Định vị du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới

Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, từ chỗ
tụt hậu khoảng 20 năm so với mặt bằng chung của các nước ASEAN về phát
triển du lịch, trong những năm gần đây, nhờ có chính sách đột phá trong
quản lý, vận hành và phát triển nên ngành Du lịch Việt Nam đã có mức
tăng trưởng cao và ổn định, được du khách cũng như các chuyên gia du
lịch thế giới đánh giá cao. Trong khu vực ASEAN, du lịch Việt Nam đã
vượt Indonesia để vươn lên vị trí thứ 4 (sau Thailand, Malaysia và
Singapore) về lượng khách và đứng hàng đầu về tốc độ tăng trưởng.
 

Thời gian, con số và những danh hiệu 

Trong
giai đoạn 2015-2019, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm
2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5%/năm,
khách quốc tế từ 7,9 triệu lượt lên hơn 18 triệu lượt, mức tăng trưởng
bình quân đạt 22,7%/năm. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới
(UNWTO), đây là mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Du lịch đã khẳng định
được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, tỷ lệ đóng
góp vào GDP cả nước tăng mạnh: Năm 2013, Việt Nam tổng thu du lịch đạt
200 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP mới chỉ đạt
3,9%. Năm 2019, tổng thu du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, đóng góp của du
lịch vào GDP tăng lên đến 9,2%; du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo,
đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi
trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, chỉ số
năng lực cạnh tranh du lịch và năng lực phát triển du lịch Việt Nam cũng
có sự gia tăng nhanh: Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 60/140 nền kinh tế về
năng lực cạnh tranh du lịch, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, Việt
Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế về năng lực phát triển du lịch, tăng 8
bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số
cao nhất thế giới.

Sau
thời gian “đóng băng”, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19,
ngành Du lịch Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa
trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Năm 2022, lượng khách
nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra (60
triệu lượt khách), vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019.
Tình hình khách du lịch quốc tế có những tín hiệu tích cực, lượng khách
du lịch quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch. Tổng thu từ
khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và
đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Năm 2023, hoạt động du lịch có sự
phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du
lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8
triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm.

Trong
suốt giai đoạn 2013 tới nay, du lịch Việt Nam đã liên tục gặt hái được
nhiều danh hiệu. Việt Nam liên tục lọt top các địa điểm du lịch hàng đầu
thế giới, châu lục và khu vực như: Trang CTV News và báo điện tử The
Malay Mail trích đăng ngày 31/12, Việt Nam đứng đầu trong năm địa điểm
du lịch “thu hút nhất” trong năm 2015; Năm 2017, Hiệp hội phóng viên du
lịch Thái Bình Dương bình chọn Việt Nam là “Điểm đến đang nổi đối với du
lịch sang trọng”, xếp thứ 6 trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch hàng
đầu thế giới theo UNWTO; Năm 2018, Việt Nam là điểm đến duy nhất của
châu Á trong danh sách 10 điểm đến du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới
do Tripadvisor bình chọn. Theo UNWTO, Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 điểm
đến có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới năm
2018…; Cũng từ năm 2017 tới nay, du lịch Việt Nam liên tục nhận được
các giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World
Travel Awards) như: 5 lần là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (năm 2018,
2019, 2021, 2022, 2023), 2 lần liên tiếp đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên
hàng đầu châu Á” (năm 2022 và 2023) 4 lần liên tiếp “Điểm đến Golf tốt
nhất châu Á” (từ năm 2017-2020), khẳng định thương hiệu và sức hút đặc
biệt của Du lịch Việt Nam. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần (năm
2017, 2021, 2022, 2023) được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng
đầu châu Á. Những danh hiệu này, đã nâng tầm và định vị vị thế của du
lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Nguyên nhân của những thành tích 

Để
có được những danh hiệu và thành công như trên trước hết phải tính tới
các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành
Du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017,
về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị
quyết có ý nghĩa lịch sử, tạo điều kiện nâng tầm vị thế phát triển du
lịch Việt Nam.

Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị nhằm phát triển
du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua
nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế – xã hội, chỉ ra
những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế yếu kém cần khắc phục và quan trọng
nhất là các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy
và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du
lịch.

Bên cạnh Nghị quyết này, một số chủ trương, chính sách, pháp luật
về du lịch đã được ban hành, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà
nước đối với lĩnh vực du lịch như Luật Du lịch (năm 2017), Quyết định số
147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2030 (năm 2020), chính sách thị thực mới kéo dài thời hạn thị thực điện
tử (từ 30 ngày lên 90 ngày), đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú
45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) cũng tháo gỡ “điểm nghẽn” cho
ngành du lịch, tạo đà cho thị trường đón khách quốc tế đến Việt Nam tăng
tốc…

Hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam được định hình rõ ràng, đóng
góp chung vào sự đa dạng của sản phẩm du lịch trong khu vực và có sức
cạnh tranh với 4 dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch
văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng
đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Bên cạnh đó, các dòng
sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc
sức khoẻ, du lịch thể thao, du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch
đêm… đã được chú trọng triển khai ở cấp độ quốc gia và địa phương,
từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.

Công
tác xúc tiến quảng bá và định vị thị trường khách đã được ngành Du lịch
dành nhiều ưu tiên thông qua việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá hướng tới
các thị trường khách mục tiêu bằng cả kênh truyền thống và phi truyền
thống. Gần đây nhất, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động
(thành lập theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ
tướng Chính phủ, chính thức ra mắt vào ngày 01/4/2022) cũng góp phần
không nhỏ vào hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Quỹ có chức năng xúc
tiến du lịch trong nước và nước ngoài thông qua các sự kiện, phương
tiện thông tin, truyền thông, các ấn phẩm, vật phẩm và nền tảng số; hỗ
trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào
tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ hoạt động
truyền thông du lịch trong cộng đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
cũng đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với
mục tiêu quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu
trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh
của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược
Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Bên
cạnh những nguyên nhân chủ yếu này, thì cũng kể đến một số nguyên nhân
khác như: Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ ổn định chính
trị, xã hội và là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho nhiều thị trường khách
quốc tế; kết nối thị trường khách nội địa và quốc tế thông qua các vận
chuyển trực tiếp (chủ yếu bằng đường hàng không) đến các điểm du lịch
trong nước ngày càng trở nên phổ biến; nhu cầu du lịch của người dân
ngày càng tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19…

 Tầm nhìn quốc gia và quy mô quốc tế 

Mặc
dù đã đạt được nhiều thành công và danh hiệu, nhưng ngành Du lịch Việt
Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Sản phẩm du lịch
dù đã định hình nhưng vẫn chưa bắt kịp với xu thế đa dạng của khách
hàng; Thị trường khách vẫn bị phụ thuộc vào một số thị trường chính,
việc kết nối và khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn
chậm; Nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng; các cơ
sở vật chất kỹ thuật có chất lượng dịch vụ tốt chưa nhiều; sự phối hợp,
kết nối giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch còn rời rạc,
thiếu sự nhất quán; Sự cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt giữa các
điểm đến du lịch trong khu vực và trên thế giới; Tác động của các vấn đề
toàn cầu (bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đại dịch, chiến tranh,
chuyển dịch lao động, sự phát triển của khoa học công nghệ, phát triển
bền vững…) tới sự phát triển du lịch ngày càng cao…

Để
nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Việt Nam cần tầm
nhìn quốc gia để tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng này bằng các
định hướng, chủ trương: Ưu tiên phát triển du lịch cả về chính sách,
ngân sách đầu tư phát triển du lịch và sự phát triển cơ sở hạ tầng, cơ
sở vật chất kỹ thuật du lịch; Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các bộ,
ngành, địa phương và các chủ thể liên quan khác để triển khai có hiệu
quả việc xây dựng chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ, xây dựng điểm đến và
sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững; Tăng cường nghiên cứu thị
trường, tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc
tế lớn, thành lập các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài
và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có
thế mạnh; Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu
hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và
trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; Đẩy nhanh việc
chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái
du lịch thông minh ở Việt Nam; công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở quy
mô quốc tế.

PGS. TS Phạm Hồng Long

Trưởng Khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội

Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 13/02/2024

Bài viết được đề xuất