Tìm về ‘vùng đất Mai An Tiêm’ ở Gành Dưa

Tìm về vùng đất Mai An Tiêm ở Gành Dưa

Phú Yên- Đến Gành Dưa thưởng thức dưa hấu nước lợ trồng gần biển, nhiều người cho rằng đây là vùng đất trong sự tích Mai An Tiêm ngoài đời thực. – Du lịch

Huyện Tuy An từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dưa. Trước đây, dưa mọc tự nhiên, không cần chăm sóc mà vẫn tươi tốt. Sau dưa được quy hoạch trồng ở một số khu vực như đồng Mốc (xã An Chấn), xóm Chùa, bàu Súng, bàu Đường (xã An Mỹ). Cánh đồng ở huyện Tuy An này là vùng đất đen phù sa màu mỡ, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả ngắn ngày.

Huyện Tuy An nổi tiếng với các loại dưa gang, dưa hấu, dưa bơm, dưa lê. Tại đây lại có bãi biển tên Gành Dưa thuộc thôn Giai Sơn, xã An Mỹ. Vì vậy, một số người cho rằng đây là vùng đất trong sự tích dưa hấu Mai An Tiêm được nghe khi còn nhỏ, anh Trần Thanh Phong, người bản địa làm du lịch tại Gành Dưa, chia sẻ.

Tìm về vùng đất Mai An Tiêm ở Gành Dưa

Du khách trải nghiệm hái dưa hấu nước lợ ở Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Bùi Ngọc Hà

“Phượt thủ” Vũ Hoàng Quỳnh Trâm ( TP HCM) đã quyết định ở lại gần một tháng để trải nghiệm cuộc sống của người dân, khám phá và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên của Gành Dưa sau khi đến đây ngày 14/5. Trâm ấn tượng với một Gành Dưa có bờ cát vàng thoai thoải, biển êm, nước trong, xanh, nắng và gió mang hơi mặn của biển. Bãi biển dài khoảng 3 km, với những rặng dừa, phi lao chạy dọc theo bãi cát trùng trùng lớp lớp. Những vách đá dưới tác động của nước biển, qua thời gian hình thành nên những hình thù lạ mắt.

Ban đêm, gió biển mang hơi mặn thổi vào đất liền, trăng sáng trên cao cùng những rặng dừa lao xao trong gió mang vẻ nên thơ, trữ tình, “như một chốn thanh bình giữa trần gian”, chị Trâm chia sẻ.

Vào những ngày rằm và mùng 1 hằng tháng, thủy triều rút, nước cạn, có thể nhìn thấy bãi rêu xanh lộ trên mặt biển. Nằm xa hơn, dưới đáy biển là những rạn san hô đa dạng, nhiều màu sắc để du khách lặn ngắm. Tại đây có các hoạt động vui chơi trên biển như chèo thuyền thúng lặn ngắm san hô, các môn thể thao bãi biển, đánh lưới dọc bờ biển. Chị Trâm còn được trải nghiệm bắt ốc bám trên những gành đá. Vào ban đêm, du khách có thể “chạy còng” (soi đèn pin bắt còng, một loại giáp xác có hình dáng giống cua) hoặc theo ngư dân ra biển đánh cá, câu mực.

Bãi biển Gành Dưa hiện đi theo hai chiều hướng đối nghịch. Một bên là sự hiện đại, nhân tạo của các homestay và resort, một bên là sự hoang sơ, yên bình của bãi biển, làng chài.

Du khách vui chơi, tắm biển trên bãi biển Gành Dưa.

Du khách vui chơi, tắm biển trên bãi biển Gành Dưa. Ảnh: Palm Beach Hotel.

Anh Phong cho biết mùa hè là thời điểm Gành Dưa đẹp nhất, nước trong, sóng êm, thích hợp để du khách đến tắm biển, vui chơi. Xung quanh bãi biển có các khách sạn, resort, địa điểm ăn uống với những loại hải sản tươi, ngon, hấp dẫn như tôm, hàu, ốc, các loài cá biển. Du khách có thể thuê chỗ ngồi, bếp nướng để tổ chức tiệc ngoài trời cùng bạn bè, người thân.

Gành Dưa cũng nằm gần chợ Giai Sơn, nơi bán các loại hải sản, đồ ăn vặt với giá rẻ. “Có thể gọi là khu chợ rẻ nhất Việt Nam”, theo trải nghiệm đi phượt nhiều nơi của chị Trâm. Một cốc chè hoặc một đĩa bánh xèo tôm thịt có giá 3.000 đồng, bát bún hay ổ bánh mình chả thịt giá 10.000 đồng.

Chị Trâm không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức sản vật dưa tại đây và đặc biệt ấn tượng. Dưa lê có vị ngọt mát, dưa gang dẻo, bùi, giá khoảng 8.000 đồng một kg. Đặc biệt dưa hấu có kích thước nhỏ hơn, hình tròn và vỏ màu xanh nhạt hơn dưa hấu miền Bắc nhưng vị ngọt lịm. “Ngồi ăn dưa hấu ở biển là trải nghiệm đơn giản nhưng lại mang đến niềm vui trọn vẹn cho một mùa hè”, chị Trâm nói.

Từ Gành Dưa đến cảng cá chỉ mất khoảng 5 phút chạy xe máy. Vào 5h sáng, những chiếc tàu, thuyền chở hải sản tươi sống cập bờ. Du khách có thể đến mua với giá cả phải chăng, nhân tiện tìm hiểu về cuộc sống người dân vùng biển và đón bình minh trên biển Gành Dưa.

Cũng giống như ngư dân ven biển ở các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Lăng Gành Dưa là nơi người dân thờ cá Ông (tức cá Voi) để cầu mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Ngày 8/4, Lăng Gành Dưa được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Lăng nằm bên bờ biển nằm liền kề với miếu Bà và gành đá tạo nên một quần thể danh thắng có vẻ đẹp hoang sơ, có thể trở thành một điểm tham quan kết nối với các di tích khác, theo cổng thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên.

Biển Gành Dưa cũng gần các địa điểm du lịch khác như Bãi Xép, địa điểm quay phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chùa Thanh Lương, Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng hơn 100 năm tuổi. Từ biển Gành Dưa, du khách có thể thuê cano đến tham quan Hòn Chùa cách 4 km, Hòn Yến cách 2 km hay Cù Lao Mái Nhà cách khoảng 6 km.

Quỳnh Mai



Bài viết được đề xuất