Văn hóa không mời ăn ở Thụy Điển

Việc không mời khách đến nhà chơi dùng bữa chung được coi là điều bình thường ở nhiều quốc gia bắc Âu. Ảnh: India Times

Chủ nhà không có thói quen mời người lạ dùng bữa và coi việc khách ngồi nhìn mình ăn là điều bình thường. – Du lịch

Vào buổi tối, một gia đình người Thụy Điển quây quần bên bàn ăn. Họ dùng bữa với thịt viên khoai tây nghiền và nước sốt. Bên cạnh, một đứa trẻ ngồi chơi, không ăn vì không ai mời. Đứa trẻ đó là bạn của con chủ nhà, sang chơi đúng vào bữa tối.

Điều này hoàn toàn bình thường ở Thụy Điển. Người dân không có thói quen mời bạn bè của con mình dùng bữa nếu chúng đến chơi. Thay vào đó, khi đến giờ ăn, trẻ có thể về nhà, ở trong phòng của bạn bè hoặc ngồi vào bàn với gia đình và không ăn.

Việc không mời khách đến nhà chơi dùng bữa chung được coi là điều bình thường ở nhiều quốc gia bắc Âu. Ảnh: India Times

Việc không mời khách đến nhà chơi dùng bữa chung được coi là điều bình thường ở nhiều quốc gia bắc Âu. Ảnh: India Times

“Tôi đến nhà người bạn Thụy Điển của mình. Khi cả hai đang ngồi chơi trong phòng, mẹ cậu ấy gọi với lên thông báo bữa tối đã sẵn sàng. Bạn bảo tôi ngồi đợi cậu ấy xuống nhà ăn rồi lên chơi tiếp với tôi. Tôi bị sốc”, một người có biệt danh Wowinmatard nhớ lại.

“Tôi đã ngủ lại nhà một người bạn khi đến Thụy Điển. Khi chúng tôi thức dậy, bạn nói rằng sẽ xuống nhà trong vài phút. 15 phút sau, tôi xuống dưới thì thấy cả nhà họ đang ngồi ăn sáng. Bạn tôi ngước lên và nói rằng sắp xong rồi, sẽ sớm lên phòng chơi với tôi. Tôi vẫn nghĩ về chuyện này suốt 25 năm sau đó”, một người khác đồng tình và chia sẻ lại kỷ niệm của mình.

Nhiều người nói rằng họ cũng bị sốc khi biết về văn hóa không mời khách tới nhà dùng bữa. Nhiều người dân đã nhanh chóng lên tiếng, bảo vệ tập tục nước họ. Mọi người giải thích rằng đây là thực tế phổ biến, và lý do chính là họ không mong đợi khách đến và dùng bữa chung với gia đình. “Chúng tôi chỉ kiếm đủ để nuôi gia đình”, một người khác chia sẻ.

Hakan Jonsson, giáo sư nghiên cứu ẩm thực tại đại học Lund, không hiểu vì sao nhiều người lại khó chịu trước tục lệ này. Jonsson tin rằng điều này một phần dựa trên việc thu hoạch lương thực khó khăn của người dân trong quá khứ, khi Thụy Điển trải qua những tháng mùa đông lạnh giá. Vì vậy, một bữa tối tự phát phục vụ thêm một ai đó chưa bao giờ là một phần của văn hóa. Ngoài ra, Jonsson cho rằng người dân cũng muốn tôn trọng sự độc lập của mỗi gia đình, và việc cho con người khác ăn có thể bị coi là hành động chê trách gia đình kia không đủ năng lực nuôi con.

Zara Larsson, ngôi sao nhạc pop người Thụy Điển, cho biết phong tục này là “văn hóa đỉnh cao”, mặc dù gia đình cô và nhiều người khác mà cô biết không thực hành. Tại các gia đình áp dụng phong tục này, Larson sẽ được yêu cầu về ra về nếu đến giờ ăn, hoặc bị bỏ lại trong phòng của người bạn. Nhưng cô không cảm thấy đây là một vấn đề khó chịu.

Phong tục này còn được áp dụng với người Đức, Phần Lan, Hà Lan và các khu vực khác ở bắc Âu. Lotte Holm, giáo sư xã hội học tại đại học Copenhagen, Đan Mạch nói rằng vào thời của cô (những năm 1950-1960), trẻ em không ăn bữa tối ở nhà bạn bè. Dù vậy, khi cô có con, Holm vẫn mời bạn của con ở lại dùng bữa nhưng yêu cầu chúng gọi điện về xin phép cha mẹ. “Có vẻ hơi keo kiệt và không mấy thân thiện khi không mời ai đó dùng bữa chung nếu người đó đến nhà. Nhưng tôi nghĩ điều này là để tôn trọng sự độc lập, riêng tư của mỗi gia đình”, Holm nói.

Từ 1/4, Thụy Điển dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến kiểm dịch với khách nhập cảnh ngoài liên minh châu Âu. Du khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến đây chỉ cần hộ chiếu và visa (với các nước được yêu cầu). Khách Việt Nam muốn đến Thụy Điển phải xin visa Schengen để nhập cảnh. Có nhiều hãng bay như Thai Airways, Lufthansa… nhưng du khách sẽ phải nối chuyến từ một đến hai chặng. Giá vé từ Việt Nam đến Thụy Điển khứ hồi hiện dao động 28-30 triệu đồng.

Anh Minh (Theo NYT)

Bài viết được đề xuất