Việt Nam đón hơn một triệu lượt khách quốc tế trong tháng 7, cao nhất sau dịch, một phần nhờ chính sách của chính phủ và sự quyết liệt của các đơn vị lữ hành, theo chuyên gia. – Du lịch
Theo Tổng cục Thống kê hôm 29/7, tháng 7 Việt Nam đón hơn một triệu lượt khách quốc tế, trở thành tháng đón lượng khách cao nhất từ khi mở cửa lại vào 15/3/2022. Lượng khách tăng 6,5% so với tháng 6, gấp ba lần cùng kỳ 2022. Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ vì tháng 7 hàng năm là mùa thấp điểm và mùa cao điểm khách quốc tế thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4.
Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết trước dịch, lượng khách đến Việt Nam thường thấp nhất là tháng 6, tháng 7 tăng dần. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất là tháng 11, hơn 1,8 triệu lượt và tháng 6 thấp nhất, với hơn 1,1 triệu lượt, theo Cục Du lịch Quốc gia. Hiện tỷ lệ phục hồi khách du lịch so với cùng kỳ năm 2019 cao dần, tháng 7 đạt hơn 70% còn tháng 6 là 66%, các tháng về trước thấp hơn.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng, tháng 7 đón lượng khách cao nhất nhờ các thị trường hàng đầu của du lịch Việt đều tăng so với tháng trước như Hàn Quốc (6%), Trung Quốc (14%). Ngoài ra, sự tăng trưởng vượt bậc của du khách châu Âu với các thị trường chính Anh, Pháp, Đức cũng góp phần giúp đón hơn một triệu lượt khách quốc tế. Lượng khách từ Na Uy, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha đến Việt Nam đều tăng mạnh so với tháng 6, trong đó khách Na Uy tăng cao nhất (250,8%), rồi đến Bỉ (154%) và Đan Mạch (152%).
Ông Chính cho rằng “sự chỉ đạo quyết liệt” của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch góp phần cải thiện bức tranh du lịch. Trong hai năm 2022-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì các hội nghị nằm tìm cách tháo gỡ, hút khách cho ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hôm 14/7 ban hành đề án về phát triển một số mô hình du lịch đêm tại 12 tỉnh thành. Động thái này nhằm gợi ý cho các địa phương, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm du lịch mới, thu hút khách quốc tế.
Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết phục hồi du lịch là mong muốn của mọi cấp, từ trung ương đến địa phương. Một vấn đề mà các đơn vị luôn lo lắng khi lên kế hoạch đón khách quốc tế là chính sách visa. Vấn đề này đã được Quốc hội tháo gỡ khi cho phép kéo dài thời hạn e-visa từ 30 lên 90 ngày từ 15/8. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành thêm nghị quyết 82 về giải pháp thúc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững vào tháng 5.
Ngoài ra, nỗ lực và sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp du lịch đã tìm cách hút khách đến. Nhiều công ty lữ hành phối hợp với ngành hàng không trong nước mở ra các chương trình xúc tiến riêng, đến quảng bá tại các thị trường trọng điểm, theo ông Chính.
“Tất cả những yếu tố trên được trả lời bằng việc du lịch Việt Nam ngày một phục hồi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 vượt mốc một triệu lượt”, ông Quỳnh nói.
TAB đã làm một dự báo về lượng khách quốc tế đến từng tháng trong năm nay và số lượng khách thực tế “giống như dự báo”, theo ông Chính. Trong các tháng tới lượng khách tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh vào tháng 11 với khoảng 1,5 triệu lượt. Tháng 12 sẽ giảm, khoảng 1,4 triệu lượt khách vì trùng dịp Giáng sinh và năm mới của khách Tây. “Tháng 12 khách quốc tế vẫn đi du lịch nhưng giảm hơn đôi chút. Nhưng tháng 1-2 sang năm lại tiếp tục tăng”, ông Chính nói.
Để giữ được đà tăng trưởng, TAB mong chính phủ tạo chính sách thị thực thuận lợi hơn nữa như sớm mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, e-visa. Các địa phương cần quản lý tốt các điểm đến, hình thành những sản phẩm du lịch sáng tạo đáp ứng nhu cầu của khách và để khách có những trải nghiệm ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Truyền thông công ty Du lịch Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho biết tháng 7 Việt Nam đón lượng khách cao nhất từ trước dịch là “kết quả bước đầu của quá trình nỗ lực suốt thời gian qua của các ban ngành quản lý và doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, để có thể tiếp tục vượt đỉnh đón lượng khách cao hơn nữa, bà Thu cho rằng “vẫn còn nhiều nội dung cần chú trọng hơn nữa”, như chiến lược phát triển dài hạn, tạo sự khác biệt trong thương hiệu du lịch quốc gia và sản phẩm. Doanh nghiệp cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, sắc bén hơn trong chiến lược tiếp thị truyền thông trực tuyến đặc thù ở từng thị trường khách mục tiêu, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử du lịch, kích cầu điểm đến.
“Hai quý cuối năm chúng tôi sẽ đa dạng hóa các tuyến xuyên Việt, tập trung vào đặc trưng văn hóa, ẩm thực và sự độc đáo của các điểm đến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so các nước Đông Nam Á”, bà Thu nói. Tại TP HCM, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các tour gắn liền với đặc trưng, lịch sử của thành phố như sản phẩm tour thành phố xưa và nay, lịch sử Biệt động Sài Gòn, công trình kiến trúc cổ văn phòng UBNDTP, tour ẩm thực tại các nhà hàng, quán ăn đạt chứng nhận của Michelin Guide, tour sắc màu đêm thành phố. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường sự độc đáo trong các sản phẩm nghỉ dưỡng, du lịch biển để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngách trung – cao cấp Âu, Mỹ, Australia cho mùa cao điểm cuối năm.
Theo ông Hải Quỳnh, để tiếp tục thu hút khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc lớn nhất, mở một hành lang thông thoáng nhất chào đón khách đến. “Cần bám vào những định hướng, kế hoạch của chính phủ đã đưa ra, từ đó xây dựng nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch chất lượng gắn liền với nhu cầu của từng dòng khách khác nhau”, ông Quỳnh nói.
Phương Anh