Yikatong – tấm thẻ vạn năng cho du khách đến Bắc Kinh

Thẻ  Yikatong có thể mua được ở bất kỳ đâu. Ảnh: Trịnh Hằng

Trung Quốc- Thẻ Yikatong cho phép du khách đi metro, xe buýt, taxi, mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ ăn nhanh, máy bán hàng tự động. – Du lịch

Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thẻ khi du lịch Trung Quốc sau hành trình hai tuần hồi tháng 6.

Yikatong (Nhất ca thông – thẻ thông hành vạn năng), tên tiếng Anh là Beijing Municipal Administration Traffic Card, được chính quyền thành phố Bắc Kinh đưa vào sử dụng từ năm 2003, với mục tiêu gia tăng sự tiện lợi cho người dân, giảm sử dụng tiền mặt. Từ chỗ chủ yếu thay thế vé tàu điện ngầm truyền thống, hiện Yikatong được sử dụng rộng rãi trên mọi phương tiện giao thông và có thể thanh toán nhiều sản phẩm, dịch vụ trong thành phố.

Thẻ  Yikatong có thể mua được ở bất kỳ đâu. Ảnh: Trịnh Hằng

Dùng thẻ Yikatong có thể mua đủ loại hàng hóa, dịch vụ trong thành phố. Ảnh: Trịnh Hằng

Dùng Yikatong, du khách được giảm giá một số dịch vụ, sản phẩm, nhưng quan trọng hơn, giúp du khách tiết kiệm nhiều thời gian, sức lực vì không phải mua vé cho từng chuyến đi trong thành phố, không phải chờ đợi ở các máy bán vé tự động, không phải lúng túng chuẩn bị tiền lẻ khi thanh toán các dịch vụ, sản phẩm. Phần lớn người Trung Quốc hiện thanh toán qua app, nhưng du khách nước ngoài lại khó sử dụng các app này, vì thế Yikatong là giải pháp thay thế hữu hiệu.

Ngoài thẻ nhựa Yikatong, người dân Trung Quốc đa số dùng app Yikatong cài trên điện thoại. Du khách nước ngoài không quen với app này nên đa số vẫn dùng thẻ nhựa.

Cách mua và sử dụng

Có thể mua thẻ Yikatong ở các sân bay, ga tàu điện ngầm, bến xe buýt và vô số điểm bán thẻ, máy bán thẻ tự động tại Bắc Kinh, chỉ cần đưa hộ chiếu và tiền cho người bán thẻ. Bạn cần đặt cọc 20 nhân dân tệ (khoảng 65.000 đồng) và sẽ được hoàn trả nếu trả lại thẻ lúc rời Bắc Kinh. Vì đây là món tiền nhỏ nên nhiều du khách chọn giữ tấm thẻ làm kỷ niệm.

Trên lý thuyết, người dùng có thể nạp thêm tiền vào thẻ, nhưng người nước ngoài không thể thực hiện vì hệ thống chỉ nhận diện căn cước công dân Trung Quốc. Vì thế bạn hãy ước lượng số tiền sẽ tiêu để nạp thẻ. Nếu ở Bắc Kinh 2-3 ngày có thể nạp 100 nhân dân tệ (khoảng 330.000 đồng), trong đó 20 nhân dân tệ là tiền cọc, 80 nhân dân tệ để đi lại bằng metro, xe buýt và taxi. Tất cả các điểm chấp nhận thẻ đều có máy quẹt. Máy sẽ trừ số tiền tương ứng với dịch vụ đã sử dụng, đồng thời hiển thị số tiền còn lại trong thẻ. Do đó, đối với du khách không biết tiếng Trung, việc dùng thẻ giúp đi lại, mua sắm thuận lợi hơn khi không phải giao tiếp với tài xế hoặc người bán hàng.

Trong trường hợp đã dùng hết số tiền trong thẻ mà vẫn còn thời gian tại Bắc Kinh, bạn có thể mua vé tàu lẻ (single journey ticket) để di chuyển bằng metro, hoặc trả tiền mặt từng chuyến nếu đi xe buýt.

Máy quẹt thẻ hiện số tiền trừ đi và tiền còn lại. Ảnh: Trịnh Hằng

Máy quẹt thẻ hiện số tiền trừ đi và tiền còn lại. Ảnh: Trịnh Hằng

Cách dùng Yikatong tới những điểm tham quan

Vạn Lý Trường Thành (di sản UNESCO)

Từ bất kỳ đâu trong thành phố, bạn dùng Yikatong đi tàu điện ngầm (3-4 nhân dân tệ một chuyến) đến ga Tích Thủy Đàm (Jishuitan). Tại đây bạn sẽ thấy một bến xe buýt lớn, tìm bãi đỗ riêng của tuyến buýt 877 – chuyên đưa khách từ trung tâm Bắc Kinh đi Bát Đạt Lĩnh – Vạn Lý Trường Thành. Khi lên xe buýt, bạn quẹt thẻ Yikatong, giá vé 12 nhân dân tệ, khoảng 70 phút thì đến nơi.

Di Hòa Viên (di sản UNESCO)

Đây là thắng cảnh nổi tiếng có lịch sử 800 năm, đến thời nhà Thanh được vua Càn Long, sau là Từ Hy Thái Hậu, cho xây dựng và trùng tu lại thành cung điện mùa hè xa hoa. Bạn dùng Yikatong đi tàu điện ngầm line 4 đến ga Bắc Cung Môn (Beigongmen) hoặc đi xe buýt số 74, 374, 437 đến bến Di Hòa Viên Tân Kiến Cung Môn (Yiheyuan Xinjiangongmen). Giá vé tàu xe khoảng 4-5 nhân dân tệ.

Thập Tam Lăng (di sản UNESCO)

Đây là quần thể lăng mộ được xây dựng bởi các hoàng đế triều đại nhà Minh, rất rộng lớn, kiến trúc độc đáo. Dùng Yikatong đi xe buýt số 314 đến bến Định Lăng (Dingling), Chiêu Lăng (Zhaoling) hoặc Thần Đạo (Sacred Way).

Thiên Đàn (di sản UNESCO)

Đàn tế trời được xây dựng từ năm 1420 dưới thời nhà Minh và liên tục mở rộng trong suốt hai triều Minh và Thanh, là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất thời đó. Thiên Đàn nằm ngay trung tâm Bắc Kinh. Du khách có thể tới đó dễ dàng bằng rất nhiều phương tiện: metro line 5 tới ga Thiên Đàn Đông Môn (Tiantandongmen) Exit A2 hoặc xe buýt số 36, 958, 122, 2, 20, 120, 6, 34, 35, 106, 110, 128, 525, 623, 684.

Dùng thẻ Yikatong đi tàu điện ngầm tới các điểm tham quan. Ảnh: Trịnh Hằng

Dùng thẻ Yikatong đi tàu điện ngầm tới các điểm tham quan. Ảnh: Trịnh Hằng

Tử Cấm Thành – Cố Cung (di sản UNESCO)

Đây là công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất Trung Quốc. Cố Cung nằm ở trung tâm Bắc Kinh, hãy dùng thẻ Yikatong đi tàu điện ngầm line 1 đến ga Thiên An Môn Đông (Tian’anmendong) hoặc xe buýt số 1, 120, 2, 52, 59, 82, 99 đến bến Thiên An Môn Đông. Cố Cung có nhiều cổng, bạn mua vé và vào tham quan từ cổng Ngọ Môn (Meridian Gate).

Sân vận động quốc gia (Sân vận động Tổ Chim)

Công trình hiện đại mang tính biểu tượng của Bắc Kinh nằm trong công viên Olympic Park, bên cạnh rất nhiều công trình thể thao hoành tráng khác. Bắt tàu điện ngầm line 8 hoặc line 15 đến ga Olympic Green (ga Công viên Olympic Bắc Kinh), exit D hoặc đi xe bus các tuyến số 82, 419, 538, 645 tới bến National Stadium East.

Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia

Đây là nơi trưng bày nhiều kiệt tác hội họa, điêu khắc, thư pháp. Du khách dùng thẻ Yikatong đi metro tuyến số 5 đến ga Đông Tứ (Dongsi) hoặc xe buýt số 101, 103, 109, 111, 128, 58 đến bến Art Museum Stop.

Với thẻ Yikatong, bạn cũng có thể đi tới mọi sân bay, bến xe buýt đường dài, ga tàu cao tốc trong thành phố để từ đó di chuyển tới địa phương khác. Thẻ có hạn ba năm kể từ lần sử dụng cuối cùng.

Trịnh Hằng


Bài viết được đề xuất