Tuyến đường sắt nối biển với cao nguyên cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc Phan Rang – Đà Lạt, trải nghiệm dịch vụ thú vị ở mỗi nhà ga. – Du lịch
Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt là một trong những cung đường sắt leo núi chạy bằng răng cưa, nhưng đã bị dừng và tháo dỡ sau 1975, mang đến nhiều nuối tiếc cho du khách và người dân bản địa.
Để phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt, Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cùng các đối tác trong nước và quốc tế ở lĩnh vực đường sắt đã ký hợp đồng tư vấn dự án khôi phục tuyến đường sắt huyền thoại này. Và theo hợp đồng được ký, tháng 10 năm nay, hồ sơ khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang- Đà Lạt sẽ được các tư vấn hoàn thành để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo các chuyên gia đánh giá, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt hội tụ cả 3 yếu tố, đó là được xây trên địa thế mạo hiểm, điều kiện kỹ thuật cực khó và có phong cảnh ấn tượng. Đây là tuyến đường nằm trong toạ độ kết nối hành lang du lịch Đà Lạt – Phan Rang với lượng khách ổn định và không ngừng tăng trưởng bình quân 11-15% một năm (theo CBRE) ở thời điểm không dịch bệnh. Năm 2019, Đà Lạt thu hút gần 7 triệu lượt du khách (khách quốc tế hơn 14%) trong khi Ninh Thuận đón 2,35 triệu lượt khách.
Trên tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt, Crystal Bay và các đối tác sẽ triển khai chuyến tàu di sản Đông Dương, đưa du khách ngược dòng thời gian, đắm chìm, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn 100 năm trước.
Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn du lịch Crystal Bay cho biết, tam giác du lịch Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bình Thuận năm 2019 đã đón hơn 19 triệu du khách, với tốc độ tăng trưởng đều đặn mỗi năm 15%, liên tục trong suốt 10 năm. Nếu năm 2023, dòng khách tới Khánh Hoà – Lâm Đồng – Bình Thuận bằng năm 2019 và tăng trưởng đạt mức 15% mỗi năm thì đến năm 2030, 3 địa phương này sẽ đón hơn 50 triệu khách một năm. Ninh Thuận có tài nguyên du lịch đặc trưng rất giàu có, là trái tim của tam giác du lịch này. Dự kiến đến năm 2030, nơi đây có thể thu hút ít nhất 5 triệu du khách một năm sử dụng các dịch vụ du lịch trải nghiệm trên và dọc theo tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt.
Theo thống kê, tam giác du lịch Khánh Hoà – Lâm Đồng – Bình Thuận hiện có khoảng 110.000 phòng khách sạn (Khánh Hoà có hơn 55.000 phòng, Lâm Đồng có gần 35.000 phòng, Bình Thuận có 16.400, Ninh Thuận có 3.500 phòng), có khả năng đón hơn 40 triệu lượt khách. Tuy nhiên, các dịch vụ du lịch trải nghiệm còn thiếu nhiều, chưa giữ được chân du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm dài ngày. Tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt nối biển với cao nguyên, cùng vô số dịch vụ trải nghiệm ở mỗi nhà ga, sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, tạo nên tính hấp dẫn của điểm đến Nam miền Trung và Tây Nguyên.
Tuyến đường răng cưa Phan Rang – Đà Lạt dự kiến bao gồm 17 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 3 trạm khách so với tuyến cũ. Đồng thời, nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt là đoạn tuyến đang khai thác với chiều dài khoảng 6,7 km. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025.
Thư Kỳ