Bài học sống chung với Covid-19, thích ứng an toàn của Singapore là những gợi ý hữu ích cho Việt Nam, đi cùng nỗ lực phục hồi kinh tế và du lịch. – Du lịch
Tiếp nối các nỗ lực tái mở cửa của các quốc gia trong khu vực như Singapore, chính phủ Việt Nam vừa qua đã đồng ý với kế hoạch khôi phục các chuyến bay thường lệ chở khách với các điểm đến có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022, trong đó có hành trình đến với đảo quốc. Đi đầu trong nỗ lực kết nối lại các đường bay Quốc tế, Vietnam Airlines hiện nay đã từng bước khai thác trở lại các điểm đến trọng điểm và hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội du lịch, thương mại giữa Việt Nam và Singapore trong tương lai.
Trước đại dịch Covid-19, sân bay Changi của Singapore là một trong những sân bay bận rộn nhất ở châu Á, với kỷ lục đón 65,6 triệu hành khách đi qua bốn nhà ga của nó trong năm 2018.
Trong tuần cuối cùng của tháng 11/2019, hơn 3.700 chuyến bay đã rời khỏi sân bay Changi, theo dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay FlightAware.
Việc đóng cửa biên giới do Covid-19 đã khiến con số này giảm xuống, chỉ còn khoảng 800 chuyến bay, tương đương 20% mức của năm 2019, trong cùng thời điểm đó của năm 2020. Khi các quốc gia thận trọng mở cửa trở lại, các chuyến bay hiện ở mức khoảng một phần ba của thời điểm trước Covid-19. Song sự lo ngại về biến thể mới cùng những thách thức không lường trước đang khiến nỗ lực phục hồi của ngành du lịch trở nên khó khăn hơn.
Không thể đi du lịch trong vòng 20 tháng, du khách trên toàn thế giới rất háo hức với việc được bay trở lại. Việc công bố hành lang du lịch tiêm chủng (VTL – Vaccinated Travel Lane) đã cho phép những khách du lịch đã được tiêm phòng từ các quốc gia được chọn vào Singapore mà không cần phải cách ly như quy định. Những du khách này sẽ phải đi trên các chuyến bay được chỉ định, test Covid-19 trước khi khởi hành và sau khi đến Sân bay Changi.
Sự xuất hiện của VTL đã làm tăng số lượng các chuyến bay đi qua sân bay Changi. Trong tháng 10, có 10.200 máy bay đã đi qua sân bay, so với 9.400 vào tháng 9. Các hãng hàng không như United Airlines và AirAsia đã trở lại Singapore sau khi VTL áp dụng với 18 nước. Dự kiến đến giữa tháng 12, sẽ có nhiều hãng hàng không quốc tế quay lại quốc đảo này, khi có thêm 6 nước nữa áp dụng hành lang du lịch tiêm chủng cùng Singapore. Nhiều hãng hàng không sẽ quay trở lại, với việc ra mắt thêm sáu VTL vào giữa tháng 12.
Trong chiến lược phục hồi của ngành du lịch Singapore, có 3 điểm chính doanh nghiệp đang được khuyến khích tập trung, bao gồm tập trung đổi mới và công nghệ, chú trọng tính bền vững và hướng đến yếu tố sức khỏe. Riêng với lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Singapore ra mắt T-CubePQ, một chương trình giúp thay đổi ngành du lịch, tạo ra một không gian cho các doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về những phương pháp số hóa, đổi mới trải nghiệm của du khách. Tính bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ hệ sinh thái cũng như các tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ sau cũng được quốc đảo này chú trọng. Kế đó, với lợi thế là đô thị sạch và xanh, nổi tiếng với hoạt động kinh doanh toàn cầu, Singapore cũng được đánh giá cao về khoa học sức khỏe và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Câu chuyện phục hồi của ngành du lịch Singapore, bài học cho du lịch Việt và tương lai của ngành du lịch thế giới sẽ tiếp tục được các chuyên gia phân tích, thảo luận trong chương trình talkshow Nguy – Cơ mùa 2, phát sóng sáng 16/12.
Chương trình có sự tham gia của bà Sherleen Seah – Trưởng đại diện Văn phòng STB tại Việt Nam và ông Trịnh Hồng Quang – Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines.
Bà Sherleen Seah đảm nhiệm vai trò Trưởng Đại diện Văn phòng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam từ tháng 9/2018. Bà có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và 7 năm trong ngành xây dựng trước khi gia nhập STB.
Ông Trịnh Hồng Quang là Phó tổng giám đốc phụ trách Thương mại của Vietnam Airlines. Ông bắt đầu công tác trong lĩnh vực hàng không từ năm 1992 tại Cục hàng không Việt Nam. Từ năm 1998 đến 2004, ông Quang trải qua các vị trí Trưởng đại diện Vietnam Airlines chi nhánh Đài Loan (Trung Quốc) và Trưởng đại diện Vietnam Airlines chi nhánh Nhật Bản. Năm 2005, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tiếp thị & bán sản phẩm của Vietnam Airlines. Năm 2008, ông trở thành Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, sau đó là Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air từ 8/2012 – 4/2015. Từ 4/2015 đến nay, ông tiếp tục giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines.
Theo cuộc khảo sát về mức độ yêu thích du lịch do Tổng cục Du lịch Singapore (STB) thực hiện đầu 2021, du khách Việt quan tâm đến Singapore như một điểm đến thú vị, đáp ứng các khát khao du lịch mới của họ. Cụ thể, người Việt mong muốn đến thăm Singapore để khám phá nền ẩm thực đặc sắc, các công trình kiến trúc khơi gợi cảm hứng, sự sáng tạo đổi mới không ngừng, cùng với con người và văn hóa đa sắc tộc độc đáo nơi đây.
Hoài Phong