Công ty nghiên cứu dữ liệu du lịch ForwardKeyes chỉ ra các chuyến du lịch quốc tế có lượng đặt vé, phòng từ 27/4 đến 5/5 của người Trung Quốc, chỉ thấp hơn 7% so với năm 2019 - giai đoạn đỉnh cao. Theo Trip.com Group, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất nước, số lượt tìm kiếm về các chuyến bay quốc tế dịp này tăng 56% so với cùng kỳ 2023.
Tuần lễ vàng hay kỳ nghỉ Quốc tế Lao động 1/5 kéo dài 5 ngày (1-5/5) là kỳ nghỉ lễ lớn ở Trung Quốc, cùng với Tết Nguyên đán và quốc khánh. Xu hướng chi tiêu trong giai đoạn này của người dân được coi là một trong những chỉ báo chính xác để đánh giá nền kinh tế đất nước.
Các điểm đến phổ biến gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore. Trong đó Thái - Malaysia - Singapore là 3 quốc gia miễn thị thực song phương với Trung Quốc. Sau dịch, nhiều đường bay quốc tế nối lại với thị trường Trung Quốc, giúp giá vé hạ thấp và thúc đẩy nhu cầu du lịch. Sự phục hồi du lịch quốc tế của người Trung Quốc nhanh hơn so với dự báo hồi đầu năm. Trở ngại chính khiến các chuyến bay quốc tế tại Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn là thiếu khách quốc tế đến.
Khách Trung Quốc ưa chuộng Nhật Bản vì đồng yen đang suy yếu, giúp họ có các chuyến đi giá rẻ nhưng vẫn được sử dụng các dịch vụ cao cấp. Gần nửa triệu lượt khách Trung đã đến Nhật trong tháng 3, đạt 65% so với năm 2019.
Tại châu Âu, Italy là điểm đến yêu thích của khách Trung với số lượng đặt các chuyến đi tăng 19% so với trước dịch, tiếp theo là Anh với mức tăng 12%. Trung Đông cũng là điểm đến được người dân nước này "để mắt" tới và UAE là điểm đến hàng đầu trong khu vực cho các chuyến đi dịp 1/5.
Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng, e ngại khi đi du lịch của khách Trung Quốc không còn nặng nề như trước đó. Nhu cầu đi chơi đang phục hồi bất chấp lo ngại nền kinh tế ảm đạm.
Du lịch nội địa Trung Quốc đang bùng nổ. Các công ty du lịch báo cáo về lượng đặt phòng khách sạn và phương tiện đi lại gia tăng so với năm ngoái. Doanh thu bán vé máy bay vượt mức trước dịch 4% (so với cùng kỳ tháng 4). Theo CCTV, khách du lịch nước này đã chi 1,52 nghìn tỷ tệ (210 tỷ USD) trong quý I, tăng 17% so với cùng kỳ 2023.
Vé tàu du lịch nội địa cũng được bán hết nhanh chóng dịp nghỉ lễ. Các ga xe lửa chính tại Thượng Hải dự kiến phục vụ 4,24 triệu chuyến đi trong 8 ngày dịp nghỉ lễ 1/5. Phía đơn vị khai thác đang mở thêm các tuyến tàu để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng đột biến của khách.
Trip.com chỉ ra ngoài các điểm đến nội địa tiêu biểu là Bắc Kinh, Thượng Hải. Người dân Trung Quốc cũng đến các thành phố nhỏ hơn như Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc hay Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Lứa tuổi đi du lịch dịp này chủ yếu là sinh viên hoặc trong độ tuổi 20-30 tuổi. Họ đi du lịch để tham dự các buổi hòa nhạc, lễ hội, hoạt động ngoài trời như leo núi.
Ngoài du lịch, chi tiêu cho các mặt hàng khác đang bị chậm lại tại Trung Quốc do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế. Chính phủ đang khuyến khích người dân chi tiêu để kích cầu bằng cách trợ cấp 10.000 tệ (1.380 USD) cho mỗi người để thay thế ôtô cũ sang xe điện hoặc xe hybrid.
Dữ liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới chỉ ra năm 2019 khách Trung Quốc thực hiện 170 triệu chuyến đi quốc tế, chi tiêu chiếm 14% doanh thu du lịch toàn cầu. Du lịch quốc tế của khách Trung được dự đoán "sẽ ổn định" trong năm nay và phục hồi hoàn toàn vào năm 2025.
Anh Minh (Theo SCMP, Nikkei)