Chuyên gia nhận định xe điện có thể thúc đẩy du lịch ở TP HCM như xe tuktuk ở Thái Lan, nhưng cần có điểm dừng đậu, sơ đồ tuyến và mở rộng vùng hoạt động. – Du lịch
Tháng 4, TP HCM đưa vào thí điểm 70 ôtô điện (buggy) chở khách tham quan khu trung tâm, là một trong 35 địa phương trong cả nước được Thủ tướng đồng ý thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế, với 3.488 phương tiện.
Mỗi xe điện ở TP HCM chở tối đa 8 khách, giá vé mỗi chuyến xe 120.000-250.000 trong 30 phút. Xe hoạt động hằng ngày từ 6h đến 24h, thí điểm đến hết năm 2025.
Ông Vũ Duy Anh, Giám đốc công ty TNHH Saigon Public Transport, đơn vị vận hành, cho biết sau một tháng hoạt động, số du khách biết đến dịch vụ đang tăng. Tỷ lệ khách nội địa và khách quốc tế sử dụng dịch vụ tương đương. Theo ông Duy Anh, các xe điện buggy kích thước nhỏ, phục vụ thuận tiện cho các chuyến đi ngắn trong nội đô, tiếp cận du khách dễ hơn so với các phương tiện du lịch 16-45 chỗ.
Xe buggy cũng dễ dàng tiếp cận với các hệ thống khách sạn và di chuyển phù hợp đường sá diện tích hẹp ở TP HCM. Một điểm cộng khác của loại xe này là sử dụng năng lượng xanh. Phương tiện giúp du khách thuận tiện trải nghiệm, tiếp cận các điểm tham quan, mua sắm, các khu vực ẩm thực, khám phá các ngõ ngách, qua đó góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của thành phố.
Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho biết dự án xe điện 4 bánh có chủ đích ban đầu là tham gia vận tải hành khách nội đô theo hình thức như xe tuktuk Thái Lan. Sau đó dự án gặp một số vướng mắc về cấp phép lưu thông đường bộ, chỉ được chạy một số tuyến đường nên chuyển qua phục vụ khách du lịch tham quan ở quận 1, 3 và 5. Ông Huy đánh giá đây là một giải pháp đi lại tốt cho du khách, sử dụng thay thế các phương tiện công cộng hiện có trong thành phố.
Đại diện đơn vị vận hành xe điện cho hay nếu so với tuktuk của Thái Lan, xe điện 4 bánh ở TP HCM có sự tương đồng về kích thước nhỏ gọn, cũng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại của cả du khách và người dân địa phương. Theo ông Duy Anh, nhiều thành phố khác trên thế giới như ở Brussel, Bỉ, hay một số thành phố ở Italy cũng phát triển loại xe nhỏ gọn giống tuktuk trong giao thông công cộng và du lịch.
Ông Duy Anh chỉ ra một số khác biệt là xe ở TP HCM sử dụng điện, xe tuk tuk của Thái chạy bằng xăng hoặc ga. Về chỗ ngồi, xe điện 4 bánh thiết kế thêm bàn nhỏ, tuk tuk chỉ có băng ghế ngồi. Về chi phí, giá đặt xe tuk tuk khác nhau tùy theo độ dài quãng đường và du khách phải “mặc cả”. Xe điện 4 bánh ở TP HCM được niêm yết giá, tính theo từng chuyến.
Bên cạnh những điểm tích cực, đại diện đơn vị vận hành xe điện cho hay công ty cũng gặp một số bất cập trong quá trình vận hành. Đầu tiên là chưa thiết lập được các bến đón, trả khách tại các điểm du lịch. Ông Duy Anh lấy ví dụ nhóm du khách đi tour tham quan các di tích ở quận 1, trong hành trình có nhu cầu dừng chụp ảnh nhưng xe không có bãi, bến đậu phù hợp, khó sắp xếp cho khách dừng chân. Không có các điểm đón khách cố định khiến khách vãng lai không đặt trước khó tìm xe.
Thứ hai là vùng hoạt động của xe điện còn hạn chế. Trong thời gian xây dựng và xin chủ trương triển khai ở giai đoạn 1, các xe buggy chỉ hoạt động ở quận 1 và kết nối với khu vực Chợ Lớn (quận 5). Trong khi đó, ngoài các địa danh ở trung tâm, còn nhiều điểm đến thu hút khách nằm ở khu vực lân cận tại quận 3, quận 10.
Trong dự án được phê duyệt, thành phố cho phép công ty triển khai 200 xe. Hiện, công ty đã đưa vào hoạt động 70 xe. Dự kiến trong 3 đến 6 tháng, nếu có sự hưởng ứng từ người dân và du khách, công ty sẽ mở rộng vùng hoạt động ra khu vực quận 3 và quận 10.
Long Hoàng, sống tại TP HCM, cho biết đã trải nghiệm xe điện 4 bánh vào cuối tháng 4. Anh nói có cảm giác như đi xe 7 chỗ nhưng là không gian mở với cửa sổ lớn, có khóa chốt. Hành khách ngồi trên xe cũng được yêu cầu thắt dây an toàn. Trên xe có thiết kế chỗ để chai nước. Anh Long đánh giá di chuyển bằng xe điện “ngắm phố phường thoải mái, mức giá rẻ nếu đi theo nhóm đông”.
Anh Nguyễn Trần Hiếu, 28 tuổi, sống tại TP HCM, từng du lịch Thái Lan nhiều lần, cho hay xe tuktuk nổi tiếng xứ chùa Vàng, sẵn có, dễ tìm nhưng kém an toàn do không có đai. Du khách không trả giá có thể bị tài xế xe tuk tuk “chặt chém”.
Ông Trần Tường Huy cho rằng nếu để chuyên phục vụ khách du lịch bằng phương tiện này thì cần quy hoạch thành một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ, có thể xây dựng thêm gói tham quan khu vực Chợ Lớn vào buổi tối. Tại Thái Lan, tuktuk không chỉ là phương tiện đi lại, du khách có thể đặt nhiều tour tham quan, tour khám phá ẩm thực bằng phương tiện này.
Theo ông Huy, công ty vận hành xe điện nên xây dựng sản phẩm riêng sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với các công ty lữ hành. Bởi, chi phí vé bán ra không cao và hầu hết công ty du lịch đều có đội xe đưa đón khách trong nội đô. Sản phẩm xe điện phù hợp với khách tự do hoặc khách đi tour trống lịch vào buổi tối.
Ngoài ra, cần tổ chức điểm bán vé tại chỗ thay vì chủ yếu bán tại các khách sạn như hiện nay. Hệ thống xe cũng cần thiết kế sơ đồ điểm đón, trả cụ thể. Theo ông Huy, quy hoạch đô thị hiện chưa có điểm đón trả dành riêng cho loại phương tiện này. Trong tương lai có thể tận dụng điểm đón, trả xe buýt, xây dựng sơ đồ tuyến điểm cho xe điện.
Ông Huy nhận định phương tiện này có thể phát triển hơn nữa vì tối ưu hóa thời gian tham quan, di chuyển cho khách. Xe điện thịnh hành có thể thúc đẩy khách đi lại, tăng chi tiêu về du lịch, khách sẽ chịu khó ra ngoài tham quan, đi lại giữa các điểm mua sắm.
“Cần cân nhắc về yếu tố an toàn, nên có thêm giỏ để tư trang cho hành khách trên xe, tránh nạn cướp giật”, ông Huy nói.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay đưa hệ thống xe điện vào phục vụ du khách đi lại, tham quan các điểm văn hóa, du lịch kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngành dịch vụ du lịch thành phố. Xe điện sử dụng tại các thành phố du lịch cũng là xu hướng chung của du lịch thế giới, hướng tới du lịch xanh và bền vững.
Bích Phương