Vân Nam: Trôi giữa những áng mây – Gói thênh thang đắm say

Xinh đẹp, mộng mơ, đối với tôi, mùa Thu là khoảng thời gian lãng mạn
nhất để thưởng thức trọn vẹn vẻ quyến rũ của xứ sở này. Giữa tiết trời
tháng 10 trong lành, cảnh sắc Vân Nam hiện lên nền nã, trữ tình và vô
cùng duyên dáng với những làn gió tinh khôi, mặt hồ nước e ấp quyện ánh
xanh trong, sắc vàng – đỏ lấp lánh của tầng tầng, lớp lớp hàng cây phủ
màu thời khắc giao mùa rung rinh giữa trời, và đỉnh núi tuyết bàng bạc
lúc ẩn lúc hiện giữa muôn trùng mây khói. Trôi thênh thang trên những
cung đường ngang – dọc đoạn hành trình khám phá nơi đây, vào bất cứ
khoảnh khắc nào, dù là nhỏ nhất, dường như cũng có thể khiến lòng tôi
bất ngờ say đắm!

 Đại Lý cổ thành nhìn từ trên cao.

XIÊU LÒNG TRƯỚC THÀNH PHỐ NGHÌN NĂM TUỔI – ĐẠI LÝ

Nhắc đến Vân Nam, ai cũng nghĩ ngay đến
Dali – Đại Lý, thành phố với nền lịch sử lâu đời thú vị, là thủ phủ của
Châu tự trị dân tộc Bạch. Cao 2.090m so với mực nước biển, nơi đây được
thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho một vẻ đẹp trù phú, lãng mạn mà ít nơi
nào có được.

Dạo bước vãn cảnh trên con phố được lát
bằng những tấm đá xanh giữa Đại Lý cổ thành, tôi như băng qua chiều sâu
hun hút của không gian và thời gian, xuyên không trở về quá khứ, cảm
tưởng mình đang lạc bước giữa nền văn hóa của cả ngàn năm trước. Không
náo nhiệt ồn ào, không đèn màu đủ sắc, những cảnh nhà, phố xá nơi đây
dịu dàng, trầm mặc, tan êm ả theo từng nhịp chân. Đường đường có nước
chảy, nhà nhà trồng hoa, những giếng nước dùng chung, xa xa là dãy
Thương Sơn quyện mây kéo hàng trăm dặm dài vô tận khiến cho thành cổ Đại
Lý ánh lên trong nắng sớm nét đẹp nhẹ nhàng của sự tĩnh tại và yên
bình.

Lang thang trong khu phố với những con đường như bàn cờ, tôi thực sự ấn tượng về số lượng lớn các tòa nhà từ thời Minh, Thanh, Trung Hoa
Dân Quốc tại đây. Dù trải qua nhiều năm tháng, song chúng vẫn được giữ
gìn thật tốt, vẫn đẹp bền bỉ trường tồn. Leo lên tầng trên cùng của tòa
Tháp Ngũ Hoa, phóng bao quát tầm mắt thật xa, tôi gói vào lòng trọn vẹn
sự xao xuyến khó tả trước cảnh sắc hữu tình của núi, hồ, nét phố, nét
nhà, nét người lại kẻ qua… Tất cả đan cài, vừa gần vừa xa, Đại Lý cổ
trấn hiện lên thi vị và tinh tế quá!

Tháp Ngũ Hoa.

Nếu như buổi sáng là khoảng thời gian
lý tưởng cho việc thăm quan thành cổ thì buổi chiều có hoạt động thú vị
không kém là đạp xe thưởng ngoạn quanh hồ Nhĩ Hải, nơi được mệnh danh
là “tứ đại mỹ quan” chốn Đại Lý. Là một trong 16 hồ thuộc khu bảo hộ tự
nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc đại lục, hồ Nhĩ Hải có diện tích
khoảng 250km2 với thời tiết dễ chịu quanh năm, từ lâu đã trở thành niềm
tự hào của người dân nơi này. Tôi quyết định chọn thuê một chiếc xe đạp
và tận hưởng nửa ngày của mình bằng việc dạo quanh ngắm nhìn chốn sông
nước hữu tình. Băng qua những mảng xanh tuyệt đẹp của cây cối, hoa lá,
mặt nước, bầu trời, tận hưởng từng làn gió thổi se sắt va vào mặt, tóc,
vai, người… tôi hít những hơi thật chậm và sâu, thả tâm hồn trôi giữa
thiên nhiên thật lâu, cảm thấy cả cơ thể mình nhẹ tênh, an lành như đang
được âu yếm trong ngập tràn sự bình yên chân thành.

 Hoạt động đạp xe bên hồ Nhĩ Hải

SAY MÊ TRƯỚC THUNG LŨNG BẤT TỬ – SHANGRI-LA

Nằm phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam,
Shangri-La là một khu đô thị thuộc quyền quản lý của khu tự trị Tây
Tạng Địch Khánh, cũng là cửa ngõ dẫn từ Trung Quốc vào Tây Tạng. “Mặt
trời và mặt trăng trong trái tim” là ý nghĩa tên gọi của Shangri-La
theo ngôn ngữ người Tạng. Thật vậy, nơi đây sở hữu một vẻ đẹp kỳ lạ,
khiến tôi càng trải nghiệm lại càng mê mẩn! Với độ cao trung bình gần
3.459m so với mực nước biển, vùng đất thần tiên với khí hậu hoàn hảo này
được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết, những khu rừng xanh tươi và
những hồ nước màu ngọc bích tuyệt đẹp. Tất cả cảnh sắc hòa quyện, tô vẽ
lên một thiên đường đầy bí ẩn và tuyệt mỹ nơi hạ giới.

Khám phá trấn cổ Dukezong – Độc Khắc Tông là cách chân thực nhất để tìm hiểu văn hóa Tây Tạng.
Thị trấn có niên đại hơn 1.300 năm lịch sử với không ít thăng trầm từ
chiến tranh đổ máu đến thời gian thịnh vượng của thương mại xuyên biên
giới, ẩn chứa vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc và con người Tây Tạng. Từ
phía quảng trường Mặt Trăng, mang theo sự tò mò len lỏi trong tâm trí,
tôi đi bộ men theo những con dốc thoai thoải. Địa danh từng cực kỳ nổi
tiếng trong quá khứ gắn liền với Trà – Mã cổ đạo cứ thế hiện dần ra với
những con hẻm hẹp rải sỏi, lát đá quanh co, đan xen nhau, chìm ngập
trong ánh nâu ấm áp của biển hiệu, mặt tiền, khung cửa gỗ chạm trổ hoa
văn, hòa vào vẻ sinh động của những lá cờ cầu nguyện Mật Tông phất phơ
theo nhịp gió. Ngồi trên cao giữa ánh hoàng hôn lạnh buốt đầy khói mây,
nhìn xuống trùng điệp lớp lớp nhà trắng ẩn hiện lấp lánh trong ánh sáng
huyền diệu của thung lũng Shangri-La, với tôi, khoảnh khắc này tưởng như
vĩnh viễn!

 Vẻ sinh động của cổ trấn Độc Khắc Tông.

Điều tuyệt vời nhất mà tôi trải qua tại
Shangri-La là hành trình khám phá Songzanlin – biểu tượng vô song của
Phật giáo Tây Tạng tại tỉnh Vân Nam, cũng là tu viện Mật Tông Tây Tạng
lớn nhất Trung Quốc, với diện tích 30ha, xứng đáng có tên trong danh
sách những tu viện đáng ghé thăm nhất thế giới. Songzanlin – Tùng Tán
Lâm do vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 xây dựng, nằm trong một cảnh quan tuyệt
đẹp ở độ cao hơn 3.300m, xung quanh phiên bản thu nhỏ theo nguyên mẫu
của tu viện Potala này được bao bọc bởi những hàng thông mơ màng và mặt
nước lãng đãng lưu giữ nhiều giá trị sâu sắc của đời sống tâm linh người
Tạng ở Trung Hoa.

Vượt qua dòng người đông đúc đang vừa
đứng xoay vừa tụng niệm bên hàng kinh luân, tôi bước vào tòa thiền viện
trên đỉnh đồi trong sự háo hức khó tả để rồi ngay lập tức bị chinh phục
bởi vẻ huyền bí rực rỡ bên trong. Không gian lớn với những hàng cột to
liên tiếp nhau, sơn màu đỏ rực được thắp sáng bởi vô số đèn dầu, những
bức tranh Thangka, những hoa văn họa tiết ấn tượng, tinh xảo, đậm nét
văn hóa Tây Tạng xuất hiện trên khắp những bức tường, cột trụ, trần nhà…
Bầu không khí linh thiêng của vùng đất Phật bao tỏa khắp từng làn da
thớ thịt. Chậm rãi bước từng bước trên chiếc cầu thang gỗ nhuốm màu thời
gian, tôi lên đến tầng trên cùng của tu viện, giữa bao la bình yên,
giữa cái ẩm ương tê buốt của khí trời, đằng sau bánh xe pháp luân thiêng
liêng và đôi nai quỳ chầu hai bên trên đỉnh mái, cả thị trấn hiện ra
như tấm tranh nền nã, nổi bật trên dãy núi xanh thăm thẳm xa tận chân
trời.

 Tu viện Tùng Tán Lâm, biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng tại Vân Nam.

CHÌM ĐẮM TRƯỚC VẺ TUYỆT MỸ CỦA “VENICE PHƯƠNG ĐÔNG” – LỆ GIANG

Lijiang – Lệ Giang từ lâu đã là điểm đến trong mơ của biết bao tín đồ yêu du lịch,
thành phố giống như một kho tàng của Vân Nam, chất chứa các di tích
lịch sử, núi tuyết hùng vĩ, hẻm núi ngoạn mục đẹp xao xuyến, hòa cùng
các đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số vô cùng đa dạng. Được xây dựng dọc
theo chân núi và những con sông chằng chịt, vậy nên, xung quanh thành
phố có rất nhiều kênh, sông suối chảy qua, khu vực này trước đây cũng là
một trong những trung tâm giao thương nông sản lớn và quan trọng ở vùng
Vân Nam.

Thành cổ Lệ Giang (hay còn có tên gọi
khác là Dayan – Đại Nghiên) – Di sản Văn hóa Thế giới chào đón tôi với
dáng vẻ diễm lệ, quyến rũ không thể cưỡng lại được. Lệ Giang cổ trấn lấy
nước làm cốt lõi, có bố cục không gian độc đáo với hệ thống nước được
bố trí khắp nơi. Nơi đây nổi tiếng với số lượng khoảng 354 cây cầu và
mỗi cây cầu lại có những hình dạng khác nhau, tất cả đều xây dựng vào
thời nhà Minh và nhà Thanh, được lưu giữ và bảo tồn cho đến bây giờ như
minh chứng tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử – văn hóa của dân tộc.

 Thành cổ Lệ Giang với hệ thống nước được bố trí khắp nơi.

Thong dong tản bộ, tôi đến được Hắc Long
Đàm cũng vừa kịp lúc hoàng hôn chuẩn bị diễn ra. Trước mắt tôi, cả
quang cảnh trữ tình hiện ra, nổi bật nhất là hồ nước trong vắt rộng 40ha
đón nguồn nước tự nhiên từ Ngọc Long tuyết sơn. Dưới mái hiên, tôi đứng
trầm ngâm hồi lâu, hoàn toàn bị thu hút bởi vẻ đẹp tinh khiết của mặt
hồ, trong trẻo hệt như một tấm gương khổng lồ, soi chiếu hết thảy nét mỹ
miều, yêu kiều của đất trời Lệ Giang.

 Hắc Long Đàm trong trẻo như một tấm gương khổng lồ.

Thiết nghĩ, không mấy nơi trên thế giới
được mẹ thiên nhiên ưu ái trao tặng cho cảnh quan đa dạng như vùng đất
này. Đối lập với nét thơ mộng của Đại Nghiên cổ trấn là sự hiểm trở, dữ
dội của hẻm núi Hổ Khiêu Hiệp – hẻm vực sâu, dài và hẹp nhất thế giới đã
chinh phục bao trái tim đam mê mạo hiểm. Danh thắng nức tiếng nằm trên
dòng sông Kim Sa, thuộc một nhánh của sông Dương Tử, giữa núi tuyết Ngọc
Long cao 5.596m và núi tuyết Cáp Ba cao 5.396m, hẻm núi độc đáo dài
khoảng 15km với khoảng cách cao nhất từ đỉnh núi xuống dòng sông là
3.790m. Đi bộ dọc theo con đường uốn khúc, trước dòng nước cuồn cuộn
chảy xiết tung bọt trắng xóa, hai tai tôi ù đi trong tiếng gió thổi ầm
ì. Dòng thác cứ thế đổ ầm ầm không ngơi nghỉ, những vách đá hiểm trở,
thẳng đứng, cứ sừng sững ở đó như luôn trong tâm thế sẵn sàng đương đầu
trực diện với từng nhát chém chói chang của ánh mặt trời.

 Một màu trắng mênh mông nơi Ngọc Long tuyết sơn.

Ai đó từng ví von Lệ Giang như một “cô
gái” đẹp diễm tình đang đội trên đầu chiếc vương miện trắng lấp lánh là
dãy Ngọc Long tuyết sơn, tôi nghĩ đó là một sự so sánh không thể phù hợp
hơn! Quan sát từ phía của Lam Nguyệt Đàm, tôi hướng về núi tuyết Ngọc
Long đang ẩn hiện đầy bí ẩn giữa làn nước xanh ngọc bích mộng mơ tuyệt
đẹp. Thung lũng Lam Nguyệt đậm chất thơ từ trên cao nhìn xuống hệt như
vầng trăng khuyết, long lanh, dịu dàng và muôn phần lãng mạn. Vẻ tình
cảm ướt át ấy như càng tô điểm đậm nét hơn cho hình ảnh siêu thực từ dãy
núi vững chãi phía bên trên.

 Núi
Ngọc Long, một trong những ngọn núi đẹp nhất Trung Quốc, cao thứ 71
trên thế giới, nằm ở vị trí hơn 4.000m với phần đỉnh cao nhất khoảng
5.596m so mới mực nước biển, là dãy núi hùng vĩ tuyết phủ quanh năm. Núi
tuyết Ngọc Long gồm có 13 đỉnh trải dài miên man, hiên ngang thống trị
đường chân trời, từ xa trông giống như một con rồng phủ ánh bạc sắc lạnh
đang bay lơ lửng trên những đám mây. Ngọc Long huyền ảo chìm trong
sương gió quanh năm, xung quanh được bao bọc bởi thảm thực vật xanh ngát
tràn trề sức sống.

Hòa cùng dòng người đông đúc di chuyển
bằng cáp treo trên hành trình khám phá dãy núi lừng danh, càng lên cao,
tim tôi mỗi lúc càng đập nhanh, bầu không khí loãng nơi độ cao khắc
nghiệt cùng vô vàn đợt gió tê tái cứ thế thổi qua cắt ngang thịt da. Tôi
thận trọng thu mình trong mớ áo quần giữ ấm, điều chỉnh hơi thở với
những bước đi chầm chậm, lòng không thôi bồi hồi, thảng thốt trước một
màu trắng mênh mông. Đầu óc tôi bất giác trống rỗng, mọi thứ chỉ còn
xoay quanh cảm giác xúc động nao lòng. Giữa thiên nhiên tuyệt diệu nơi
độ cao hiểm trở, khoảng cách đất – trời chưa bao giờ gần đến thế. Cơ thể
tôi như muốn tan ra, trôi bềnh bồng theo những đám mây đang bay ngang
qua. Trong cái lạnh buốt giá, tôi biết rõ mình hiện hữu tại đây bằng tất
cả thiết tha, không nghĩ về chuyện ngày mai, càng không nhớ về chuyện
hôm qua.

Một vài gợi ý cho những ai muốn khám phá mảnh đất Vân Nam trữ tình

• Chuẩn bị thể trạng thật tốt vì càng
lên cao không khí sẽ càng loãng, đặc biệt nên cân nhắc nếu bạn có tiền
sử bệnh tim mạch hoặc huyết áp.

• Bôi kem chống nắng, bôi kem chống nắng và bôi kem chống nắng! Đừng vì Vân Nam trời lạnh mà lười bảo vệ làn da!

• Chắc chắn phải thử trà Phổ Nhĩ quýt, đến Vân Nam mà không uống Phổ Nhĩ quýt là một thiếu sót lớn!

Nhóm thực hiện

Bài & Ảnh: Quỳnh Lê

  Nguồn: ELLE

Bài viết được đề xuất