Xót xa vì bãi biển Mỹ Khê sạt lở

Biển lấn sâu vào đất liền, kéo đổ nhiều cây xanh, làm lộ hệ thống hạ tầng ngầm. Ảnh: Nguyễn Đông

Đà Nẵng- Bãi biển Mỹ Khê bị xâm thực khiến du khách xót xa cho cảnh đẹp bị tàn phá, hộ kinh doanh du lịch ven biển chịu thiệt hại vì sóng cuốn trôi nhiều tài sản. – Du lịch

Đến Đà Nẵng du lịch vào hôm 5/1, Nguyễn Thu Trang, 30 tuổi, ở Hà Nội, không khỏi ngỡ ngàng khi bãi cát nơi chị và gia đình từng chụp ảnh và tắm biển giờ đây bị sóng cuốn đi gần hết.

“Dù không phải là người địa phương, nhưng tôi cảm thấy buồn khi nhìn biển Mỹ Khê đang bị xâm thực và sạt lở”, Trang nói.

Trước đó, ngày 30/12, Đà Nẵng hửng nắng sau đợt mưa lạnh kéo dài do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh. Người dân, du khách đổ ra biển Mỹ Khê vui chơi và bất ngờ thấy vệt bờ biển dài gần 100 m nằm ven đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà bị sạt lở.

Bãi biển Mỹ Khê dài khoảng 900 m, nằm trên trục đường lớn Võ Nguyên Giáp, cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô. Mỹ Khê từng được mệnh danh là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Khu vực bị sạt lở ở bãi biển này tập trung nhiều khách sạn lớn. Sóng ăn sâu đất cát tới chân bờ kè, một số vị trí bị khoét sâu tạo thành hàm ếch, cây xanh bật gốc, ngã đổ ra phía biển.

Một số cửa hàng, kiốt kinh doanh bị sóng đánh sập nằm ngổn ngang, nhiều chủ cơ sở huy động người đóng cọc tre, dùng bao cát lớn để che chắn nhưng bất lực trước các đợt sóng lớn.

Biển lấn sâu vào đất liền, kéo đổ nhiều cây xanh, làm lộ hệ thống hạ tầng ngầm. Ảnh: Nguyễn Đông

Biển lấn sâu vào đất liền, kéo đổ nhiều cây xanh, làm lộ hệ thống hạ tầng ngầm. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhiều du khách lo ngại rằng hiện tượng sạt lở không chỉ làm mất đi cảnh quan mà còn tăng nguy cơ gây mất an toàn khi tắm biển. Minh Tuấn, 32 tuổi, ở TP HCM, nói biển bị xâm thực, bờ cát ngày càng thu hẹp, bãi tắm không còn cạn và an toàn như trước.

Michelle, 29 tuổi, du khách Anh cho biết đã nghe nhiều về vẻ đẹp và du lịch biển tại Đà Nẵng, chứng kiến bãi biển bị sạt lở thật đáng tiếc.

“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch của chúng tôi mà còn đến tương lai của những người làm dịch vụ tại địa phương”, Michelle nói.

Sạt lở biển không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây thiệt hại lớn cho các chủ kinh doanh như trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ven biển. Đối với nhiều hộ kinh doanh ven biển, đây không chỉ là một thách thức về tài chính mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại.

Theo thống kê của Ban quản lý rừng Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng, sạt lở gây thiệt hại cho hơn 19 hộ kinh doanh với số tiền gần 500 triệu đồng. Nhiều hàng quán phải đóng cửa vĩnh viễn chờ bố trí địa điểm kinh doanh mới trong cao điểm đón khách vào các dịp lễ Tết đang đến gần.

Anh Trần Văn Quý, chủ hộ kinh doanh tại biển Mỹ Khê, cho biết đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào cơ sở vật chất, xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ du khách. Khi sóng đánh sập hàng quán và cuốn trôi hết tài sản ra biển, anh “trắng tay” qua một đêm.

“Kinh doanh hơn 30 năm tại đây nhưng lần đầu thấy sóng biển xâm thực, làm sập bờ kè và kiốt dù đã đóng cọc sắt, gia cố nhiều bao tải cát để ngăn sóng, nhưng không giữ được”, anh Quý nói.

Trước tình hình này, các cơ sở kinh doanh trên bãi biển Mỹ Khê mong muốn giới chức có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ tài sản, khôi phục môi trường, cũng như tăng cường công tác dự báo và cảnh báo sạt lở biển để giảm thiểu thiệt hại.

Cách điểm sạt lở ở biển Mỹ Khê khoảng 3 km về hướng bán đảo Sơn Trà, bãi tắm Mân Thái ở quận Sơn Trà cũng bị sạt lở dài khoảng 50 m. Ảnh: Nguyễn Đông

Cách điểm sạt lở ở biển Mỹ Khê khoảng 3 km về hướng bán đảo Sơn Trà, bãi tắm Mân Thái ở quận Sơn Trà cũng bị sạt lở dài khoảng 50 m. Ảnh: Nguyễn Đông

Để ứng phó với sạt lở, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn, tập trung chèn chống, di dời các cây dừa có nguy cơ đổ đến vị trí khác để tránh thiệt hại.

“Ban quản lý cũng đề xuất các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và có giải pháp lâu dài như kè kiên cố để bảo vệ bãi biển Đà Nẵng, chống sạt lở”, đại diện Ban quản lý nói, đồng thời cho biết các biện pháp phòng ngừa như gia cố bờ biển, xây dựng đê chắn sóng chỉ là giải pháp tình thế, tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố thiên nhiên ngày càng khó lường khiến công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Việc sạt lở biển không chỉ ảnh hưởng đến các chủ kinh doanh mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch biển, vốn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Nhật Nam, hướng dẫn viên địa phương, cho biết biển Mỹ Khê bị hạn chế khai thác buộc tour phải tìm cách thay đổi lịch trình, điều chỉnh thời gian tham quan và giảm bớt các hoạt động ngoài trời.

“Điều này không chỉ làm mất đi trải nghiệm của du khách mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh về Đà Nẵng vốn nổi tiếng với những bãi biển đẹp”, Nhật Nam nói và cho biết các sự cố môi trường cũng là lý do khiến khách quyết định không quay lại vào mùa sau.

Giảng viên du lịch tại một trường đại học ở TP HCM nhận định việc bãi biển Mỹ Khê bị xâm thực, sạt lở, ảnh hưởng phần nào đến du lịch, nhất là ở góc độ mỹ quan.

Tuy nhiên, tính tác động ở hiện tại không quá lớn. Đà Nẵng đang mùa mưa nên không nhiều du khách chọn các hoạt động vui chơi trên bãi biển. Du khách đến Đà Nẵng ngoài tắm biển còn có nhiều lựa chọn khác như thưởng thức ẩm thực, khám phá văn hóa hoặc di chuyển đến các điểm lân cận là Huế và Hội An.

Tiến sĩ Trần Thanh Tâm, Giảng viên Trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường TP HCM, cho biết để ứng phó với các vấn đề xâm thực, sạt lở của Đà Nẵng cần làm rõ nguyên nhân và đánh giá tác động. Để xác định chính xác nguyên nhân xâm thực, phải có chuyên gia đo đạc thực địa bờ biển, phân tích độ mặn nước biển. Để xác định mức độ ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch, con người, cần xem xét khu vực bị xâm thực đang có các hoạt động gì.

Theo ông Tâm, nguyên nhân dẫn đến sóng lớn, sạt lở ở Đà Nẵng hiện nay đa phần liên quan đến các vấn đề khí hậu như chênh lệch áp của các dòng lưu khí hoặc chênh lệch các dòng hải lưu. Sóng lớn bất thường và ăn sâu vào bờ mùa mưa là cực đoan do biến đổi khí hậu chung toàn cầu. Đây là mối trăn trở với nhiều điểm đến khắp thế giới, không riêng Đà Nẵng.

Ông Tâm cho hay một số điểm đến ven biển thành công trong việc bảo vệ con người, tài sản, cảnh quan và nguồn nước không bị nhiễm mặn, là hình mẫu cho các điểm đang bị đe dọa tham khảo, điển hình có Amsterdam, Hà Lan.

Amsterdam thấp hơn mực nước biển nhưng được bảo vệ bởi hệ thống đê biển Delta khổng lồ. Tại các cửa sông chính của Hà Lan đều có đập chặn và bờ biển được thu ngắn lại còn khoảng 500 km. Các bờ kè cũ đều được xây cao hơn để bảo vệ thành phố khỏi những cơn bão lớn. Hà Lan cũng xây dựng một hệ thống đê bao, bờ kè chắn sóng chạy dọc bờ biển và các cửa sông ở vùng đồng bằng Rhine-Meuse-Scheldt để ngăn chặn nước biển xâm lấn vào đất liền.

“Để tránh xâm thực làm tổn hại, các công trình ven biển cần có lộ trình quy hoạch trong 20-50 năm”, ông Tâm nói.

GS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên Môi trường đánh giá tình trạng xâm thực bãi biển tại Đà Nẵng đang là một vấn đề nghiêm trọng và nếu không được giải quyết kịp thời, có thể làm giảm sức hút của thành phố trên bản đồ du lịch biển toàn cầu. Nếu tình trạng xâm thực tiếp tục diễn ra, việc bãi biển bị thu hẹp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của du khách mà còn gây thiệt hại đáng kể cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng và các dịch vụ du lịch ven biển.

Ông Quyền dẫn chứng một khảo sát của Trung tâm Du lịch Đà Nẵng vào năm 2021, có 23% du khách quốc tế bày tỏ lo ngại về tình trạng xâm thực bờ biển, cho thấy vấn đề này đang tác động trực tiếp đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

“Điều này cho thấy nếu không có những giải pháp kịp thời để bảo vệ và phục hồi bờ biển, Đà Nẵng có thể đánh mất niềm tin của du khách quốc tế”, ông Quyền nói.

Tuấn Anh – Bích Phương


Bài viết được đề xuất