TP Vũng Tàu là điểm đến quanh năm, phù hợp cho kỳ nghỉ ngắn dịp cuối tuần, nơi du khách có thể leo núi, tắm biển và trải nghiệm food tour. – Du lịch

TP Vũng Tàu cách TP HCM khoảng 120 km, là nơi du khách đến TP HCM công tác thường kết hợp tham quan, nghỉ ngơi ngắn ngày. Hành trình 48 giờ ở TP Vũng Tàu do chị Hà My, một người dân sống hơn 20 năm ở Vũng Tàu, gợi ý và theo trải nghiệm của phóng viên Du lịch.

Ngày 1

Buổi sáng và trưa

Xuất phát sớm từ TP HCM, thời gian di chuyển khoảng hơn 2 tiếng. Nếu du khách không sử dụng phương tiện cá nhân thì xe limousine và tàu cánh ngầm là cách đi lại hợp lý và thuận tiện nhất. Giá vé dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng một chiều.

Đến TP Vũng Tàu, ăn sáng và uống cà phê tại khu ven biển. Một số món và quán ăn được gợi ý: bún riêu tôm Thuận Phúc, hủ tiếu mực (đường Hoàng Hoang Thám). Giá món dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng một suất. Bánh mì chả cá trên các xe bánh mì di động cũng là một lựa chọn.

Uống cà phê tại tuyến đường biển Hạ Long và Trần Phú, từ Bãi Trước tới Bãi Dâu. Nơi đây có nhiều quán đẹp, du khách có thể chọn một quán theo nhu cầu.

Tượng Chúa Kito ở trung tâm thành phố. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Bà Rịa

Tượng Chúa Kito ở trung tâm thành phố. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu

Tham quan tượng Chúa Kito hay còn gọi là tượng Chúa giang tay. Tượng nằm trên đỉnh Núi Nhỏ (núi Tao Phùng) đường Thùy Vân ở trung tâm. “Nếu lần đầu đến Vũng Tàu, du khách không nên bỏ qua địa điểm này bởi đây được xem như một biểu tượng của thành phố”, chị Hà My khuyên

Tượng được xây dựng từ năm 1974, nằm ở độ cao 170 m so với mực nước biển, có chiều cao 32 m, sải tay tượng 18,4 m. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, từ mặt đất lên bệ lên cánh tay – nơi du khách ngắm nhìn toàn cảnh biển và thành phố Vũng Tàu. Bức tượng có thể chứa 100 khách tham quan cùng lúc. Thời gian mở cửa từ 7h đến 17h các ngày từ thứ hai đến chủ nhật.

Tượng rất gần mũi Nghinh Phong nên nhiều du khách thường kết hợp tham quan cả hai địa điểm cùng lúc.

Buổi trưa

Check in khách sạn ở khu vực ven biển, trên các tuyến đường Hạ Long, Thùy Vân, Trần Phú hoặc lân cận. Giá phòng ở những nơi này dao động từ khoảng 400.000 đồng tới khoảng 2,5 triệu đồng một đêm, tùy lựa chọn, từ khách sạn bình dân tới các khu nghỉ dưỡng.

Ăn trưa với bánh khọt. Đây là một trong những món ăn nên thử khi đến TP Vũng Tàu. Bánh làm từ bột gạo hoặc bột sắn, có nhân tôm, mực hoặc chay, được chiên và ăn kèm rau sống, đồ chua, nước mắm chua pha ngọt.

Một số địa chỉ gợi ý: Bánh khọt Bà Hai (đường Trần Đồng), Bánh khọt Cô Ba (đường Hoàng Hoa Thám), Bánh khọt Út Loan (đường Bà Triệu).

Du khách cũng có thể chọn ăn ốc tại một trong hai quán được đánh giá “ngon và giá cả hợp lý” là Ốc Tự Nhiên (đường Trần Phú) và Ốc Thiên Nhiên (đường Võ Thị Sáu).

Buổi chiều tối

Tắm biển ở một trong ba bãi nổi tiếng là Bãi Trước, Bãi Sau và Bãi Dâu.

Ăn tối các món hải sản tại quán Gành Hào với view biển. Du khách nên chọn thời gian phù hợp để có thể ngắm hoàng hôn. “Quán thường khá đông vào tối cuối tuần, nên lưu ý đặt bàn trước. Tại đây có món mực sữa chiên mắm không nên bỏ qua”, chị Hà My nói và lưu ý nhà hàng ven biển có mặt bằng giá cao hơn các quán trong phố và khu chợ đêm.

Tượng Chúa Kito ở trung tâm thành phố. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Bà Rịa

Món mực sữa chiên mắm ở Gành Hào. Ảnh: Tâm Anh

Chợ đêm Vũng Tàu hay một vài quán bar dọc đường ven biển như Gazebo Beach Front Lounge & Cafe, Oasky Bar hay Black Pearl Bar dành cho du khách muốn trải nghiệm thêm cuộc sống về đêm. Nơi đây cũng được biết đến là các địa điểm biểu diễn nhạc sống.

Ngày 2

Buổi sáng

Thức dậy sớm để tận hưởng không khí trong lành ở thành phố biển. “Hãy thuê một chiếc xe đạp để lang thang quanh thành phố buổi sáng”, chị My gợi ý.

Sau khi ăn sáng, ghé thăm Bạch Dinh ở đường Trần Phú, cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút di chuyển. Để đến Bạch Dinh, du khách sẽ phải vượt qua một con dốc ngắn. Đây là địa điểm được nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh.

Bạch Dinh được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 theo kiến trúc châu Âu. Công trình gồm 3 tầng lầu với chiều dài khoảng 25 m và chiều cao 19 m. Không gian ở đây tràn ngập cây xanh nên rất mát mẻ, có thể ngắm cảnh toàn bộ Bãi Trước. Giá vé cho một lượt tham quan là 15.000 đồng. Giờ mở cửa từ 7h30 đến 17h30 hằng ngày.

Buổi trưa

Gần trưa, di chuyển tới thăm làng bè Long Sơn, cách trung tâm thành phố hơn 10 km. Đường đi tới Long Sơn rất đẹp, nơi du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm cây hoa giấy nở rực rỡ.

Tượng Chúa Kito ở trung tâm thành phố. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch Bà Rịa

Làng bè Long Sơn. Ảnh: Tâm Anh

Với diện tích khoảng 90 km2, đảo Long Sơn là nơi các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên bè nên hình thành một làng chài. Hàu và sò huyết là hai loại hải sản nổi tiếng nhất ở đây. Nhờ khí hậu thuận lợi và nguồn nước tự nhiên, những con hàu rất to. Đây cũng là lý do Long Sơn được gọi là đảo hàu. Du khách sẽ được đi tham quan các bè nuôi, tham gia thu hoạch hàu cùng người dân.

Ăn trưa ở làng bè. Du khách tự chọn hàu, cá tươi rồi ngồi trên bè lợp lá dừa thưởng thức hải sản.

Nghỉ ngơi và trở về TP HCM vào buổi chiều hoặc tiếp tục di chuyển đến một điểm nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu nếu ở lại thêm một đêm.

Lựa chọn thay thế

Các điểm tham quan trong thành phố: ngọn hải đăng, khu công viên nước The Maris, khu du lịch Hồ Mây, nhà úp ngược, chụp ảnh ở hẻm 444 Trần Phú.

Du khách đến Vũng Tàu cũng có thể trải nghiệm thử làm phi công lái trực thăng tại Trung Tâm huấn luyện – TCT trực thăng Việt Nam tại đường 30/4. Du khách đăng ký gói bay trải nghiệm buồng tập mô phỏng, với giá 1,25 triệu đồng trong 15 phút.

Nếu không ở TP Vũng Tàu, du khách có thể chọn nghỉ dưỡng tại các resort ở khu vực Xuyên Mộc, suối khoáng nóng Bình Châu (cách thành phố khoảng 60 km), hay Hồ Tràm (cách thành phố 30 km). Nếu đến những nơi này, nên sử dụng các dịch vụ ăn uống bên trong khu nghỉ hoặc lân cận để không mất thời gian di chuyển.

Tâm Anh


Bài viết được đề xuất