Vì sao giá vé máy bay ở châu Á sau dịch tăng cao?

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Changi. Ảnh: CNBC

Tần suất của các hãng bay chưa phục hồi, nhu cầu hành khách tăng chính là công thức tạo nên giá vé máy bay tại châu Á tăng cao. – Du lịch

Giá vé máy bay tháng 2 tại châu Á cao hơn 33% so với cùng kỳ 2019, cao hơn châu Âu, Bắc Mỹ lần lượt là 12% và 17%, theo dữ liệu từ Skyscanner Travel Insight, ứng dụng tìm kiếm chuyến bay hàng đầu thế giới.

Giá vé hạng phổ thông đến châu Á từ Bắc Mỹ và châu Âu tăng lần lượt 9,5% và 9,8% trong năm nay, theo dự báo từ ứng dụng du lịch American Express Global Business Travel (Amex GBT). Khoang hạng thương gia cũng tương tự. “Một số chặng, khách đang phải trả gấp đôi số tiền mà họ chi 4 năm trước”, CNN nhận xét.

Vé thương gia chặng Paris – Thượng Hải năm 2019 giá 5.650 USD, năm nay là 11.500 USD, theo Amex GBT. Điều tương tự với chặng Singapore – Thượng Hải. Cũng theo ứng dụng trên, vé máy bay xuyên lục địa dự kiến còn đắt hơn (từ châu Á đi các châu khác), do tần suất của các hãng bay vẫn chưa bằng trước dịch.

Cụ thể giá vé bay hạng phổ thông từ châu Á đến Australia tăng 5,1%, đến châu Âu tăng 14,5%, Bắc Mỹ tăng 10,3%. Ở chiều ngược lại, giá vé tăng lần lượt là 24,9%, 9,8% và 9,5%.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Changi. Ảnh: CNBC

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Changi. Ảnh: CNBC

Khách hàng đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với giá vé cao hơn những nơi khác. Điều này cho thấy sự phục hồi chưa đồng đều sau dịch. Vấn đề này dự kiến không kết thúc sớm, theo các chuyên gia. Hugh Aitken, đại diện Skyscanner, lưu ý vé máy bay toàn cầu cao hơn trước Covid-19 do “vô số yếu tố”. Chi phí cao, tình trạng thiếu hụt nhân sự và Nga đóng cửa không phận là những nguyên nhân khiến giá vé tăng cao.

Nhưng hạn chế chính là châu Á vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc mở cửa lại. Bắc Mỹ, châu Âu nới lỏng hạn chế biên giới từ đầu năm ngoái. Các điểm đến lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản chỉ mới mở cửa. Theo Aitken, nơi gỡ bỏ hạn chế dịch bệnh muộn nhất thì tần suất các chuyến bay cũng mở lại chậm nhất, dẫn đến giá vé sẽ cao. “Hiện giờ, đó là APAC (châu Á – Thái Bình Dương)”, Aitken nói.

Khi người dân được đi lại, nhu cầu tăng, các hãng bay cũng không dễ bổ sung được ngay dịch vụ. Jeremy Quek, đại diện của Amex GBT, nói hãng cần thời gian ít nhất một tháng để lên kế hoạch rồi đưa vào thực tiễn.

CEO của Trip.com, một trong những ứng dụng đặt phòng, vé lớn nhất Trung Quốc, cho biết dù Trung Quốc đã mở cửa lại, công suất chuyến bay hiện chỉ ở mức 15-20% so trước dịch. Trong khi đó, công suất chuyến bay tuyến quốc tế đường dài, như giữa châu Âu và Á, trong quý 1 chỉ bằng 17% so năm 2019.

“Công suất của các hãng bay đang phục hồi, nhưng nó không phải với tốc độ chúng tôi mong đợi. Đó chính là mấu chốt. Công suất giảm, nhu cầu tăng chính là công thức tạo nên việc tăng giá”, Quek nói.

Năm 2022, Nga phong tỏa không phận khi bắt đầu căng thẳng với Ukraine. Nhiều chuyến bay phải đổi lộ trình, khiến chuyến đi dài, đắt đỏ hơn. Hiện tại, hạn chế vẫn còn. Các chặng bay bị ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Á – Bắc Mỹ hoặc châu Âu.

“Chặng Tokyo – London hiện phải đi về phía đông qua Bắc Thái Bình Dương, Alaska, Canada và Greenland, tốn thêm 2,4 giờ bay và đốt thêm khoảng 5.600 gallon nhiên liệu, tăng 20% chi phí” Amex GBT cho biết trong một báo cáo.

Ngoài ra, chi phí nhiên liệu cũng tăng vọt. Alan Joyce, CEO của hãng hàng không Australia Qantas cho biết hóa đơn nhiên liệu của công ty cao hơn 65% so với 2019. “Giá vé máy bay sẽ phải cao hơn vì nhiên liệu cao hơn”, Joyce nói. Joyce cũng cho biết hãng cũng cần thời gian để đào tạo lại phi hành đoàn đã ngừng hoạt động trong đại dịch.

“Các phi công của chúng tôi đã lái xe buýt ở Sydney và Melbourne trong một thời gian vì họ không có việc”, Joyce nói. Vì vậy, để một phi công quay trở lại máy bay, hãng phải mất thêm kinh phí đào tạo.

Dù giá vé cao, các chuyên gia tin rằng điều ngày không khiến khách ngừng đi. Họ chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ảnh hưởng đến nhu cầu của khách du lịch. Aitken cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ và liên tục của khách hàng trên nền tảng Skyscanner cho các chuyến du lịch năm 2023”.

Một số hãng bay vẫn tung khuyến mại giảm giá. Qantas, Jetstar đã thông báo giảm hơn một triệu chỗ ngồi trong năm nay trên các chặng nội địa và quốc tế. Japan Airlines cũng đã cố gắng giảm giá. Trang web của hãng bị sập vào đầu tháng 3, sau khi tung ra khuyến mại khiến lưu lượng người truy cập tăng cao.

“Trong tình hình hiện tại, cách đơn giản nhất để tìm được những giao dịch tốt là đặt chỗ sớm”, Aitken nói.

Anh Minh (Theo CNN)

Bài viết được đề xuất