Thủ đô Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trong thời gian qua, sự phát triển du lịch của Hà Nội đã đóng góp tích cực cho phát triển ngành du lịch Việt Nam. Hà Nội đã đón khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như Telegraph (Anh), CNN (Mỹ), BBC (Anh), Discovery Channel (Mỹ),… đã đánh giá và công nhận các giá trị văn hóa, di sản, ẩm thực là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cao đối với khách du lịch khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô. Quận Hoàn Kiếm là quận duy nhất của Hà Nội sở hữu Khu phố cổ nơi chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử lâu đời nhất của kinh đô Hà thành xưa. Quận Hoàn Kiếm cũng được xem là trung tâm giao thương buôn bán, gắn kết với các quận huyện nội thành, khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận. Những yếu tố này đã thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế – văn hóa – du lịch, là ưu thế đặc biệt của quận Hoàn Kiếm so với những quận, huyện khác của Thủ đô.
Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã khẳng định vai trò là trọng điểm du lịch của Thủ đô, thu hút lượng khách du lịch đông nhất tới tham quan, lưu trí, giải trí trên địa bàn, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế, quận Hoàn Kiếm chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị to lớn của tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Khu phố cổ với nhiều nghề truyền thống đang bị mai một dần, những giá trị văn hóa lâu đời của người dân Hà thành đang dần bị mất đi bởi quá trình đô thị hóa. Nhiều di tích lịch sử bị xuống cấp. Những tài nguyên văn hóa có giá trị trong việc tạo nên nét đặc trưng hấp dẫn riêng đang trở nên mờ nhạt.
Quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố nói chung đang thiếu những không gian xanh để đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong khi nhiều khu vực có tiềm năng phát triển vẫn bị bỏ không do bị hạn chế bởi các vấn đề pháp lý trong quy hoạch, đầu tư phát triển, nhất là khu vực bãi giữa sông Hồng.
Với vị trí là một trong bốn quận trung tâm Thủ đô, quận Hoàn Kiếm sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn và độc đáo, trong đó có khu vực Bãi Giữa sông Hồng gần như chưa được khai thác cho mục đích du lịch và có thể nói là đang “lãng phí tài nguyên”. Do đó, việc nghiên cứu quy hoạch đầu tư phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với không gian du lịch quận Hoàn Kiếm và các quận xung quanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết để tạo nên sức hấp dẫn mới cho Thủ đô, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển du lịch của Thủ đô và phù hợp với xu thế phát triển mới của du lịch trong nước và thế giới.
Trong khuôn khổ hội thảo này, tôi xin đưa ra một vài suy nghĩ ban đầu liên quan đến phát triển khu vực Bãi Giữa sông Hồng trở thành một không gian xanh cho phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đậm chất Thủ đô phục vụ khách du lịch và người dân Thủ đô.
Bãi giữa sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm nằm dưới chân cầu Long Biên lịch sử, có tổng diện tích khoảng 57,38 ha. Bãi giữa sông Hồng trong mấy chục năm qua chưa bị ngập úng, một phần được người dân khai hoang trồng hoa màu như ngô, rau, chuối,… một phần là đất hoang cỏ lau mọc um tùm. Đây là khu vực không gian xanh rộng lớn, một phần thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phần còn lại thuộc quận Long Biên) và có tiềm năng rất lớn với nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá có thể khai thác để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Thành phố Hà Nội, và làm đẹp thêm Thủ đô nghìn năm văn hiến của nước ta.
Trong điều kiện không gian du lịch khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm đang ngày càng trở nên chật hẹp, thì việc mở rộng không gian du lịch, giải trí ra khu vực Bãi Giữa sông Hồng có tầm quan trọng đặc biệt, vừa giúp khai thác hiệu quả quỹ đất vừa phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế về vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng và khu vực đô thị hai bên bờ sông Hồng, để hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, giải trí độc đáo, hấp dẫn của Thủ đô.
Đặc điểm đặc biệt của khu vực Bãi Giữa sông Hồng là có cây cầu
Long Biên hơn 100 tuổi lịch sử chạy qua, lại nằm ngay cạnh khu vực 36
phố phường nhộn nhịp. Do đó, cần quy hoạch tổng thể không gian khu vực
này theo hướng lấy cây cầu Long Biên là trục cảnh quan tạo ra không gian
mở, xanh với hai bên là khu vực Bãi Giữa làm điểm đến vui chơi, giải
trí và thư giãn đầy hấp dẫn của Thủ đô.
Quy hoạch bảo tồn
và phát huy cầu Long Biên như một bảo tàng sống, sân khấu biểu diễn
thực cảnh văn hóa nghệ thuật làm sống động lại hình ảnh Hà Nội xưa và
nay, bên dưới cây cầu là Công viên sinh thái, văn hóa du lịch Bãi Giữa
sông Hồng, trong đó dành không gian nhất định cả hai bên khu vực Bãi
Giữa gần cầu nhất để cho khách du lịch và người dân Thủ đô có thể thư
giãn, ngồi ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu đã tồn tại xuyên qua 3 thế kỷ
cũng như thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động
văn hóa làm sống lại hình ảnh Hà Nội xưa và nay.
Với diện tích rộng của khu vực Bãi Giữa sông Hồng, cần quy hoạch thành các khu chức năng như không gian công cộng; không gian cảnh quan nông nghiệp, trong đó người dân trồng hoa theo mùa, trồng rau và cây lương thực ngắn ngày phù hợp để cho khách có thể tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh và hưởng thụ các giá trị cảnh quan nông nghiệp giữa dòng sông và khung cảnh đô thị văn minh hiện đại đôi bờ sông Hồng. Đồng thời, quy hoạch các phân khu chức năng như không gian công viên cây xanh và dạo bộ thư giãn; không gian sáng tạo nghệ thuật gắn với giá trị văn hóa lịch sử Thủ đô và dòng sông Hồng; không gian nghệ thuật cộng đồng; không gian vui chơi, giải trí theo chuyên đề, không gian tập thể thao gắn với mặt nước; không gian thưởng thức ẩm thực, đồ uống; không gian biểu diễn nghệ thuật, tái hiện chợ truyền thống;…Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phải tính đến việc bảo đảm an toàn, phòng chống xói lở, sụt lún, thoát lũ vào mùa mưa bão,….
Như vậy, để khai thác phát triển du lịch tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham quan du lịch tại khu vực này một cách bài bản. Việc đầu tư xây dựng, khai thác tại khu vực này cần phải bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng. Cần thiết xây dựng bản đồ chỉ dẫn các địa điểm tham quan, dạo bộ trong công viên, vui chơi, tập thể thao, giải trí, trải nghiệm nông nghiệp, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, sáng tạo nghệ thuật… Hình thành các phân khu chức năng cung cấp dịch vụ, tuyến tham quan rõ ràng gắn với các sản phẩm văn hóa lịch sử Thủ đô và văn hóa văn minh sông Hồng. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cũng như người dân canh tác trồng hoa, cây nông nghiệp có kiến thức, kỹ năng về du lịch cũng như thái độ ứng xử với khách tham quan, du lịch.
Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên cát ở gần khu vực bãi giữa để tránh làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở, sụt lún gây mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động tham quan khu vực này. Sau khi đầu tư hoàn thiện Công viên và các khu chức năng, chính quyền địa phương cần ban hành ngay quy chế quản lý hoạt động cung cấp các dịch vụ và quy định đối với khách tham quan, du lịch, vui chơi giải trí và các hoạt động khác tại khu vực bãi giữa, đồng thời quy định giới hạn số lượng khách, các hoạt động không được tổ chức trên khu vực Bãi Giữa.
Dựa trên tài nguyên và định hướng phát triển Công viên xanh trên khu vực bãi giữa, tập trung phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường như: Du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, chụp ảnh, ngắm hoa tại các khu vực trồng hoa, trải nghiệm hoạt động canh tác trồng và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp cùng người dân địa phương tại khu vực trồng cây nông nghiệp ngắn ngày,….
Để khai thác hiệu quả khu vực bãi giữa, cần kết nối chặt chẽ, hình thành các tuyến tham quan du lịch kết nối khu vực 36 phố phường với khu vực bãi giữa, và đôi bờ sông Hồng khu vực này nằm trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên cần thiết quy hoạch, chỉnh trang hình thành tuyến phố du lịch sôi động cung cấp dịch vụ du lịch, ẩm thực, giải trí, đặc biệt là hình thành tuyến du lịch trọng điểm, kết nối giữa 3 sản phẩm là: Cầu Long Biên – Tuyến đi bộ xanh – Công viên xanh tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng nhằm đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho khách lựa chọn, góp phần tạo diện mạo mới và sức quyến rũ cho du lịch Thủ đô.
Chú trọng gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường ở khu vực Bãi Giữa và dòng sông cũng như đôi bờ sông Hồng, khắc phục triệt để tình trạng xả nước thải, chất thải trực tiếp ra sông Hồng và khu vực Bãi Giữa và xung quanh cũng như quy hoạch lại khu vực dân cư sinh sống bên bờ sông Hồng hiện nay có nhiều nhà tạm lụp xụp và nhiều rác thải làm mất mỹ quan chung của khu vực trung tâm Thủ đô.
Các hoạt động đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch tại khu vực bãi giữa phải đảm bảo tính bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, cụ thể:
– Tính bền vững được thể hiện qua tính tổng thể và bao trùm, áp dụng đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ tham quan du lịch và giải trí từ giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, xây dựng đến giai đoạn tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động tại khu vực Bãi Giữa và xung quanh;
– Các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo tính bền vững: (1) Đảm bảo sự tham gia tương tác của cộng đồng địa phương; (2) Sự tham gia tích cực của nhiều thành phần cộng đồng; (3) Nghiên cứu và điều tra về sức chứa du lịch và xây dựng Kế hoạch quản lý du khách; (4) Quản lý chặt chẽ và nghiêm túc việc thực thi Quy hoạch và bảo tồn Khu phố cổ cũng như các di tích lịch sử – văn hóa; (5) Có kế hoạch bảo vệ môi trường, quản lý rác và nước thải.
Trên đây là một vài suy nghĩ ban đầu về ý tưởng đầu tư khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng cho mục đích tạo ra một điểm đến mới , không gian du lịch mới với nhiều sản phẩm mới độc đáo, khác biệt và nhiều trải nghiệm cho khách du lịch và người dân Thủ đô, giúp giảm tải cho khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm và khu vực 36 phố phường hiện nay, đồng thời tạo diện mạo mới và sức hấp dẫn mới cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Một xã hội, cũng như một đô thị, muốn có được tương lai phát triển lâu dài, cần xác định rõ được giá trị cốt lõi cần được bảo vệ và phát huy, cần có không gian cụ thể cho việc phát huy giá trị đó. Theo tôi, giá trị cốt lõi của Hà Nội phải là thiên nhiên và tính sáng tạo năng động. Không gian thiên nhiên cốt yếu đã nằm ngay vị trí trung tâm thành phố, chính là con sông Hồng.
Cho dù thành phố phát triển đến đâu thì cũng phải khẳng định rằng: Nằm giữa lòng của nó là một không gian tự nhiên của sông Hồng, là một vùng đất không chỉ có vị trí trung tâm mà còn gắn liền với hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ từ cổ xưa tới nay. Khúc sông Hồng chảy qua Hà Nội là nơi hội tụ của các mạch nước, từ các cánh cung thượng nguồn rồi từ đó phân ra toàn châu thổ.
Cũng như vậy, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, là nơi tập trung sức sáng tạo, ít nhất là của cả vùng Bắc bộ. Nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng lại có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo – Nơi tất cả những ý tưởng, những sáng tạo được hội tụ, giao thoa, được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước… thì đó sẽ trở thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ. 5ha tại vị trí trung tâm Thủ đô là vùng đất rất đáng giá. Vì thế, nếu nó được sử dụng cho mục đích tiêu dùng bình thường (như một khu ở hay khu thương mại) thì sẽ rất lãng phí. Cần dành vùng đất linh địa này cho mục tiêu phát triển vô hạn của cả thành phố cũng như cả đất nước.
TS. Nguyễn Anh Tuấn
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.
Nguồn: Tạp chí Kiến Trúc