Tiềm năng chưa được đánh thức
Điện ảnh đã được khẳng định là kênh quảng bá du lịch hữu hiệu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Những cảnh quay đẹp trong các bộ phim “bom tấn” có thể tạo ra “ma lực” thu hút khách du lịch, giúp các điểm đến, địa danh, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong phim trở nên nổi tiếng. Với vô vàn cảnh đẹp hùng vĩ từ Bắc vào Nam cùng nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh.
Ngôi nhà trong phim Chuyện của Pao trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Giang
Phát triển du lịch qua điện ảnh là câu chuyện không mới. Trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, thu hút du khách, mang lại lợi ích cho đất nước qua những bộ phim đã là câu chuyện của 1- 2 thập kỷ.
Có thể kể đến series phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, New Zealand bỗng trở thành điểm đến du lịch toàn cầu và tạo dư âm cho khán giả nhiều năm sau đó. Hay Hàn Quốc, một trong những quốc gia thành công nhất với chiến lược thu hút du khách bằng điện ảnh qua các bộ phim: Nấc thang lên thiên đường, Trái tim mùa Thu, Bản tình ca mùa Đông, Nàng Dae Jang Geum, Itaewon Class… Bên cạnh đó, đất nước Campuchia được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ”, hay quần đảo Koh Phi Phi thuộc Phuket (Thái Lan) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nước ngoài từ sau bộ phim ăn khách “Nhiệm vụ bất khả thi” quay tại đây…
Nắm rõ lợi thế và sức quảng bá của phim ảnh, nhiều quốc gia đã và đang có những chiến lược, các bước đi cụ thể để quảng bá đất nước, con người, văn hóa… của đất nước mình đến với khu vực và thế giới một cách bài bản nhất để từ đó kích cầu du lịch của nước mình.
Với nhiều cảnh quan tươi đẹp, địa danh du lịch nổi tiếng cùng bề dày văn hóa truyền thống lâu đời, Việt Nam đã và đang là nguồn tài nguyên hấp dẫn cho nhiều nhà làm phim. Không ít tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của ngành du lịch một số tỉnh, thành phố.
Sau thành công của các bộ phim: Chuyện của Pao (2006), Cha cõng con (2017), Cánh đồng bất tận (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mắt biếc (2019), Em và Trịnh (2022)… những bối cảnh quay ở Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt… đã trở thành điểm du lịch du khách yêu thích tìm đến trải nghiệm. Theo thống kê năm 2018 – 2019 của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tỉ lệ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương sau khi các phim trên được công chiếu là khá ấn tượng, như: Phú Yên tăng 113%, Hà Giang tăng 64%, Quảng Ninh tăng 69%, Quảng Bình tăng 141%…
Đặc biệt, gần đây nhất có thể kể đến bộ phim “Hành trình tình yêu của một du khách” do Netflix quay tại các điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Giang, chỉ sau bốn ngày công chiếu đã xuất sắc lọt vào vị trí thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu trong top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia trên toàn cầu. Phong cảnh Việt Nam trở nên lung linh hơn bởi các góc quay chuyên nghiệp. Không chỉ danh lam thắng cảnh, mà những nét thuần hậu của người Việt, tà áo dài thướt tha hay cách đón tết, cảnh múa lân… xuất hiện trong phim cũng làm nổi bật nét văn hóa của người Việt và thôi thúc khán giả quốc tế tới Việt Nam để khám phá và trải nghiệm.
Có thể thấy được, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách cả trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Tuy nhiên, những thước phim đẹp về các vùng miền xuất hiện trong các bộ phim phần lớn mới chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung và chưa thực sự phục vụ cho mục đích quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên, những cái “bắt tay” thật chặt và hiệu quả đến nay vẫn chưa được phát huy đúng mức. Tiềm năng du lịch của nhiều vùng chưa được các nhà làm phim “đánh thức” và khai thác một cách hiệu quả, việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ.
Du lịch Phú Yên được nhiều du khách biết đến sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Chiến lược cho sự phát triển bền vững
Từ thực trạng nêu trên, ngành điện ảnh và du lịch cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và có một chiến lược lâu dài cho sự kết hợp phát triển bền vững.
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết: “Với một chuỗi các sự kiện chiếu phim miễn phí, triển lãm, đại nhạc hội, hội thảo…, đây là lần đầu tiên có chương trình kết nối giữa hai lĩnh vực Du lịch và Điện ảnh được thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên thông qua các diễn đàn có được các sản phẩm cụ thể là các thỏa thuận về xây dựng phim trường, về đầu tư cho điện ảnh”.
Ông Hoàng cũng chia sẻ thêm, chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 tại tỉnh Khánh Hòa có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo được tiếng vang lớn, được truyền thông rộng rãi góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim, điện ảnh đồng thời kích cầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Khánh Hòa. Chương trình được các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, điện ảnh, nhà làm phim, nhà sáng tạo điện ảnh, đạo diễn, nghệ sĩ…đánh giá cao về quy mô, nội dung chương trình và thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan, đơn vị liên quan đối với việc phát triển ngành du lịch và ngành điện ảnh nước nhà. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình đã góp phần tạo mối liên kết giữa “Doanh nghiệp – Nhà hoạt động điện ảnh – Địa phương”.
Đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và là cơ hội để ngành du lịch Khánh Hòa quảng bá, giới thiệu đến các nhà làm phim về sự đa dạng cảnh quan, điểm đến cũng như chất lượng của các sản phẩm dịch vụ du lịch mà địa phương đang sở hữu, phù hợp cho việc thực hiện các dự án phim trong thời gian tới.
Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lần đầu tiên được Bộ VHTTDL tổ chức năm 2023 tạo cơ hội cho “cái bắt tay” chặt hơn giữa điện ảnh và du lịch
Cũng theo ông Nguyễn Huy Hoàng, sau Chương trình, rất nhiều tỉnh, thành đã đề xuất mong muốn đăng cai tổ chức vào những năm tới như: tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang, tỉnh Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh…Sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các Sở, ngành, hiệp hội của địa phương trong việc tổ chức các hoạt động trong Chương trình được tăng cường, tạo tiền đề cho việc tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện điện ảnh, du lịch những năm tới.
Sau thành công của sự kiện năm 2023, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Chương trình Du lịch- Điện ảnh và Thể thao: Tự hào bản sắc Việt dự kiến diễn ra trong tháng 8/2024 tại Bình Định.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: “Chương trình sẽ là cơ hội để các đối tác, nhà đầu tư, các nhà hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển du lịch của tỉnh Bình Định, đồng thời cùng nhau trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến để làm thế nào kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch và điện ảnh, thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia, quảng bá điểm đến du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương có bối cảnh phim thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đồng thời, gắn kết hơn nữa mối liên hệ giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà hoạt động điện ảnh trong việc mang lại hiệu quả du lịch từ điện ảnh”.
Chương trình Du lịch- Điện ảnh và Thể thao: Tự hào bản sắc Việt dự kiến diễn ra trong tháng 8/2024 tại Bình Định góp phần góp phần kết nối di sản văn hóa vùng Nam Trung Bộ trong công tác quảng bá du lịch, liên kết với nhau thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch của cả vùng nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng
Các hoạt động trong Chương trình như chiếu phim miễn phí, đại nhạc hội, triển lãm, hội thảo… góp phần kết nối di sản văn hóa vùng Nam Trung Bộ trong công tác quảng bá du lịch, liên kết với nhau thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch của cả vùng nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng; Tạo dựng môi trường, nhịp cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, các nhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch – điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế; Khuyến khích sự hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và nhà hoạt động điện ảnh bằng các chính sách phù hợp của địa phương trong việc thông qua hoạt động điện ảnh để kích cầu du lịch, quảng bá thương hiệu và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, góp phần quảng bá điểm đến của Việt Nam một cách có hiệu quả hơn nữa./.
Hồng Hà
Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 04/6/2024