Đài Loan- Thạch Aiyu được làm từ hạt của loài cây quý thuộc họ dâu tằm Ficus, sinh trưởng trên những vùng núi cao 1.000 m. – Du lịch
Một trong những món tráng miệng thanh mát và độc đáo của Đài Loan phải kể đến thạch Aiyu, tên tiếng Việt là thạch bông cỏ. Aiyu nguyên chất không chứa đường, ít calo và giải nhiệt hiệu quả nên còn được mệnh danh là “thánh phẩm” mùa hè, có thể kết hợp uống cùng trà sữa, nước trái cây… hoặc ăn trực tiếp với hỗn hợp mật ong, nước cốt chanh và đá bào.
Cái tên Aiyu (Ái Ngọc) bắt nguồn từ chính loại hạt làm nên món thạch này. Hạt Ái Ngọc còn có tên Ngọc chỉ, là một biến chủng của sắn dây, thuộc họ dâu tằm Ficus. Aiyu sinh trưởng ở những ngọn núi cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, là sản vật của xứ Đài và là cây dây leo quý của thế giới, thường sống bám trên vách đá hoặc trên cây gỗ của rừng thứ sinh. Mà hiện tại nhiều nơi có độ cao thấp hơn cũng đã canh tác nhân tạo được.
Bề ngoài quả Aiyu trông tựa quả xoài xanh, chia làm quả đực và quả cái. Trong quả cái có chứa khoảng 20.000 bông hoa nhỏ quấn chặt lại với nhau. Đặc biệt, người ta đã khám phá ra bên trong quả Aiyu đực chính là nơi cư trú của rất nhiều con ong nhỏ. Chúng khoan vô số lỗ nhỏ dưới đáy quả, bò ra bò vào, rồi bò sang quả cái để thụ phấn cho những bông hoa nhỏ bên trong, sau đó kết thành một quả nhỏ, gọi là “quả gầy” hay “ngọc ái tử” (hạt Ái Ngọc) cũng chính là nguyên liệu dùng làm thạch. Quả đực vì vậy còn gọi là quả “Trùng anh”, và không được dùng để làm thạch Aiyu.
Chính vụ thu hoạch quả Aiyu kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12. Sau khi hái quả cái về, người ta gọt bỏ vỏ ngoài, bổ đôi và lộn ngược lại để phần hạt lộ ra ngoài, đem hạt ấy phơi khô là có được thành phẩm. Trong hạt Aiyu có chất keo, khi chà xát trong nước lạnh sẽ giải phóng pectin làm nước cô dính và đông lại thành thạch. Thạch Aiyu tự nhiên có tính thấm nước và rất mềm, khi ăn vào miệng sẽ lập tức tan chảy. Màu thạch vàng nhạt, bề mặt hạt còn các sợi tơ nhỏ sót lại nên nhìn có vẻ hơi đục. Ngoài ra thạch Aiyu thật sự sau khi đun nóng sẽ không bị tan chảy, giúp phân biệt với loại thạch tổng hợp làm từ bột Aiyu, gặp nóng liền tan.
Cũng như những món ngon khác, thạch Aiyu cũng có nguồn gốc của nó gắn liền với những câu chuyện, những giai thoại thú vị. “Sự tích” Aiyu được cho là xảy ra vào khoảng thế kỷ 19, kể về một thương nhân buôn trà trong lúc dừng chân nghỉ ngơi ở núi Đào Viên thì tình cờ phát hiện những miếng thạch trong veo, đang nổi lững lờ trên dòng suối gần đó, nếm thử thì thấy chúng có vị thanh mát lạ lùng. Thương nhân đảo mắt nhìn quanh và phát hiện những cây leo có trái màu tím nổi bật, bèn hái nó rồi vò thử trong dòng nước suối đang nhẹ chảy. Dòng nước chảy qua tay nhưng cảm giác rin rít hơi dính cứ còn ở lại. Ông cho rằng nó hẳn là nguyên liệu đã tạo nên những miếng thạch nhỏ trôi nổi trên dòng nước kia, bèn mang về, chế biến thử và đã thành thạch. Để tăng thêm hương vị, ông còn thêm mật ong và chanh khiến nó trở thành một món giải khát độc đáo mà ai cũng thích. Thương nhân đã đặt tên cho loại cỏ mình mang về là Aiyu (Ái Ngọc), theo tên cô con gái cưng của ông.
Nhờ sự tinh khiết, thanh mát và công dụng giải nhiệt tuyệt vời mà món thạch Aiyu đã trở thành thức quà mùa hè được ưa chuộng trên toàn Đài Loan, cũng như nhiều nơi khác ngoài hòn đảo xinh đẹp này. Giá của hạt bông cỏ cũng vì thế mà tăng mạnh hơn, một hecta có thể thu hoạch được 400-500 kg bông. Mỗi kg có giá khoảng từ 700 TWD, xấp xỉ 577.000 đồng ở thời điểm hiện tại.
Yến Nhi tổng hợp