình vẫn bảo
tồn nguyên vẹn kiến trúc thuở ban đầu gồm: 5 gian đại bái, 3 gian ống
muống, 3 gian hậu cung, được trang trí và chạm khắc tinh xảo với các đề
tài tứ linh, tứ quý mang phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời
Nguyễn của thế kỷ XIX. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ
thuật, Đình An Biên được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 2009.

 Đình An Biên là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân.

Đình
An Biên là nơi thờ Lê Chân, một nữ tướng kiệt xuất có công đầu tiên
khai thiên lập địa ra làng An Biên, đặt nền móng cho sự phát triển của
Hải Phòng những thế kỷ sau này. Bà cũng có công lớn trong cuộc khởi
nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi sự xâm lược của nhà Đông Hán năm 40 hồi thế
kỷ thứ nhất, được hậu thế suy tôn là Thành hoàng của thành phố Hải
Phòng.

 Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công ơn Nữ tướng Lê Chân.

Sinh
thời, Nữ tướng Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi võ nghệ và
có chí hơn người. Thái Thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp, ông
bà Lê Đạo kiên quyết khước từ. Bà đã cùng một số bạn hữu lánh về vùng
ven biển thuộc huyện An Dương. Thấy vậy, Tô Định tức giận đã hãm hại cha
mẹ bà.

Nuôi
chí lớn, bà đã cùng mọi người khai hoang, lập ấp tạo nên trang An Biên
xưa và là thành phố Hải Phòng ngày nay. Ở vùng đất mới, bà ra sức tích
lũy hương thảo, chiêu binh tập mã, liên kết với các hào kiệt khắp nơi,
chờ thời cơ đền nợ nước, trả thù nhà.

Mùa
xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Nữ tướng Lê Chân cùng đội
quân của mình tham gia và lập nhiều chiến công. Với khí thế tấn công
như vũ bão, chỉ trong 2 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì,
đập tan ách thống trị của nhà Đông Hán, đất nước sạch bóng quân thù. Bà
Trưng Trắc được tướng sĩ, nghĩa quân tôn làm vua (Trưng Vương). Trưng
Vương xét công lao ban thưởng tướng sĩ. Nữ tướng Lê Chân khi ấy 24 tuổi
được Hai Bà Trưng phong làm “Thánh Chân Công chúa”, giữ chức “Chưởng
quản binh quyền nội bộ”, trấn giữ vùng hải tần phía Đông Bắc của Tổ
Quốc.

 Ra mắt Công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử – văn hóa”.

 Các đại biểu quét mã QR code tìm hiểu thông tin về Di tích.

Tại
chương trình, Quận đoàn Lê Chân và phường An Biên đã ra mắt công trình
thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử – văn hóa” nhằm
tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ 4 vào công tác bảo tồn di tích, di sản; đồng thời phát
huy tinh thần xung kích tình nguyện, trí tuệ và sáng tạo của tuổi trẻ
trong tuyên truyền, quảng bá địa điểm du lịch, các giá trị lịch sử, văn
hóa truyền thống của phường, quận và thành phố; thúc đẩy Chuyển đổi số
trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

 Ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của phường.

Tại
Chương trình này, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường An Biên cũng ra mắt đội
hình thanh niên tình nguyện quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của
phường tới Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đội hình thanh niên tỉnh
nguyện sẽ làm nhiệm vụ vào những ngày cuối tuần, hoạt động “Ngày thứ 7
cùng dân” tham gia hướng dẫn, đón tiếp Nhân dân và khách tham quan đến
với mỗi điểm du lịch, di tích trong và ngoài địa bàn phường, hướng dẫn
quét mã QR để tra thông tin của mỗi điểm đến.

Hoàng Tùng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phường Cát Bi

 

Bài viết được đề xuất