Du khách trải nghiệm tour đêm “Giải mã Hoàng thành
Thăng Long”
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt
Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được xác định là một
trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành
kinh tế dịch vụ quan trọng, cùng với thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất
bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật… Văn hóa là tài nguyên để phát
triển du lịch, và du lịch chính là phương thức hữu hiệu để khai thác những giá
trị kinh tế của văn hóa. Thực tế phát triển công nghiệp văn hóa tại nhiều quốc
gia trên thế giới cho thấy, những sản phẩm công nghiệp văn hóa như K-pop Hàn Quốc;
truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản; điện ảnh Hollywood Mỹ… là yếu tố quan trọng
giúp thương hiệu văn hóa quốc gia, mức độ nhận diện hình ảnh của các đất nước
này ngày càng được khẳng định, trở thành yếu tố hàng đầu thu hút du khách đến
tìm hiểu, trải nghiệm.
Tại nước ta, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ
nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng
du lịch, tiêu biểu như sức hút từ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh” đã góp phần đánh thức tiềm năng du lịch Phú Yên; hay các show âm nhạc
lớn của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Lệ Quyên… được
tổ chức tại không gian du lịch ngoài trời đã thu hút đông đảo người hâm mộ cả
nước, góp phần tạo sức nóng cho nhiều điểm đến du lịch… Rõ ràng, phát triển
công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Và ở chiều ngược lại, du lịch
văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là
cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền
vững.
Ðể có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa
trong mối liên kết với du lịch, theo các chuyên gia, cần có nhiều giải pháp
khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Trao đổi tại tọa đàm
“Công nghiệp văn hóa, bứt phá cho du lịch” vừa được Liên hiệp Khoa học
Phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt
Nam Phùng Quang Thắng cho rằng: Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp
văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang
đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Và chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này
chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa
phương, điểm đến. Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách là rất lớn, nhưng nếu
cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một “món” thì sẽ
không thể tạo ra sức hấp dẫn, vì thế cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm
du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan
tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn
các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia…
Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu
tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải
nghiệm khác biệt cho du khách. Và chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là
khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm
đến.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam dẫn chứng về quá
trình xây dựng tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Ðể tạo điểm nhấn
cho hành trình du lịch, tour được thực hiện buổi tối để du khách có thể chiêm
ngưỡng vẻ đẹp khác biệt của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long về đêm, đồng
thời được khám phá những tri thức liên quan điểm đến thông qua nhiều trò chơi
thú vị như sắp xếp tên các cổ vật vào các triều đại khác nhau, tổ chức chương
trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống ngoài trời với sự phối hợp cùng các nghệ
sĩ để tái hiện hình ảnh, suy nghĩ của vua khi đến mảnh đất rồng bay… Thời
gian tới, hành trình khám phá Hoàng thành Thăng Long có thể sẽ còn tiếp tục được
đa dạng hóa hoạt động như sử dụng rối nước để kể chuyện lịch sử, giới thiệu ẩm
thực cung đình…
Thực tế, có rất nhiều ý tưởng sáng tạo về du lịch được đề xuất,
nhưng tính khả thi không cao. Vì thế, ông Phùng Quang Thắng cho rằng muốn có được
những sản phẩm du lịch vừa độc đáo, mới mẻ, vừa có khả năng triển khai trên thực
tế, cần biết “liệu cơm gắp mắm” trên cơ sở cân đối những thứ mình có
và những thứ mình muốn, điều kiện thực tế của điểm đến cũng như khả năng liên kết
của các đơn vị liên quan cùng phối hợp xây dựng và cung ứng chuỗi dịch vụ.
Chia sẻ về vấn đề liên kết giữa các khâu, thành phần liên
quan để huy động sức mạnh tổng lực, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ
tịch STDe cho rằng đây chính là hạn chế trong phát triển du lịch văn hóa cũng
như công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo ông, để có được những sản phẩm công
nghiệp văn hóa, cần hội đủ những yếu tố như: con người sáng tạo, nhận thức, tri
thức văn hóa của xã hội, các phương tiện công nghệ, kỹ thuật, khả năng kinh
doanh, thương mại hóa sản phẩm… Song ở nước ta, vẫn còn thiếu sự liên kết giữa
các yếu tố này.
Không thiếu cá nhân xuất sắc nhưng lại thiếu tập thể liên kết,
tập thể sáng tạo. Trên thực tế, nước ta có nhiều sản phẩm văn hóa tốt nhưng lại
thiếu những doanh nghiệp văn hóa, những nhà tài trợ đóng vai trò là bà đỡ, tạo
chất kết dính đưa những sản phẩm này đi vào cuộc sống. Vì thế, cần thiết phải
có những chính sách để kích hoạt môi trường sáng tạo, thu hút đầu tư.
Ðồng quan điểm, Kiến trúc sư Ðoàn Kỳ Thanh cho rằng: Cần xây
dựng được hệ sinh thái sáng tạo với những chính sách, hướng dẫn cụ thể cho những
nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa du lịch, có hành lang pháp lý để thúc đẩy hợp
tác công-tư…
Cần xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo với những chính
sách, hướng dẫn cụ thể cho những nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa du lịch,
có hành lang pháp lý để thúc đẩy hợp tác công-tư…
Kiến trúc sư Ðoàn Kỳ Thanh
Phát triển du lịch văn hóa nói riêng và các ngành công nghiệp
văn hóa nói chung đều cần xuất phát từ vốn di sản văn hóa – thứ đã được kết
tinh thành những giá trị mang tính cốt lõi để từ đó sáng tạo nên những sản phẩm
mới, tạo ra giá trị phái sinh, giá trị gia tăng cho xã hội. Tuy nhiên, di sản
văn hóa cũng có tính nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Thời gian qua, không ít di sản
văn hóa đã bị xâm hại, thậm chí biến dạng vì mục tiêu du lịch. Vì thế, các
chuyên gia lưu ý khi khai thác di sản cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa
Việt Nam, đó là nguyên tắc bảo đảm sự đa dạng văn hóa và bình đẳng văn hóa,
không thể dùng một cái mũ thiết kế chuẩn để áp cho tất cả mọi nơi. Bên cạnh đó,
muốn khai thác di sản bền vững, phải chú trọng yếu tố bản quyền, chia sẻ lợi
ích, từ đó góp phần bảo tồn di sản. “Ðây là những vấn đề mà sau này trong
thể chế chính sách chúng ta cần làm kỹ hơn” – Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nhấn
mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe khẳng định, để phát
triển hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền công nghiệp văn hóa, phải
tạo được chuỗi sản phẩm du lịch từ các giá trị toàn diện của di sản văn hóa. Muốn
vậy, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm, di sản văn hóa phải được đánh giá
một cách toàn diện và sâu sắc dưới góc nhìn mới về tài nguyên cũ. Ðánh giá cần
được phân tích trên nhiều khía cạnh giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, cả
trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, để hiện thực hóa ý tưởng sản
phẩm du lịch, chính quyền cần nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn
vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi
giá trị tạo ra sản phẩm; xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để
có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân
trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế.
Trang Anh
Báo Nhân Dân – nhandan.vn – Đăng ngày 07/01/2023
Normal
0
false
false
false
EN-US
X-NONE
X-NONE
/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin-top:0in;
mso-para-margin-right:0in;
mso-para-margin-bottom:8.0pt;
mso-para-margin-left:0in;
line-height:107%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:14.0pt;
mso-bidi-font-size:11.0pt;
font-family:”Times New Roman”,serif;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;
mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}