Việt Nam lập kế hoạch hút 28 triệu khách nhà giàu Trung Quốc

Việt Nam có thể đón thêm 28 triệu lượt khách Trung chi tiêu cao mỗi năm bằng cách tăng các cửa hàng mua sắm, theo tính toán của doanh nghiệp. – Du lịch

Ngày 15/3/2023, chính phủ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2. Sau một năm, Việt Nam đón gần 1,8 triệu lượt khách Trung, đứng thứ hai trong thị trường gửi khách đến Việt Nam, nhưng mới bằng 31% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch Việt Nam, đánh giá Trung Quốc luôn là thị trường nguồn trọng điểm. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam dẫn đầu, với 5,8 triệu lượt khách ghé thăm trên tổng 18 triệu lượt khách quốc tế.

Từ trái qua, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPPG. Ảnh: Thanh Tùng

Từ trái qua, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPPG tại buổi trao đổi hợp tác với hai tập đoàn du lịch Trung Quốc hôm 29/3 tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Cục du lịch Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của khách Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm, đạt 890.000 lượt, tăng 635% so với cùng kỳ.

Khách Trung chi tiêu trung bình 1.022 USD cho một chuyến đi tại Việt Nam, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Năm 2019, tổng thu từ khách Trung tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 32% tổng thu từ khách quốc tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nhận định thị trường khách Trung Quốc còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Các sản phẩm du lịch tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của thị trường khách Trung Quốc chi tiêu cao.

Theo ông Hạnh, cứ 100 khách Trung Quốc phân khúc trung và cao cấp đi du lịch, 80% sẽ chi tiêu mạnh tay cho hoạt động mua sắm. Trong khi đó, các điểm du lịch yêu thích của khách Trung như Móng Cái, Nha Trang hay TP HCM còn thiếu nhóm khách này cũng như các điểm mua sắm để họ vung tiền.

CEO Công ty lữ hành quốc tế Fantasea Đào Việt Long nói trước dịch, Việt Nam là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc. Các địa phương thu hút khách Trung có Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có khoảng 20.000 khách Trung Quốc tới Nha Trang. Tuy nhiên, ngay cả khi đó Việt Nam chưa hấp dẫn được nhóm khách hàng trung và cao cấp Trung Quốc.

Từ trái qua, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPPG. Ảnh: Thanh Tùng

Khách Trung Quốc xuống sân bay quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Ánh Dương

Theo ông Long, khách Trung Quốc ưu tiên các điểm đến xa hoa, thuộc các nước phát triển, có sự khác biệt về văn hóa hoặc thỏa mãn nhu cầu giải trí, mua sắm. Du lịch Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản, dịch vụ chưa đa dạng, chưa kích thích được nhu cầu mua sắm của khách Trung.

Việt Nam luôn được coi là “điểm đến giá rẻ” của khách Trung do cách thức khai thác của ngành du lịch trước đây với những tour 0 đồng, tour giá rẻ đường bộ. Mức chi tiêu thấp còn xuất phát từ việc hầu hết các chương trình du lịch đều ngắn (4-5 ngày), phần lớn khách đi theo đoàn với dịch vụ trọn gói, ít chi tiêu bên ngoài.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết trong tháng 3 đã bắt tay với hai đối tác Trung Quốc để mở cửa hàng miễn thuế, phát triển sản phẩm du lịch mua sắm ở các điểm du lịch trọng điểm.

Cửa hàng miễn thuế tại cửa khẩu Bắc Luân, Móng Cái, Quảng Ninh dự kiến mở cửa cuối năm 2024. Hoạt động này được kỳ vọng đem về cho địa phương thêm 10 triệu khách Trung Quốc. Tại Nha Trang, cửa hàng miễn thuế nội đô ở trung tâm thành phố sẽ được đầu tư trong năm 2024 và khai trương đầu năm 2025, sẵn sàng đón 12 triệu khách quốc tế, trong đó 50% là khách Trung Quốc.

Ông Hạnh cho hay khi các cửa hàng miễn thuế đi vào hoạt động sẽ là thời cơ thu hút ngoại tệ của nhóm khách Trung cao cấp. Đại diện IPPG tính toán hai công ty đối tác sẽ đem vào thị trường Việt Nam khoảng 28 triệu lượt khách Trung Quốc mỗi năm, bằng 2% dân số nước này.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương ủng hộ việc phát triển mô hình cửa hàng miễn thuế ở Cam Ranh. Ông cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đường bay quốc tế từ các địa phương Trung Quốc đến Cam Ranh, Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc là cơ hội để đẩy mạnh hợp thương mại du lịch, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch Việt Nam, phục vụ du khách quốc tế. Nửa cuối 2023, khách quốc tế đến Việt Nam mỗi tháng đều vượt 1 triệu lượt. Quý I năm nay, Việt Nam đón 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với năm 2023.

Nhằm đạt mục tiêu cả năm đón 17-18 triệu khách, ngành du lịch ưu tiên liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, phát triển sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, bao gồm du lịch mua sắm.

Ông Khánh cho rằng trên thế giới có nhiều nước xây dựng thành công mô hình cửa hàng miễn thuế như ở Singapore, Hàn Quốc. Các cửa hàng miễn thuế không chỉ kích thích chi tiêu của du khách mà còn xây dựng thương hiệu mua sắm của điểm đến.

“Nếu được đầu tư và hoàn thành hiệu quả, các có sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, tăng trưởng đầu tư, thu hút lao động, mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp”, ông Khánh nói.

Bích Phương


Bài viết được đề xuất