Thái Lan phát triển du lịch bền vững dành cho những người thích ăn chay

Bắt nhịp xu hướng từ thói quen ăn uống của du khách

Theo trang Nikkei Asia, Thái Lan nổi tiếng thế giới với các món ăn đường phố làm từ động vật ngon và rẻ. Có hải sản đủ hình dạng, thịt lợn xào, cà ri gà nướng và thịt bò cùng nhiều món ăn được tẩm gia vị đa dạng. Đồ ăn chay ít phổ biến hơn. Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào nền ẩm thực siêu quốc tế của Bangkok, bạn sẽ thấy lịch sử phong phú về cách nấu ăn không có thịt hoặc cá.

 Món cuốn Vistro habibi. Ảnh: Vistro

“Tôi xuất thân từ một gia đình hoạt động vì quyền động vật và chúng tôi nghĩ: Có điều gì đó không ổn trong cách chúng ta ăn uống. Vì vậy, chúng tôi đã mở nhà hàng Veganerie đầu tiên cách đây một thập kỷ,” ông Sittileun Tortianchai, đồng sở hữu một chuỗi cửa hàng thuần chay ở Bangkok chia sẻ.

Đối với một số người, điều này có thể gây ngạc nhiên.

Tuy nhiên, Thái Lan đã có truyền thống ăn chay lâu đời. Các nhà hàng chay địa phương có thể được tìm thấy trên khắp đất nước. Trong những ngày lễ Phật giáo, nhiều người Thái Lan ăn đồ chay hoặc một số nhà hàng loại bỏ thịt khỏi thực đơn trong suốt thời gian đó.

Một số người Thái gốc Hoa ăn ahaan jae – món chay chế biến không có tỏi và hành – vì lý do tôn giáo. Và nhiều quán ăn Ấn Độ ở Bangkok phục vụ món ăn chay. Theo thống kê của Statista, nhà cung cấp dữ liệu có trụ sở tại Đức, 8% dân số Thái Lan đã ăn chay vào năm 2019.

Thực phẩm thuần chay tuy xuất hiện chưa lâu nhưng đang trở nên phổ biến. Một phần của xu hướng này được thúc đẩy bởi lối sống “chánh niệm” đã lan rộng khắp các địa điểm du lịch Thái Lan như đảo Koh Phangan hay thị trấn xinh đẹp Pai.
Các nhà hàng thuần chay phát triển mạnh mẽ ở những điểm nóng du lịch này. Trong bối cảnh ẩm thực thực vật đang mở rộng ở Bangkok, du khách nước ngoài đang chiếm tỷ lệ lớn trong số những khách hàng thích đồ ăn chay.

“Chúng tôi đã mở tất cả các cửa hàng của mình ở những khu vực có nhiều người nước ngoài,” Sittileun nói.

Nat, người quản lý của Plantiful, một quán ăn chay ở quận Ekkamai thời thượng của Bangkok, xác nhận xu hướng này.

“Hầu hết thực khách của chúng tôi là người nước ngoài, hoặc khách du lịch phương Tây hoặc Ấn Độ”, ông Nat cho biết.
Phát triển du lịch bền vững

 Plantiful, nằm tại quận Ekkamai thời thượng của Bangkok, phục vụ đồ ăn chay đa dạng cho du khách quốc tế. (Ảnh: Tom Vater)

Theo ông Nat, người Thái Lan trước đây không quen thuộc với các món ăn thuần chay và giá cả vẫn được cho là hơi cao đối với hầu hết người dân địa phương. Ngoài ra, các phiên bản thuần chay của các món ăn tiêu chuẩn Thái Lan ít được ưa chuộng hơn so với món truyền thống. Nhưng chúng tôi vẫn đón nhiều khách hàng Thái hơn trong những năm gần đây.

Thói quen ăn uống của người Thái Lan thường có ảnh hưởng bởi những người nổi tiếng trên Instagram và TikTok. Họ tìm đến ẩm thực thuần chay bởi được xem là một trong nhiều lựa chọn lối sống lành mạnh.

“Khoảng 20% khách hàng của chúng tôi gần đây là người Thái Lan. Nhiều người trong số họ đã thay đổi chế độ ăn uống vì khoa học, và cũng là vì họ muốn chăm sóc sức khỏe của mình.

Mức độ chú ý đến thực phẩm thuần chay đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Ngay cả những người Thái không ăn thuần chay hiện cũng nhận thức được đây là chế độ ăn uống khỏe mạnh và có ý tưởng tích cực về nó. Ngày càng có nhiều người trở nên linh hoạt hơn trong ăn uống và đôi khi họ lựa chọn ăn chay để cân bằng ẩm thực.

Sự đa dạng ẩm thực cũng ngày càng tăng khi thực phẩm thuần chay quốc tế và các biến thể thuần chay từ các món ăn Thái truyền thống xuất hiện nhiều hơn ở các nhà bếp Thái Lan, thường có đậu phụ thay thế thịt hoặc cá.

Trong khi đó, một số quán ăn ở Bangkok cũng cung cấp sushi thuần chay. Nhiều nhà hàng trong các khách sạn hạng sang cũng mang đến sự đa dạng trong ẩm thực khi đưa các món thuần chay vào thực đơn.

Năm 2019, bà Harsharanpal Bajaj và chồng đã mở Vistro, một nhà hàng thuần chay ở Phrom Phong thời thượng, lấy cảm hứng từ những nhà hàng mà họ đã từng đến ở nước ngoài.

“Chúng tôi đã đến Berlin, Paris, Bali và Australia để thử đồ ăn thuần chay ở khắp mọi nơi. Chúng tôi cảm thấy có một khoảng trống ở Bangkok và muốn tiến thêm một bước nữa trong hệ sinh thái bền vững của ẩm thực. Vào thời điểm chúng tôi mở cửa nhà hàng, có rất ít nhà hàng thuần chay trong thành phố”, bà Harsharanpal Bajaj nói.

Giờ đây, xu hướng ẩm thực chay đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều dịch vụ giao hàng phổ biến ở Bangkok đang hợp tác với các cửa hàng thực phẩm thuần chay hơn.

Các quán ăn thuần chay cao cấp cũng mọc lên khắp thành phố. Các quầy bán đồ ăn thuần chay trong các trung tâm mua sắm ngày càng trở nên phổ biến.

Đáng chú ý, trong tháng 10 này, thành phố Phuket (Thái Lan) sẽ trở nên náo nhiệt với Lễ hội ăn chay Phuket kéo dài 10 ngày trên đường phố.

Mặc dù Thái Lan chủ yếu là một quốc gia Phật giáo, với nhiều lễ hội gắn liền với chu kỳ mặt trăng và các hoạt động tôn giáo, nhưng các lễ kỷ niệm như lễ hội ăn chay Phuket sẽ thu hút du khách cả trong nước và quốc tế.

Lễ hội chay Phuket mang đến sự kết hợp độc đáo giữa tâm linh và cảnh tượng, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Đây cũng là một cách để Thái Lan thu hút số lượng lớn du khách quốc tế đến trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực./.

Hồng Nhung

Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 07/10/2024

Bài viết được đề xuất