Thiên Hộ Miêu Trại – điểm đến yêu thích của khách Việt

Thiên Hộ Miêu Trại. Ảnh: Happy Tour

Trung Quốc- Ngoài Phượng Hoàng Cổ Trấn, khách du lịch Việt gần đây thích ghé thăm Thiên Hộ Miêu Trại, làng của người Miêu lớn nhất thế giới ở tỉnh Quý Châu. – Du lịch

Trong tiếng Trung, Thiên Hộ Miêu Trại hay Tây Giang Miêu Trại mang ý nghĩa “ngôi làng của hàng nghìn hộ gia đình người Miêu”. Ngôi làng có lịch sử hơn nghìn năm tuổi với gần 6.000 người trong đó 99% là dân bản địa.

Thiên Hộ Miêu Trại cũng được biết đến là làng người Miêu lớn nhất Trung Quốc và trên thế giới. Theo Independent, cách đây hơn 40 năm, Miêu Trại là một làng nghèo. Vào năm 1982, khi Trung Quốc dần mở cửa nền kinh tế và ưu tiên tăng trường, làng được chính quyền tỉnh chỉ định phát triển làng thành một điểm du lịch vì quang cảnh ngoạn mục. Ngày nay, làng là điểm đến hàng đầu cho những du khách muốn thoát khỏi nhịp sống hối hả.

Thiên Hộ Miêu Trại. Ảnh: Happy Tour

Thiên Hộ Miêu Trại. Ảnh: Happy Tour

Điểm độc đáo của ngôi làng chính là hơn 1.200 ngôi nhà bằng gỗ san sát nhau trên sườn núi, quay mặt ra sông Baishui và không sử dụng đinh, tán khi xây dựng. Gỗ nâu dựng trên núi xanh, mái nhà màu sẫm, phía dưới là những thửa ruộng bậc thang rộng ngút mắt khiến Thiên Hộ Miêu Trại được nhiều du khách ca ngợi “đẹp như tranh”. Vào ban đêm, tất cả các ngôi nhà trong làng đều thắp sáng đèn, tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo.

Nhà người Miêu thường có ba tầng. Tầng một dùng để chứa dụng cụ, chăn nuôi gia súc. Tầng hai là phòng khách, phòng ngủ, bếp và không gian nghỉ ngơi, thêu thùa còn tầng trên cùng được sử dụng như nhà kho để lưu trữ ngũ cốc, đồ dùng sinh hoạt. Ngày nay, phần lớn các ngôi nhà đều được chuyển thành địa điểm kinh doanh, nhà nghỉ đón khách. Nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 1.700 năm.

Điểm nên ghé thăm trong làng là bảo tàng dân tộc Miêu, gồm 11 phòng trưng bày mọi khía cạnh cuộc sống của người dân bản địa từ văn hóa, trang phục, cách sinh hoạt, phong tục, kiến trúc và nghệ thuật.

Theo gợi ý từ Travel Chine Guide, một trong những nhà điều hành tour trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, du khách nên tham gia xem chương trình ca múa nhạc của người dân địa phương. Mỗi ngày sẽ có hai buổi diễn vào khoảng 11h30 và 17h tại quảng trường chính. Thời gian biểu diễn có thể thay đổi, du khách cần kiểm tra lại lịch trình khi muốn tham gia.

Video: Happy Tour

Làng của người Miêu có hai con phố, một hiện đại và một cổ kính, là điểm đến tiếp theo du khách nên ghé thăm. Ngoài các cửa hàng bán đồ lưu niệm, phố cổ còn có nhiều cửa hàng bán đồ ăn, nhà hàng, các sản phẩm làm từ bạc.

Cầu Gió Mưa (Phong Vũ kiều) là điểm đến tiếp theo. Trước đây, cầu Gió Mưa được xây bằng gỗ, nay được xây dựng lại theo kết cấu bê tông – gỗ. Trong làng có một số cây cầu được xây dựng với mục đích phong thủy và giúp dân làng dễ di chuyển.

Nếu muốn tìm hiểu một cách rõ nhất cuộc sống, văn hóa của người Miêu, du khách nên đi lang thang để nhìn ngắm, khám phá. Dạo quanh những ngôi nhà sàn bằng gỗ và những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lát đá là gợi ý của Lưu Ngọc Lăng, hướng dẫn viên người Việt 29 tuổi chuyên mảng tour quốc tế.

Lưu Ngọc Lăng chụp ảnh cùng người dân tộc Miêu trong chuyến đến Miêu Trại hồi tháng 5.

Lưu Ngọc Lăng chụp ảnh cùng người dân tộc Miêu trong chuyến đến Miêu Trại hồi tháng 5.

Theo Ngọc Lăng, du khách nên giành trọn vẹn một ngày một đêm khám phá Miêu Trại để thấy hết được nét đặc sắc, nên tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân như làm bánh, uống rượu theo cách của người Miêu, nhảy múa. Ăn tiệc bàn dài hay thuê những bộ trang phục truyền thống với giá vài chục tệ để chụp ảnh cũng là những trải nghiệm đáng nhớ.

“Với tôi dù ngày hay đêm, bất kỳ góc nhỏ nào của nơi này cũng chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp”, Lăng nói.

Về ẩm thực, nam hướng dẫn viên người Việt gợi ý nên thử các loại lẩu, canh cá chua, các đồ ăn xào với thịt khô, cá rán giòn, mỳ bò. Nếu muốn mua đồ lưu niệm về làm quà, Lăng gợi ý nên mua các sản phẩm thủ công đặc trưng.

“Đồ ăn ngon, người dân thân thiện. Miêu Trại xứng đáng là một điểm du lịch bạn nên ghé thăm khi đến Trung Quốc”, Lăng nói.

Du khách Việt có thể đến đây bằng đường bộ, xuất phát từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn. Thiên hộ Miêu Trại nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, do đó cần xin visa (hiện tại khách Việt đã có thể xin visa tự túc) thay vì sổ thông hành.

Sau khi nhập cảnh, du khách đi xe khách hoặc xe dịch vụ đến ga tàu Nam Ninh, giá vé khoảng 100 tệ (gần 325.000 đồng). Tại đây, khách xuất trình hộ chiếu, mua vé tàu cao tốc đến ga Quý Dương Bắc, giá vé 270 tệ (gần 880.000 đồng). Thời gian di chuyển năm tiếng. “Tàu đi rất êm, dọc đường bạn có thể ngắm cảnh vùng nông thôn của Trung Quốc”, Lăng nói.

Khi đến ga Quý Dương Bắc, du khách tiếp tục mua vé tàu đến ga Khả Lý, thời gian di chuyển khoảng 40 phút với giá 60 tệ (gần 200.000 đồng). Theo Lăng, khi bước chân ra khỏi ga Khả Lý, du khách “cứ yên tâm” vì có rất nhiều lái xe là người bản địa chào mời khách lên taxi để đến Miêu Trại. Xe taxi cho bốn người dao động 80-100 tệ (260.000 – 325.000) cho khoảng cách 40 km.

Lẩu cá cay, một đặc sản của Miêu Trại. Ảnh: Lưu Ngọc Lăng

Lẩu cá cay, một đặc sản của Miêu Trại. Ảnh: Lưu Ngọc Lăng

Đến Miêu Trại, có thể ở homestay, khách sạn hoặc nhà nghỉ trong làng hay bên ngoài khu vực trung tâm. Khách sạn ở đây giá rẻ, đa dạng và có thể mặc cả. Lăng từng thuê phòng khách sạn ở ngoài cổng trung tâm với giá 150 tệ (480.000 tệ)

Lăng cũng khuyến khích du khách ngoài mua vé vào làng 90 tệ (gần 300.0000 đồng) nên sử dụng thêm dịch vụ xe điện và xe khách để di chuyển trong quá trình tham quan, giá là 20 tệ (65.000 đồng).

“Miêu Trại rất rộng, nên thuê xe điện để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi”, Lăng nói.

Phương Anh

Ảnh, Video: NVCC



Bài viết được đề xuất