TP HCM đặt kỳ vọng vào du lịch đường sông Sài Gòn

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, một trong tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngành du lịch TP HCM đang đẩy mạnh phát triển nhiều hoạt động du lịch ven sông, định hướng thành đô thị sông nước giàu bản sắc. – Du lịch

Lễ hội sông nước lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn vào đầu tháng 8, đánh dấu bước chuyển mình cho quá trình này. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP HCM cho biết song song lễ hội sông nước, TP HCM có 20 tour tuyến du lịch đang được khai thác trên sông. Tầm ngắn là hoạt động du lịch từ các bến trung tâm thành phố như bến Bạch Đằng, quận 1, bến Bình Quới, quận Bình Thạnh, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuyến tầm trung là các tàu đi từ trung tâm thành phố đến Củ Chi, Cần Giờ. Tuyến tầm xa đang liên kết với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và sang Phnom Penh, Campuchia.

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, một trong tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, một trong tuyến đường thuỷ kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Từ nay đến năm 2025, Sở du lịch sẽ cùng Sở giao thông vận tải TP HCM triển khai phát triển thêm ít nhất 10 tour tuyến. Trước mắt thành phố làm mới về dịch vụ, điểm đến trên các tuyến đang khai thác. Bà Hoa đưa ví dụ khu đô thị Vạn Phúc, TP Thủ Đức, nằm trên tuyến tầm ngắn, trong khi tầm trung sẽ ra mắt các sản phẩm nhạc nước phục vụ du khách. Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa, quận Bình Thạnh thuộc trung tâm thành phố sẽ thêm trải nghiệm như đi xe đạp quanh bán đảo, làm mới dịch vụ ẩm thực. Tuyến đi Củ Chi sẽ khai thác các điểm đến trên địa bàn quận 12, Hóc Môn.

Các cầu cảng 2, 3, 4 và cầu cảng B của cảng Ba Son, quận 1 được dự kiến khai thác trong thời gian tới, thêm tàu nhà hàng, tàu lưu trú trên sông. Sở du lịch cũng đang xin chủ trương cấp phép vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn, đưa vào sử dụng 12 vị trí neo đậu ở cảng Cần Giờ để có cơ sở phát triển thêm tàu lưu trú, tàu dịch vụ trên sông theo hướng tuyến này.

Cụm khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, cũng sẽ có thêm hướng tuyến mới từ Nhà Bè đi Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, kết hợp du lịch đường bộ và đường sông. Có thêm các tuyến từ trung tâm thành phố đến chợ Bình Điền, quận 8, phát triển các các sản phẩm du lịch ở chợ đầu mối hải sản này.

Tuyến tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo cũng sớm được đưa vào khai thác, thay vì phải qua cảng Cát Lở, Bà Rịa – Vũng Tàu, như hiện tại. Tuyến từ Cần Giờ đi Long An đang được hai địa phương tích cực kết nối.

“Từ đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông này, cảnh quan hai bên bờ sẽ được cải thiện, các hoạt động kinh tế dịch vụ được làm mới. Sông Sài Gòn sẽ thành biểu tượng văn hóa, điểm nhấn kinh tế TP HCM”, bà Hoa nói.

Giám đốc phòng tiếp thị và truyền thông một công ty du lịch tại TP HCM cho biết các tour du ngoạn sông Sài Gòn hiện có xu hướng tăng khá tốt, tiềm năng hút cả khách nội địa và quốc tế. Mỗi tháng, công ty này đón khoảng 3-4 đoàn 5-20 khách từ các thị trường Âu, Mỹ, Australia, các tỉnh thành khác và người dân TP HCM. Thời gian tham quan từ nửa ngày đến một ngày.

Theo đại diện công ty, sản phẩm du lịch đường sông hiện còn hạn chế ở loại hình và sự đa dạng, mới mẻ nên đa phần chỉ phục vụ du khách một lần, khó tiếp thị lại. Các sản phẩm du lịch sông nước Sài Gòn chủ yếu là chương trình du ngoạn sông và ẩm thực, còn thiếu sắc màu lễ hội cũng như những đặc trưng nổi bật của văn hóa sông nước Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, nhận định các sản phẩm du lịch đường sông TP HCM hiện tại có nhiều tiềm năng phát triển, là cơ sở để kết nối các tuyến liên vùng trong tương lai, cho du khách Việt và cả khách quốc tế có thêm cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sâu về TP.HCM.

Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm tour tuyến vẫn còn rào cản về thủ tục, quản lý chồng chéo. Bến bãi neo đậu dành cho các phương tiện phục vụ du khách còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc chưa đồng bộ về hạ tầng khiến du lịch đường thủy của TP HCM gặp khó, điển hình là việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông quá thấp khiến tàu thuyền du lịch không thể đi qua.

Khó khăn còn là sự ô nhiễm của các con kênh. Hiện tượng xả rác, phóng uế vẫn diễn ra khiến cho nhiều con kênh trở nên hôi thối mỗi khi nước cạn hoặc rác nổi sau những cơn mưa gây phản cảm lớn cho du khách, khiến các công ty du lịch rất khó triển khai sản phẩm.

“Tuyến du lịch đường sông hiện nay còn hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn do chưa đa dạng dịch vụ kèm theo. Đoạn đường di chuyển dài nhưng chưa phát triển các điểm dừng chân phù hợp”, bà Hoàng nói.

Mặc dù còn những khó khăn và hạn chế, nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương bày tỏ kỳ vọng lễ hội sông nước lần đầu và các sản phẩm du lịch đường sông sẽ có sức sống lâu dài và liên tục được đổi mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố.

Bích Phương – Vân Khanh


Bài viết được đề xuất