Nghiên cứu lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc

NGHIÊN CỨU LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GẮN VỚI PHÁT
TRIỂN DU LỊCH PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY TẠI HỌC VIỆN DÂN TỘC

Trần Quốc Hùng – Học viện Dân tộc

Email: [email protected]

Nhận bài: 18/8/2022; Phản biện: 29/8/2022; Tác giả sửa:
06/9/2022; Duyệt đăng: 12/9/2022; Phát hành: 30/9/2022 DOI: https://doi.org/10.54163/0866-773X/729

Nghiên cứu lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số đã được nhiều
cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường
đại học và địa phương… Tuy nhiên, nghiên cứu lễ hội truyền thống dân tộc thiểu
số gắn với phát triển du lịch phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc
thì đến nay chưa có công trình nào được nghiên cứu.

Đây là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu góp phần bổ sung
những tri thức lý luận và thực tiễn về lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số gắn
với phát triển du lịch.

Vấn đề này được coi là thế mạnh và tiềm năng của ngành công
tác dân tộc cũng như cơ hội bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
kết hợp với xu hướng phát triển hiện nay nhằm tạo ra những giá trị mới phù hợp
với đời sống xã hội đương đại và nắm bắt thời cơ tạo ra sinh kế mới, bền vững
đó là phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đa tộc người với 54 dân tộc, trong đó
có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) đồng nghĩa với đó là sự phong phú và đa dạng của
rất nhiều loại hình lễ hội. Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966
lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử
(chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước
ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).

Qua số liệu trên, có thể thấy lễ hội dân gian chiếm 88,36%,
có một tỷ trọng lớn trong tổng số các lễ hội Việt Nam. Các lễ hội truyền thống
xuất phát từ nên nông nghiệp của các cư dân trồng lúa, cho nên các lễ hội truyền
thống đều xoay quanh chủ đề về cầu an, cầu mùa của cộng đồng.

Tuy nhiên, trong xã hội phát triển năng động hiện nay ít nhiều
các lễ hội truyền thống đã bị mai một, lãng quên, hoặc tổ chức lễ hội đã giảm bớt
tính nguyên vẹn của nghi lễ hoặc đã bị hành chính hóa, bị biến tướng ít nhiều.

Trong đó, những tác động mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội
(KT-XH) và hội nhập, những giá trị văn hóa truyền thống bị biến đổi, mai một là
điều khó tránh khỏi. Vai trò cộng đồng bị giảm sút, thậm chí một bộ phận không
nhỏ thờ ơ với văn hóa của chính dân tộc mình.

Vấn đề đặt ra đối với các chủ thể là quản lý nhà nước và vai
trò cộng đồng trong giải quyết hài hòa bài toán phát triển KT-XH với việc bảo tồn
và phát huy giá trị lễ hội truyền thống của DTTS trong bối cảnh hiện nay nhằm hạn
chế thực trạng mai một, thất truyền và khả năng khôi phục, phục dựng lại các
nét đẹp của lễ hội truyền thống trong đời sống của cộng đồng.

Vì vậy, đây là một khoảng trống lớn cần được nghiên cứu phân
tích thực trạng và đề xuất giải pháp phát huy vai trò chủ động, tích cực của cộng
đồng về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống của DTTS là một việc
làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc
lĩnh vực văn hóa học và quản lý văn hóa, trong đó có thành tố lễ hội truyền thống
DTTS luôn được cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên quan tâm, nghiên cứu tại
các học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam; Quản lý văn hóa dân tộc; Văn hóa dân gian;
Quản lý sự kiện và các chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc của Học
viện Dân tộc.

Vì vậy, nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát triển
du lịch là một trong những vấn đề cần thiết trong nghiên cứu và quản lý thực tiễn
hiện nay tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong phạm vi bài viết này, tác
giả bàn thảo về vấn đề nhận diện các nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với
phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

2. Tổng quan nghiên cứu

Lễ hội truyền thống là vấn đề luôn được các quốc gia, tổ chức
và các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu nhằm bảo tồn, phục dựng các giá trị
văn hóa không bị mai một, biến mất do tác động của con người và môi trường như:
Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tác giả Brian Garrod, Alan Fayall trong nghiên cứu về quản
lý di sản và du lịch lại thừa nhận cần có sự cân bằng giữa bảo tồn và khai
thác, nếu di sản không được bảo vệ, giữ gìn thì sẽ bị mất, không còn gì để lại
cho thế hệ mai sau: “Khi các nhà quản lý di sản văn hóa (DSVH) nghiên cứu, bàn
thảo về kế hoạch bảo tồn, họ quan tâm nhiều đến việc duy trì nguồn tài nguyên ở
một mức độ bền vững”; học giả Ashworth, G.J. (1997) với tác phẩm “Elements of
Planning and Managing Heritage Sites” (Các yếu tố quy hoạch và quản lý di sản)
với việc tổng kết thực tiễn về các mô hình bảo tồn văn hóa trên thế giới thành
ba quan điểm tương ứng với đó là ba mô hình đó là: Bảo tồn y nguyên; bảo tồn
trên cơ sở kế thừa và bảo tồn – phát triển.

Ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa (năm
2001) và các văn bản dưới luật về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong
đó có nội dung lễ hội truyền thống, trong lĩnh vực này các tác giả trong nước
như: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh đã bàn luận
nhiều về vấn đề lễ hội.

Đặc biệt thời gian gần đây có tác giả Bùi Hoài Sơn (2007) với
“Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc bộ từ năm 1945 đến
nay”; Đào Ngọc Anh với công trình nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy di sản văn
hóa người Mông thông qua du lịch cộng đồng ở bản Sín Chải, huyện Sa Pa, tỉnh
Lào Cai” hay nghiên cứu về cấu trúc lễ hội, tác giả Đoàn Minh Châu đã có phân
tích sâu sắc về cơ sở lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu lễ hội.

 
 

 Lễ hội của đồng bào huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Ảnh Báo Quân đội Nhân dân

Qua nghiên cứu, trình bày về lý luận của lễ hội, tác giả đã
nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của lễ hội truyền thống cũng như cấu trúc lễ
của lễ hội đương đại. Đây là những tri thức rất hữu dụng để bài viết có thể kế
thừa những tri thức này trong quá trình tham khảo vào nội dung nghiên cứu cụ thể
của tác giả.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng chủ yếu phương pháp tổng hợp, so sánh, đối
chiếu các tài liệu thứ cấp, gồm hệ thống các văn bản chính sách về văn hóa của
UNESCO và Việt Nam. Lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch là một vấn đề
lớn và phức tạp, cho nên vấn đề này được chính phủ, các tổ chức phi chính phủ
và tổ chức khoa học tiếp cận qua nhiều góc độ khác nhau như: Từ phía quản lý
nhà nước, vai trò của cộng đồng, hay tiếp cận từ các quan điểm của Ashworth,
G.J. (1997) với ba mô hình đó là: Bảo tồn y nguyên; bảo tồn trên cơ sở kế thừa
và bảo tồn – phát triển.

Trong quá trình nghiên cứu, bài báo đã sử dựng kết hợp các
phương pháp như: Phương pháp thu thập tài liệu, thống kê dùng để lựa chọn các
tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu, đồng thời
là tiền đề giúp việc phân tích, đánh giá tổng hợp một cách chính xác và khách
quan; phương pháp chuyên gia: Bài báo đã có sự tham vấn của các chuyên gia là
các nhà khoa học tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Học viện Dân tộc,
Trường Khoa học và xã hội nhân văn Hà Nội;…

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Một số khái niệm cơ bản

Lễ hội là một từ ghép của hai Hán – Việt: Lễ và Hội. Theo
đó, “Lễ” là các nghi thức, nghi lễ bày tỏ sự thành kính đối với thần linh, tổ
tiên hay bề trên còn “Hội” có nghĩa là họp nhau để giải quyết các việc hay hưởng
thụ các giá trị văn hóa do cộng đồng tạo ra. Hai từ lễ hội cũng tương tự như
trong tiếng Anh và tiếng Pháp: “Lễ” là Ceremony và “Hội” là Festival.

Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa mang tính phức
hợp, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm gần như tất cả các
phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con người: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi
lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian
(hát, múa, trò chơi, sân khấu…), các cuộc thi tài, vui chơi giải trí, ẩm thực,
mua bán… Không có một sinh hoạt văn hóa truyền thống nào của nước ta lại có
thể sánh được với lễ hội cổ truyền, trong đó chứa đựng đặc tính vừa đa dạng, vừa
nguyên hợp này.

Chủ thể của lễ hội truyền thống là cộng đồng, đó là cộng đồng
làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng thị dân
và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia dân tộc. Nói cách khác, không có lễ hội nào
lại không thuộc về một dạng cộng đồng, của một cộng đồng nhất định. Cộng đồng
chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội.

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con
người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục
nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài
nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng
đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi
ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng
đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên
cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức
khai thác và hưởng lợi. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên
nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư,
kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ
sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền
thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.

4.2. Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với
phát triển du lịch

Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện cả
nước có 7.966 lễ hội. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức
là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức. Trong số 7.966
lễ hội của cả nước thì lễ hội dân gian: 7.039 (88,36%), điều này cho thấy lễ hội
truyền thống là một bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa tinh
thần của cộng đồng các dân tộc ở nước ta nói chung và các DTTS nói riêng. Lễ hội
truyền thống của các DTTS ở nước ta là sản phẩm kết tinh từ quá trình lao động
sáng tạo, xuất phát từ thế giới quan “vạn vật hữu linh” trong tôn giáo và tín
ngưỡng dân gian của cộng đồng các DTTS. Vì vậy, đã hình thành nên rất nhiều lễ
hội mang đặc trưng của văn hóa từng tộc người, từng vùng, miền. Tựu chung lại,
lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc được tổ chức với ước vọng cầu
mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu tránh được thiên
tai, dịch bệnh đem đến cuộc sống ấm no, bình yên trong đời sống cộng đồng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế –
xã hội trong thời gian quan đã dẫn đến nhiều tác động, có cả tác động tích cực
và hạn chế liên quan đến đến việc quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống.

Ngoài những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế – xã hội,
nhưng mặt hạn chế là có nhiều lễ hội đã mai một, hoặc khi tổ chức bị giảm bớt
(đặc biệt các giá trị cốt lõi của lễ hội) và thay vào là các giá trị mới chưa
được kiểm chứng hay các yếu tố văn hóa lai căng được thực hành tại lễ hội.

Trước tình hình đó, từ năm 1999 đến năm 2004, Bộ Văn hóa
Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các địa
phương lựa chọn 8 lễ hội của 8 DTTS để tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng
thành kịch bản và hỗ trợ kinh phí để nhân dân tổ chức lễ hội.

Đó là: Lễ hội Gầu Tào của người Mông (xã Pà Cò, huyện Mai
Châu, tỉnh Hòa Bình); lễ hội Hoa Ban của người Thái (xã Chiềng Khoa, huyện Mộc
Châu, tỉnh Sơn La); lễ hội Tâm Nghết của người Mnông (xã ĐakTit, huyện Đắk Rlấp,
tỉnh Đắk Nông); lễ hội Cúng máng nước của người Xơ Đăng (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon
Tum); lễ hội BuBsah N’Găp bon của người Mnông – Preh (xã Nam Nung, huyện Krông
Nô, tỉnh Đắk Nông); lễ hội Cầu mưa của người Hrê (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh
Quảng Ngãi); lễ hội Lồng tồng của người Tày (xã Lam Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc
Kạn); lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh
Thái Nguyên).

Năm 2005, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch) tiếp tục chỉ đạo để điều tra, khảo sát, xây dựng kịch bản và hỗ trợ
bảo tồn 8 lễ hội tiêu biểu của 8 dân tộc: Nùng (tỉnh Lạng Sơn), Phù Lá (tỉnh
Yên Bái), Mông (tỉnh tỉnh Lai Châu), Mường (tỉnh Phú Thọ), Dao (Quảng Ninh),
Chăm (Phú Yên), Chăm (tỉnh Bình Thuận), Chơ-ro (tỉnh Đồng Nai).

Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn 7 lễ
hội truyền thống các dân tộc thiểu số để phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền
thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện
Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su
Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền
thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội
truyền thống dân tộc Gia-rai, tỉnh Kon Tum.

Từ năm 2012 đến năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
quyết định ghi danh 137 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó cả nước
có 35 lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng của cộng đồng các DTTS
được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cụ thể ở bảng sau:

Bảng. Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nguồn. Tổng hợp từ Cục Di sản văn hóa1

1.
http://dsvh.gov.vn/danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1789, truy cập
lần cuối ngày 20/6/2022.

Qua nguồn dữ liệu trên cho thấy, lễ hội truyền thống và
phong tục tập quán của cộng đồng các DTTS ở nước ta rất đa dạng, nguồn tài
nguyên văn hóa này là tài sản vô giá, là chất liệu quan trọng nếu biết bảo tồn,
phát huy hiệu quả, khai thác, sáng tạo hợp lý sẽ là nguồn lực quan trọng để
nâng cao đời sống tinh thần, tái tạo sức lao động của đồng bào, đặc biệt trong
phát triển du lịch tạo sinh kế mới, bền vững cho đồng bào các DTTS ở nước ta với
những loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch văn
hóa; du lịch sinh thái…

Lễ hội truyền thống và phát triển du lịch có mối quan hệ mật
thiết với nhau. Bởi, bảo tồn lễ hội truyền thống tốt là cơ sở, tiền đề phát triển
du lịch và thông qua phát triển du lịch để có nguồn lực bảo tồn lễ hội truyền
thống hiệu quả.

Tuy nhiên, đây là góc nhìn thuận chiều, hướng đến tích cực,
bên cạnh đó mối quan hệ này cũng có những hạn chế nhất định như bài toán về quản
lý, tổ chức lễ hội; các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng dân gian trong không
gian thiêng bị tác động bởi những tác nhân ngoài cộng đồng như chính quyền, du
khách, hay sự sắp đặt của chính cộng đồng đưa những yếu đố đương đại mà chưa hẳn
phù hợp với giá trị truyền thống; hay trò chơi của hội như đưa nhạc DJ vào
không gian lễ hội, cờ bạc, cá độ… tất cả các tác nhân đó đã phần nào làm giảm
giá trị của lễ hội truyền thống trong bối cảnh hiện nay.

4.3. Học liệu về lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số gắn với
phát triển du lịch phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc

Tình hình học liệu về chủ đề lễ hội truyền thống tại Học viện
Dân tộc hiện nay chưa có nhiều tài liệu chuyên khảo về chủ đề này mà chủ yếu
các tài liệu tập trung về văn hóa của các tác giả như: Đào Duy Anh; Nguyễn Văn
Huyên,Trần Quốc Vượng; Tô Ngọc Thanh; Nguyễn Văn Huy, Vương Xuân Tình; Trần Ngọc
Thêm; Nguyễn Chí Bền…   về văn hóa các
dân tộc Việt Nam, trong đó có nội dung bàn luận đến các vấn đề lý luận cũng như
những khía cạnh cơ bản của lễ hội như cấu trúc, nội dung, thời gian và không
gian của các lễ hội truyền thống DTTS.

Hiện nay, trong Thư viện của Học viện Dân tộc có một số sách
về lễ hội truyền thống như: Ngô Văn Doanh (1998), Lễ hội Rija Nưgar của người
Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc; Diệp Trung Bình (2002), Lễ hội cổ truyền các dân tộc
Hoa, Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc; Ngô Đức Thịnh (2009), Tín ngưỡng
và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội; Vi Văn Biên (2009), Một
số phong tục và lễ hội truyền thống của vùng người Thái ở Thanh Hóa, Nghệ An,
Nxb. Văn hóa dân tộc; Lê Duy Anh (2010), Lễ hội và văn hóa dân gian xứ Quảng,
Nxb. Quân đội nhân dân; Dương Tuấn Nghĩa (2011), Tri thức dân gian và nghi lễ
truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người Hà Nhì đen ở thôn Lao Chải,
Lào Cai, Nxb. Văn hóa dân tộc… Qua đây, cho thấy tài liệu liên quan đến chủ đề
lễ hội truyền thống trong Thư viện Học viện Dân tộc có số lượng chưa nhiều, cần
tiếp tục bổ sung về mặt số lượng và tăng cường công tác nghiên cứu về lĩnh vực
này tại Học viện Dân tộc.

Trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc
lĩnh vực văn hóa học và quản lý văn hóa, trong đó có thành tố lễ hội truyền thống
DTTS luôn được cán bộ, giảng viên, học viên thuộc các chương trình bồi dưỡng kiến
thức dân tộc tại các địa phương quan tâm họ tập, nghiên cứu chuyên đề Quản lý
văn hóa dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); Văn hóa dân
gian; Quản lý sự kiện…Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc của Học
viện Dân tộc có đề cập nhiều đến lễ hội truyền thống của cộng đồng các DTTS nước
ta.

Bởi lễ hội truyền thống là thành tố quan trọng trong đời sống
văn hóa tinh thần của đồng bào, bên cạnh đó các giá trị của lễ hội và các thực
hành văn hóa tại lễ hội đã biến đổi ít nhiều nên các giá trị lịch sử, giá trị
nghệ thuật, không gian thiêng, không gian vật chất… không còn được giữ y nguyên
như trước mà thay vào đó các lễ hội truyền thống tùy vào không gian cụ thể, hay
bối cảnh cụ thể mà có sự kế thừa hoặc phục dựng lại trên các giá trị truyền thống.

Do vậy, nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát triển
du lịch là một trong những vấn đề cần thiết trong nghiên cứu và quản lý thực tiễn
hiện nay tại vùng DTTS&MN.

Hiện nay, Học viện Dân tộc cụ thể là Trung tâm – Thư viện và
các khoa chuyên môn thuộc Học viện rất cần các tài liệu về chủ đề lễ hội nói
chung và lễ hội truyền thống các DTTS ở nước ta nói riêng, góp phần phục vụ nhu
cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên đặc biệt học viên là
cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại vùng DTTS&MN và sinh
viên tại Học viện Dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn và bổ
sung tri thức, các tài liệu về lễ hội truyền thống là điều cần thiết trong giai
đoạn hiện nay của Học viện Dân tộc.

5. Thảo luận

Vấn đề nghiên cứu lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số gắn với
phát triển du lịch phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc đã trình
bày ở trên đã cụ thể hai vấn đề sau:

Thứ nhất, nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát
triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ, vì có bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội
truyền thống DTTS tốt là tiền đề để nâng cao đời sống vật chất và tinh thân của
cộng đồng. Đồng thời, phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả là cơ sở bảo tồn và
phát huy lễ hội truyền thống DTTS. Phát triển du lịch là phương thức hữu hiệu để
bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội truyền thống DTTS của cộng đồng các dân tộc
Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thực tế việc bảo tồn còn gặp nhiều khó
khăn, nguyên nhân của những rào cản chính là nguồn nhân lực trong quá trình vận
hành còn cảm tính, thiếu tính chuyên môn và thực tiễn của các bên liên quan.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đề
ra nhiều nhiều cơ chế chính sánh về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống các dân tộc ở Việt Nam và đặc biệt chú trọng đến các dân tộc thiểu
số.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế –
xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm
2025.

Trong dự án 6 của Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021
của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế – xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm
2021 đến năm 2025 để đề ra mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn
hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất,
trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng
cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch
cộng đồng, trong đó đối tượng của Chương trình có nội dung lễ hội truyền thống
của đồng bào DTTS.

Để cụ thể hóa dự án trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
ban hành Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 03/3/2022 đã hướng dẫn triển khai thực
hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS
gắn với phát triển du lịch”.

Thứ hai, nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát
triển du lịch phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc là nội dung
quan trọng trong công tác bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc dành cho cán bộ,
công chức, viên chức hiện đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số và sinh viên
đang học tập tại Học viện Dân tộc nhằm nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng
như những vấn đề mới cần được nghiên cứu, cập nhật để bổ sung các vấn đề lý luận
và thực tiễn về lễ hội truyền thống DTTS, giúp các đối tượng này có kiến thức,
kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác quản lý và thực thi chính sách dân tộc,
chính sách văn hóa được hiệu quả tại các cơ sở.

6. Kết luận

Nghiên cứu lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch
phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Dân tộc là một vấn đề truyền thống
nhưng có ý nghĩa, luôn có tính mới và thời sự.

Bởi, lễ hội truyền thống là sự tổng hòa của các giá trị lịch
sử, nghệ thuật, văn hóa truyền thống và đương đại; lễ hội truyền thống có sự
tham gia của đa dạng các bên liên quan từ chủ thể văn hóa (cộng đồng), cơ quan
quản lý nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ, khách dự lễ hội… Do vậy, lễ hội
truyền thống là chủ đề luôn được các học giả, nhà quản lý quan tâm, nghiên cứu
trong mọi thời gian, không gian cụ thể.

Vì vậy, cơ chế chính sách của Nhà nước ta về bảo tồn, phát
huy giá trị lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch là chủ trương,
chính sách đúng đắn và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống của cộng
đồng các dân tộc vùng DTTS&MN ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với quá
trình đô thị hóa, phát triển sẽ làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống
nói chung và lễ hội truyền thống DTTS nói riêng.

Do đó, việc hoạch định và thực hiện hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia về phát triển vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, trong đó bảo
tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch là một
hướng đi chiến lược nhằm bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển kinh tế – xã hội bền
vững, trong đó cần gắn với phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. (2022). Lễ hội.
https://vi.wikipedia.org/wiki/.

Chi, A. (2020). 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số
được phục dựng. Http:// baokiemtoannhanuoc.vn/.

Cros, H. du, & Lee, Y.-S. F. (2007). Cultural heritage
management in China: Preserving the cities of the Pearl River Delta (Quản lý di
sản văn hóa ở Trung Quốc: Bảo tồn các thành phố của đồng bằng sông Châu). London:
London & New York.

 Cục Di sản văn hóa.
(2022). Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Http://dsvh.gov.vn/.

Garrod, B., & Fyall, A. (2000). Managing heritage
tourism (Quản lý du lịch di sản). Annals of Tourism Research, 27(3), p.682-708.

Quốc hội. (2017). Luật Du lịch. Luật số: 09/2017/QH14, ngày
19/6/2017.

Thịnh, N. Đ. (2011). Lễ hội truyền thống nước ta. Https://www.tapchicongsan.org.vn/.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc

Bài viết được đề xuất