Tour miền Tây mùa nước nổi giảm sức hút

Du khách ăn tối trên thuyền ngắm cảnh Bến Tre về đêm. Ảnh: Du lịch Việt

Các đơn vị lữ hành nhận định tour miền Tây khách “chỉ đi cho biết”, tỷ lệ quay lại thấp, lượng khách đăng ký trong mùa cao điểm không nhiều. – Du lịch

Mùa nước nổi ở miền Tây (Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời điểm nước từ thượng nguồn sông Mekong dâng cao, đổ về hạ nguồn, tạo cảnh quan đặc trưng cho các tỉnh miền Tây. Theo các doanh nghiệp lữ hành, mùa nước nổi là cao điểm du lịch tại vùng ĐBSCL.

Tình hình du lịch mùa nước nổi năm nay được dự báo trầm lắng. Phó Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết tour trong tháng 9 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước do tình hình mưa bão.

“Sức mua tour giảm do tâm lý khách bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Khách đi tuyến này tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía bắc”, ông Vũ nói.

Du khách ăn tối trên thuyền ngắm cảnh Bến Tre về đêm. Ảnh: Du lịch Việt

Đoàn khách trải nghiệm du lịch đêm ở Bến Tre dịp hè 2024. Ảnh: Du lịch Việt

Ông Thi Quốc Duy, Giám đốc trung tâm du lịch khách lẻ của BenThanh Tourist, cho biết trước cao điểm một hai tuần, lượng khách đăng ký tour miền Tây không nổi bật so với năm ngoái. Các tour của công ty khởi hành hằng tuần, với khoảng 35-40 khách lẻ. Khách đoàn tổ chức theo yêu cầu không tập trung vào mùa này mà đi rải rác các thời điểm trong năm.

“Lượng khách đi tour miền Tây mùa nước nổi hiện bằng 80% so với 2019”, ông Duy nói.

Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, Cần Thơ cho hay hiện công suất phòng khách đặt trước giai đoạn cuối năm – mùa nước nổi đạt khoảng 50%, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Hơn 80% khách lưu trú tại resort mùa này là khách nước ngoài. Theo bà Tuyền, hai năm nay khách nước ngoài có xu hướng du lịch tự túc, đặt các dịch vụ trước vài ngày đến một tuần hoặc ghé resort đặt trực tiếp.

Bà Tuyền đánh giá du lịch miền Tây chưa đủ hấp dẫn để níu chân du khách quay lại nhiều lần là một thực tế thấy rõ.

“Khu nghỉ dưỡng đón khoảng 20-30% khách cũ quay lại”, bà Tuyền nói và cho biết khách ít quay lại miền Tây do là người làm du lịch địa phương đang quá tập trung vào xây dựng sản phẩm mà chưa kể được câu chuyện để chạm đến cảm xúc của du khách.

Một lý do khác khiến tour miền Tây kém hấp dẫn là sản phẩm du lịch ở các địa phương “một màu”. Đại diện khu nghỉ cho biết sau dịch một số doanh nghiệp nhỏ lẻ đã nhận ra vấn đề và có sản phẩm mới lạ phục vụ khách. Nổi bật có tour du thuyền dọc sông Mekong, tour cho du khách trải nghiệm sự khác biệt của hệ sinh thái ở mỗi tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, giá tour hàng chục triệu đồng chỉ phù hợp với phân khúc khách cao cấp. Hiện khách châu Âu là nhóm khách hàng chính của tour này.

Du thuyền di chuyển trên sông Hậu, đoạn chảy qua TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, phía xa là cầu Vàm Cống. Ảnh: Quỳnh Trần

Du thuyền di chuyển trên sông Hậu, đoạn chảy qua TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, phía xa là cầu Vàm Cống. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Thi Quốc Duy cũng cho biết tỷ lệ khách đặt lại các tour miền Tây ở mức thấp khoảng 10-15% do các trải nghiệm cho khách phổ thông năm nào cũng giống nhau, tỉnh nào cũng chỉ có bắt cá, nghe đờn ca tài tử. Miền Tây có lợi thế cảnh quan, thiên nhiên mùa nước nổi trù phú, con người chân tình, hấp dẫn khách thành thị. Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa nhiều điểm lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao.

Đại diện BenThanh Tourist so sánh cách làm du lịch ở miền Tây với tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan – một điểm du lịch có cảnh quan tương đồng. Tại đây có những resort nổi trên mặt sông, bao quanh là rừng. Du khách muốn vào trong resort phải đi thuyền. Resort trang trí phong cách địa phương, tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên, cung cấp tour trekking, đạp xe xuyên rừng, tắm sông, lên thượng nguồn trải nghiệm thả trôi trên sông.

“Du khách hiện nay muốn hòa với thiên nhiên nhưng cơ sở vật chất phải tiện nghi”, ông Duy nói.

Khách nước ngoài trải nghiệm đổ bánh xèo tại resort ở Cần Thơ. Ảnh: Mekong Silt Ecolodge

Khách nước ngoài trải nghiệm đổ bánh xèo tại resort ở Cần Thơ hồi tháng 3. Ảnh: ĐVCC

Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng để cải thiện chuỗi cung ứng dịch vụ tại ĐBSCL, cần tạo ra các tuyến liên kết điểm du lịch nổi tiếng, tạo thành các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, các địa phương cần nâng cấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, quảng bá linh hoạt để thu hút khách, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

Chị Ly Nguyễn, sống tại TP HCM, chia sẻ lần gần nhất du lịch miền Tây là năm 2021, tham gia trải nghiệm làm chocolate thủ công ở Tiền Giang. Trước dịch, chị Ly đã ghé gần hết các tỉnh thành ở miền Tây và thấy “nơi nào cũng giống nhau” về cảnh quan, dịch vụ và ẩm thực.

“Tôi chưa ưu tiên quay lại miền Tây thời gian tới vì có nhiều điểm đến khác hấp dẫn hơn cùng tầm giá”, chị Ly nói.

Bích Phương


Bài viết được đề xuất