Theo Lonely Planet, Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia với nhiều nghi thức, đôi khi gây khó chịu cho du khách. Tuy nhiên, người dân địa phương thực sự không quá khắt khe với du khách nước ngoài. Dưới đây là một số kinh nghiệm Lonely Planet đưa ra để du khách có một chuyến đi tốt đẹp.
Đặt chỗ trước và tới đúng giờ
Du khách nên đặt chỗ nghỉ sớm, đặc biệt vào những dịp cao điểm như tuần đầu tiên của tháng 1, lễ hội hoa anh đào (cuối tháng 3 đến tháng 4 tùy thời điểm), tuần lễ vàng (29/4-5/5) hay trong tháng 8.
Đến đúng giờ là điều quan trọng nếu du khách chọn ở trong những ryokan (nhà trọ truyền thống của Nhật) bởi họ thường có thời gian nhận phòng cố định. Sau thời gian này, nhân viên có thể vắng mặt và phòng không được dọn.
Chuẩn bị hành lý
Phòng nghỉ ở Nhật thường nhỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn nên không có nhiều chỗ cho những vali cồng kềnh. Ngoài ra, việc mang vali to cũng gây bất tiện cho du khách khi sử dụng phương tiện công cộng. Du khách nên đóng hành lý gọn nhẹ khi du lịch Nhật Bản.
Các điểm tham quan tôn giáo như chùa Phật giáo hay đền thờ Thần đạo thường không có quy định về trang phục. Các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ cao cấp đôi khi có một số quy định nhưng thường chỉ yêu cầu không mặc áo ba lỗ, đi sandal. Tuy nhiên, việc ngồi ăn trên sàn nhà ở Nhật khá phổ biến nên du khách cần cân nhắc chọn những trang phục thoải mái, tránh đồ chật, ngắn.
Mua SIM dung lượng dữ liệu cao
Các địa chỉ ở Nhật Bản nổi tiếng là khó định hướng, ngay cả với người địa phương. Vì thế, du khách nên mua SIM với dung lượng dữ liệu cao để sử dụng định vị trong quá trình du lịch.
Mang giày dễ cởi
Bên cạnh yếu tố thoải mái, du khách nên chọn những đôi giày, dép dễ cởi. Tới Nhật, du khách thường đến thăm các điểm tham quan tôn giáo, nhà trọ truyền thống và ăn nhà hàng.
Các điểm này thường yêu cầu bỏ giày, dép bên ngoài và sử dụng dép riêng. Du khách có thể đi tất để tránh việc tiếp xúc khi sử dụng chung dép với người khác.
Học cách sử dụng bồn cầu
Ở Nhật, bồn cầu điện tử rất phổ biến với chức năng làm sạch chỉ với một nút ấn. Tuy có một số rào cản ngôn ngữ, việc sử dụng bồn cầu này tương đối đơn giản.
Ngoài ra, một số đặc trưng ở nhà vệ sinh Nhật Bản cũng có thể khiến du khách bối rối như máy âm thanh kích hoạt bằng cảm biến chuyển động trong nhà vệ sinh nữ, giúp giấu đi các tiếng ồn nhạy cảm. Nhà vệ sinh cũng thường thiếu khăn và không có máy sấy tay nên du khách cần chủ động chuẩn bị.
Mang theo tiền mặt
Nếu đến các vùng nông thôn, thẻ tín dụng hay thanh toán điện tử có thể không được chấp nhận. Do đó, du khách nên chuẩn bị sẵn tiền mặt. Cách thanh toán tiền "chuẩn người Nhật" là đặt tiền, thẻ vào khay cạnh quầy tính tiền thay vì trả trực tiếp cho nhân viên thu ngân.
Bên cạnh đó, người Nhật cũng không có văn hóa nhận tiền boa. Trong hóa đơn, thông thường, các nhà hàng đã tính thêm một khoản "phí dịch vụ cố định" khoảng 2,5-4,5 USD mỗi người.
Đứng bên nào?
Khi sử dụng thang cuốn, du khách luôn phải đứng về một bên, tùy thuộc vào địa điểm. Ví dụ, ở Kanto và khu vực phía đông, đó là bên trái nhưng tại Kansai và khu phía tây, bạn cần đứng bên phải.
Chuyến tàu cuối cùng
Tàu điện ngầm trong thành phố chạy muộn nhất tới 1h. Nếu lỡ chuyến này, du khách chỉ còn lựa chọn gọi taxi và điều đó sẽ khá tốn kém.
Buổi sáng ở Tokyo
Đối với người Tokyo, đi làm buổi sáng không khác gì chơi thể thao. Vào các ngày trong tuần, từ 7h30 tới 9h, hàng triệu người chen chúc trên các chuyến tàu trong thành phố. Đôi khi, nhân viên nhà ga phải hỗ trợ để đảm bảo mọi người đều có chỗ. Ga Shinjuku nổi tiếng nhộn nhịp nhất thế giới, đón trung bình 3,5 triệu hành khách mỗi ngày và có hơn 200 lối ra vào.
Học một số từ cơ bản
Tiếng Anh khá phổ biến ở những thành phố và điểm du lịch. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, ngôn ngữ này có thể không hữu ích. Thay vào đó, du khách nên học một số cụm từ cơ bản để giao tiếp như "sumimasen" (xin lỗi), arigato (cảm ơn), toire (nhà vệ sinh), mochikaeri (mang về), tennai de (ăn tại chỗ).
Hoài Anh (Theo Lonely Planet)