Trung Quốc và Việt Nam đều đã mở cửa nhưng việc du lịch tự do giữa hai nước hiện chưa thực hiện được. – Du lịch
Trung Quốc hôm 6/2 cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, nhưng không có Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Lệ Bình, Phó giám đốc Phòng Du lịch Việt Nam, Công ty du lịch Hải Ngoại Quảng Tây (TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), hiện các công ty lữ hành phía Trung Quốc vẫn chưa mở bán tour đưa khách sang Việt Nam do các vướng mắc về thủ tục.
“Trung Quốc chưa cấp trở lại visa du lịch cho khách Việt và ngược lại. Các đợt khách sang Việt Nam từ 8/1 đến nay đều đi theo hình thức thỏa thuận riêng, hoặc visa thương mại”, bà Bình nói và mong khách Trung Quốc sẽ sớm được du lịch Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ chờ cơ chế thông thoáng hơn là bắt tay vào bán tour”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nói. Hiện công ty đang hướng tới các thị trường khách Đông Nam Á, Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ. “Nếu khách Trung sang sớm thì càng tốt”, bà Hoàng nói thêm về mục tiêu đón khách quốc tế 2023.
Từ 8/1, Trung Quốc mở lại biên giới sau ba năm dịch bệnh. Dù vậy, Trung Quốc cho biết công dân muốn du lịch thời gian tới vẫn cần “đi lại một cách có trật tự”, và “căn cứ tình hình dịch bệnh trên thế giới và khả năng dịch vụ đảm bảo”.
Việt Nam ghi nhận một số trường hợp khách Trung qua cửa khẩu đường bộ hoặc các chuyến bay charter. Cụ thể, trong ngày 8/1, cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn đón một số đoàn khách từ Trung Quốc. Chính quyền địa phương chia sẻ đây là khách hồi hương hoặc đi theo dạng công tác, không phải khách du lịch thông thường. Dịp Tết Quý Mão, hơn 200 khách Trung đến Nha Trang du xuân theo chuyến bay charter.
Bà Hoàng cho hay khách Trung Quốc đến Việt Nam hiện nay phần lớn đi công vụ hoặc đã có visa sẵn từ trước, do Covid-19 nên sau khi mở cửa được gia hạn để sang Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất mong chờ đón khách Trung Quốc. Họ đã sẵn sàng về cả nhân lực và dịch vụ. Giờ chúng tôi chỉ đợi Chính phủ công bố chính sách mới để các đơn vị lữ hành có thể chủ động đưa ra các phương án đón khách hiệu quả”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói.
Sáng 8/2, trong buổi tiếp đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, Hùng Ba, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Việt Nam và Trung Quốc cần sớm khôi phục hợp tác du lịch sau gần ba năm gián đoạn do Covid-19.
Năm 2019, hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, chiếm một phần ba tổng lượng khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018. Năm 2019 cũng ghi nhận khách Trung chi tiêu quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 250 tỷ USD.
Ngay khi Trung Quốc mở cửa, một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia đã có các chính sách nhằm thu hút du khách nước này. Cả hai quốc gia này hiện đều áp dụng visa tại cửa khẩu (visa on arrival) với mục đích du lịch, thời gian lưu trú 30 ngày. 260 khách Trung Quốc đầu tiên đã đến Bangkok ngày 11/1, Indonesia đón 200 khách từ Trung Quốc ngày 21/1. Hết quý một, Thái Lan dự kiến đón 300.000 lượt khách Trung, 7-8 triệu lượt cả năm.
Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3/2022, khôi phục miễn thị thực cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày.
Đại diện các công ty lữ hành và hiệp hội du lịch khẳng định Trung Quốc “là một thị trường lớn” và việc khách Trung lâu sang có thể “là một áp lực” với ngành du lịch trong việc hoàn thành mục tiêu 8 triệu khách ngoại năm nay.
Ngoài ra, Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường Outbox Đặng Mạnh Phước cho rằng Việt Nam cần “chủ động thu hút khách Trung Quốc sau khi công dân nước này có thể đi khắp thế giới”. Ông nói đây là một vấn đề cấp bách. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn còn có quá ít thông tin về thị trường cũng như triển khai thành công các chiến dịch quảng bá, thu hút khách Trung Quốc.
Phương Anh