Một nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 2 đến 10% trứng vịt Cao Bưu (Dương Châu, Giang Tô) cho hai lòng đỏ. – Du lịch
“Có muốn ăn kèm với trứng vịt muối không”, vị đầu bếp trong một quán cháo nhỏ ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô hỏi Megan Zhang khi cô tới đây ăn sáng. Trước khi Megan kịp trả lời, đầu bếp đã biến mất vào gian sau, rồi quay lại với một quả trứng màu xanh xám, đặt trên một chiếc đĩa nhỏ. “Chắc chắn rồi”, Megan đáp.
Cháo trắng, ăn cùng dưa muối là một món ăn được nhiều người ưa thích khi tới Dương Châu. Theo kinh nghiệm của Megan, ăn cháo cùng một miếng trứng vịt muối với lòng trắng mặn, lòng đỏ béo ngậy chắc chắn còn hấp dẫn hơn một tách cà phê.
Khi tách quả trứng, Megan ngạc nhiên vì quả trứng có hai lòng đỏ, thay vì một như thông thường. Quá kinh ngạc, cô vẫy đầu bếp lại để hỏi anh về điều hiếm gặp này. Người đầu bếp cười, giải thích rằng hầu hết trứng vịt muối trong bếp của họ đều có hai lòng đỏ. Những quả trứng này có nguồn gốc từ một quận nằm ở Dương Châu, có tên là Cao Bưu.
David Yan, một hướng dẫn viên du lịch Giang Tô, cho biết nhắc tới trứng hai lòng, mọi người đều nghĩ ngay tới Cao Bưu. Nơi này nổi tiếng với những quả trứng hai lòng và danh tiếng của nó có từ lâu.
Theo tìm hiểu của Megan, vị trí địa lý của Cao Bưu đã giúp nơi này tạo ra được những quả trứng vịt muối hai lòng đỏ. Địa phương có hồ Cao Bưu, hồ nước ngọt lớn thứ ba của tỉnh. Đây là nơi trong nhiều thế kỷ giúp cho ngành chăn nuôi gia cầm của địa phương phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, muối, thứ dùng để tạo ra trứng vịt muối, có rất nhiều trong vùng, với các đầm muối nằm ở phía bắc của tỉnh. Các đầm muối này là một phần của khu dự trữ sinh quyển, nơi du khách có thể ngắm chim và đi bộ đường dài. Nơi này từng nổi tiếng là nguồn cung cấp muối chính thức cho Trung Quốc trước đây.
“Bạn có hồ cho những con vịt, và bạn có cả một ngành công nghiệp muối bên cạnh”, Miranda Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Michigan, nói về địa thế thuận lợi của Cao Bưu.
“Những thương nhân bán muối rất giàu, gu ẩm thực tốt. Họ tổ chức những buổi tiệc xa hoa kéo dài cả ngày, ăn những món tinh tế nhất”, giáo sư Brown nói. Thời đó, những món ăn của giới nhà giàu thường được coi là tiêu chuẩn của sự cao cấp.
Món trứng vịt muối này đã xuất hiện trong ghi chép cuối thế kỷ 18 của học giả và ẩm thực gia thời nhà Thanh Yuan Mei: “Trứng muối vùng Cao Bưu hảo hạng, với lòng đỏ đậm đà đẫm dầu”.
Ngày nay, nó thành một đặc sản của Cao Bưu. Các dàn hợp xướng ở đây cũng thường biểu diễn một bài hát dân gian có tên là Shǔ Yā Dan, nghĩa đen là “Đếm trứng vịt”, nhằm tôn vinh sản vật địa phương.
Những người chăn nuôi vịt cũng nhận ra rằng lòng đỏ đôi là biểu tượng của sự may mắn. Hơn nữa, những quả trứng có nhiều lòng đỏ được mọi người yêu thích, vì hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn loại bình thường.
Theo một nghiên cứu năm 2011, chỉ khoảng 2 đến 10% trứng vịt Cao Bưu cho hai lòng đỏ. Nông dân thường soi để xem một quả trứng có một lòng như bình thường, hay lòng đỏ kép trước khi mang đi muối. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy đặc sản này ở khắp Trung Quốc, nhưng những quả trứng có xuất xứ từ Cao Bưu thường có giá cao hơn.
Đi dạo quanh những khu chợ Dương Châu, Megan Zhang nhận thấy rằng những quả trứng hai lòng đỏ được bán nhiều gấp đôi loại thông thường. Để tận dụng tối đa thời gian ở gần Cao Bưu, cô luôn gọi một quả trứng hai lòng đỏ mỗi khi dùng bữa tại một quán trà nào đó. Và cô bắt chước những thực khách khác: dùng đũa chọc vào trứng cho lòng đỏ chảy ra. Hầu hết những người đã thử trứng vịt muối, bao gồm cả cô, đều cho rằng lòng đỏ là phần ngon nhất, vị béo ngậy hơn hẳn so với lòng trắng ngấm quá nhiều muối.
Anh Minh (Theo CNN)