Không ai ở hoặc đến thăm thành phố Amritsar mà phải ôm bụng đói vì nơi này luôn cung cấp các bữa ăn miễn phí 24/7. – Du lịch
Thành phố 2 triệu dân Amritsar nằm phía bắc Ấn Độ nổi tiếng với ẩm thực ngon, khu phố cổ lịch sử và Đền Vàng hùng vĩ – ngôi đền quan trọng nhất của đạo Sikh. Tuy nhiên, điều nổi bật nhất của nơi này chính là sự hào phóng mà du khách dễ dàng nhận thấy ở mọi địa điểm, từ trong đền đến ngoài đường phố.
Amritsar được thành lập từ thế kỷ 16 bởi một tín đồ đạo Sikh. Tôn giáo này được biết đến với truyền thống seva hay tự nguyện hỗ trợ người khác mà không cần hồi đáp.
Ở Amritsar, việc thực hiện seva được đưa lên một tầm cao mới. Cả Ấn Độ đều biết không có ai phải đi ngủ với cái bụng đói ở Amritsar vì luôn có một bữa ăn nóng hổi sẵn sàng cho bất cứ ai tại Đền Vàng. Bếp của đền được biết đến là bếp chung miễn phí lớn nhất thế giới, nơi có thể phục vụ 100.000 người mỗi ngày, bảy ngày trong tuần. Mọi người đều được chào đón đến dùng bữa ở đây mà không bị phân biệt đối xử. Các bữa ăn được cung cấp 24 giờ mỗi ngày.
Người theo đạo Sikh khắp thế giới thực hiện seva ở gurudwaras (đền thờ đạo Sikh) với các hành động đơn giản như lau nhà, phục vụ bữa sáng, giúp ổn định trật tự trong đền. Các tín đồ cũng thực hiện seva trong cuộc sống thường nhật như làm từ thiện.
Abhinandan Chaudhary, 23 tuổi, người đã làm seva cùng gia đình từ năm 8 tuổi, cho biết tên gọi khác của seva là “tình yêu”. Lời dạy phổ biến trong đạo này là nên làm điều tốt một cách kín đáo và coi trọng lòng vị tha. “Nếu bạn đang thực hiện seva bằng tay trái thì ngay cả tay phải của bạn cũng không nên biết”, Chaudhary nói.
Đầu bếp đạt sao Michelin Vikas Khanna sống tại New York nhưng sinh ra và lớn lên tại Amritsar. Anh cho biết thành phố có một nhà bếp chung khổng lồ, nơi mọi người đều được ăn uống. “Toàn bộ thành phố có thể ăn ở đó”, anh nói. Khi Ấn Độ bị phong tỏa vì Covid-19, Khanma cũng đã phân phát hàng triệu bữa ăn miễn phí tại quê nhà để hỗ trợ người dân.
Giống như tất cả các đền thờ đạo Sikh trên thế giới, Đền Vàng được vận hành trơn tru và có kỷ luật cao nhất nhờ đội quân tình nguyện viên. Họ là những người nấu các bữa ăn đơn giản nhưng ngon miệng gồm đậu lăng, chapattis (bánh mì dẹt), đậu xanh hầm và sữa chua trên đĩa thép không gỉ ngày này qua ngày khác.
Trong những hội trường lớn của Đền Vàng là khung cảnh quen thuộc với khoảng 200 người ngồi khoanh chân trên sàn và dùng bữa. Một số người sau khi ăn hết suất thì rời đi, số khác xin thêm đồ ăn. Sau khoảng 15 phút các tình nguyện viên lại dọn dẹp hội trường một lần và chuẩn bị cho lượt phục vụ tiếp theo. Quá trình cung cấp đồ ăn – dọn dẹp – cung cấp đồ ăn diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ cả ngày.
Không chỉ trong Đền Vàng, sự hào phóng và thân thiện của người dân còn thể hiện rõ nét trên đường phố. Khi du khách ghé thăm, thứ họ nhận được nhiều nhất là những nụ cười. “Chỉ cần chúng tôi tỏ ra lạc lõng hay bối rối dừng giữa đường ngay lập tức sẽ có người đi tới và hỏi có cần giúp gì không”, một du khách cho biết. Ngoài ra du khách cũng thường xuyên được người dân địa phương nhắc nhở về việc cẩn thận túi xách, đồ dùng cá nhân ở những nơi đông đúc.
Khi du khách ghé quán ăn, mọi người sẽ nhanh chóng ngồi gọn lại đến mức chật ních để nhường chỗ cho các vị khách mới nếu nhà hàng hết chỗ. Du khách đến đây sẽ luôn cảm nhận được sự chào đón, chia sẻ.
Rahat Sharma, một người dân địa phương, cho biết ở Amritsar khiến anh có cảm giác được sống trong một cộng đồng lớn. Mọi người luôn quan tâm, yêu thương nhau dù chung hay khác đạo.
Ngoài tận hưởng sự nồng hậu của người dân, du khách có thể dành thời gian để ghé thăm Đền Vàng nổi tiếng; khu phố cổ tuyệt đẹp với mê cung các con đường hẹp, ngã rẽ và quảng trường nhỏ; những khu chợ nhộn nhịp. Thưởng thức ẩm thực địa phương cũng là một gợi ý. Du khách có thể thử các món ăn vỉa hè như bánh mì dẹt, đậu xanh hầm, bánh pudding gạo đựng trong nồi đất sét truyền thống hay uống một ly sữa bơ.
“Ở Amritsar, cho dù mọi thứ có vẻ ảm đạm và đen tối đến đâu, lòng nhân hậu, tình yêu thương và rộng lượng dường như luôn chiếm ưu thế”, nhà báo người Ấn Độ Vaishali Sharma nói.
Anh Minh (Theo BBC)