Vào mùa đông, du khách khá giả sẽ đến Truy Bác dự tiệc thịt nướng rồi đổ xô đến Cáp Nhĩ Tân chiêm ngưỡng băng đăng. Sau đó, họ lại thưởng thức món mì tê siêu cay và lẩu. Hiện, giới này đổ về Thành Đô để ngắm hoa anh đào và cải nở rộ vào mùa xuân.
Giống như các loài hoa đang khoe sắc vàng, hồng ở Thành Đô, sự phục hồi của du lịch nội địa tại Trung Quốc được đánh giá "là một điều đáng chú ý" trong năm qua. Tuy nhiên, triển vọng chi tiêu của tầng lớp trung lưu 500 triệu người ở Trung Quốc vẫn còn u ám, ngay cả khi chính quyền địa phương khắp nước triển khai các sáng kiến mới để thúc đẩy chi tiêu.
Từ 2023, Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp thúc đẩy chi tiêu nhiều ngành, trong đó có du lịch nhằm khôi phục nền kinh tế đang suy thoái sau dịch. Tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi tiền cho giáo dục và du lịch nhưng triển vọng có thêm việc làm lại "chưa có gì chắc chắn".
Hơn nữa, suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang buộc một số người thắt chặt thêm hầu bao.
Thomas Ma, 41 tuổi sống tại Quảng Đông và vừa thất nghiệp, là một trong số này. Ma lấy tiền đền bù thôi việc để trả nợ bớt các khoản vay mua nhà, tiêu dùng, ôtô. Anh cũng đang rao bán một trong ba bất động sản của mình - một căn hộ có giá 500.000 tệ (gần 1,75 tỷ đồng). Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 800.000 tệ (2,8 tỷ đồng) có người từng trả vài năm trước.
Ma vẫn có ý định đầu tư học hành cho con cái nhưng đang tìm cách cắt giảm chi tiêu hàng ngày, hạn chế mọi chuyến du lịch của gia đình. "Chi phí học hành mỗi tháng cho một học sinh cấp 2 là 4.000 tệ (14 triệu đồng). Tôi có hai đứa con", Ma nói.
Một khảo sát hằng năm của nhà kinh tế tài chính Wu Xiaobo chỉ ra tài sản của 43% tầng lớp trung lưu độ tuổi 25-45 (những người kiếm ít nhất 200.000 tệ mỗi năm) bị sụt giảm trong năm 2023, khiến họ thận trọng hơn trong chi tiêu. Con số sụt giảm tài sản của năm 2022 là 31% và năm 2021 là 8%. Gần 50% người được hỏi thuộc tầng lớp trung lưu nói rằng du lịch chiếm phần lớn chi tiêu tiêu dùng của họ trong năm 2023.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thiếu niềm tin nói chung vào thị trường bất động sản, tài chính là lý do khiến người Trung Quốc ngần ngại rút ví hơn. Ngoài ra, dù mức tiêu dùng du lịch tăng lên, mục tiêu dựa vào người tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia "khó có thể là một quá trình dễ dàng". Đặc biệt khi du lịch không phải lúc nào cũng đáng tin để duy trì nền kinh tế địa phương.
Yan Xu, Phó giám đốc Cục Văn hóa và Du lịch Truy Bác, thành phố nổi tiếng hút khách đến thưởng thức món thịt nướng, thừa nhận lượng khách du lịch đến thành phố tăng vọt gần đây sẽ không kéo dài mãi.
Ngay cả những thành phố du lịch hút khách hàng đầu cũng không phải điểm tựa uy tín, thu hút doanh thu lớn cho ngành du lịch, theo các nhà phân tích tại cơ quan xếp hạng tại Trung Quốc - CSCI Pengyuan. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều điểm đến đã phải dựa vào trợ cấp của chính phủ thay vì tự chủ doanh thu. Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities, hoài nghi về sự phục hồi của du lịch Trung Quốc, sau khi so sánh số lượng khách du lịch dịp Tết Nguyên đán kéo dài một tuần năm nay và 2019. Mức phục hồi du lịch chỉ bằng 50% so với trước dịch.
"Đừng đặt hy vọng vào tăng trưởng tiêu dùng năm nay vì tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập của người dân và tỷ lệ trả nợ. Hai chỉ số này đều không tốt", Li nói.
Anh Minh (Theo SCMP)