TP HCM- Sau 8 năm hoạt động, phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, được xem là điểm đến quen thuộc của cả du khách và người dân địa phương. – Du lịch
Phố đi bộ Nguyễn Huệ dài hơn 670 m, bắt đầu từ trụ sở UBND TP HCM đến công viên Bạch Đằng và cắt qua một số con đường như: Lê Lợi, Tôn Thất Đạm, Ngô Đức Kế, Hải Triều. Tuyến phố thường là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động cả ngày. Từ thứ hai đến thứ 6, các phương tiện vẫn được lưu thông qua khu vực này. Vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ cấm các loại xe đi vào từ 18h đến 22h, để dành không gian cho người đi bộ.
Theo anh Trần Duy Hiếu, hướng dẫn viên tự do chuyên tour nội đô TP HCM, có hai khoảng thời gian thích hợp để dạo chơi khu vực này. Từ 8h đến 10h, du khách sẽ được tận hưởng nhịp sống chậm rãi, ít xô bồ hơn của “thành phố không ngủ”. Sau 19h, phố đi bộ lại mang một diện mạo khác, sôi động hơn, đặc biệt là những tối cuối tuần.
Anh cũng gợi ý du khách có thể trải nghiệm một số hoạt động vui chơi, giải trí dưới đây khi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Di chuyển
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm ở trung tâm thành phố nên việc đi lại khá thuận tiện. Nếu lần đầu đến TP HCM, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe công nghệ (ôtô hoặc xe máy). Vào các khung giờ cao điểm, lượng xe đổ về phố đi bộ khá đông do khu vực này tập trung nhiều tòa nhà văn phòng. Điều này có thể khiến kéo dài thời gian di chuyển giữa các điểm đến.
Ngoài ra, các phương tiện công cộng trong thành phố cũng khá phổ biến. Những tuyến xe buýt để đến phố đi bộ gồm 03, 04, 124, 152, 19 và 93. Tuy nhiên, trạm xe buýt sẽ không dừng trực tiếp tại phố, du khách cần đi bộ thêm một quãng đường tùy vào từng tuyến xe.
Khi đến phố đi bộ, du khách có thể chọn thuê xe đạp công cộng để di chuyển đến các điểm vui chơi, ăn uống. Dọc phố có hai điểm đặt xe ở đầu và cuối đường. Giá thuê xe đạp là 5.000 đồng cho 30 phút và 10.000 đồng cho 60 phút. Vào các ngày cuối tuần, hoạt động này được khá nhiều người lựa chọn, một số nơi có thể hết xe. Du khách nên tải phần mềm TNGO để tham khảo các điểm đặt xe gần mình và thuê xe.
Lựa chọn chủ động nhất là thuê xe máy. Hầu hết các điểm lưu trú đều hỗ trợ thuê xe. Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn theo các gợi ý trên mạng. Giá thuê một ngày dao động 100.000 – 200.000 đồng tùy loại xe. Dọc phố đi bộ có khá nhiều bãi gửi xe với mức giá 10.000 đồng mỗi xe.
Hoạt động vui chơi
- Đi dạo và chụp ảnh ở các địa điểm nổi tiếng
Đi bộ dọc tuyến phố này, du khách không khó để tìm được những góc chụp ảnh đẹp như trước trụ sở UBND thành phố, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chung cư 42 Nguyễn Huệ, mặt tiền quán Ciao Cafe. Đây là các điểm đến mang nét đặc trưng của phố đi bộ, không thể không ghé qua, nhất là với những người lần đầu đến. Phố đi bộ không có nhiều mái che và bóng râm, du khách nên mang theo nón hoặc dù nếu đến vào buổi sáng.
- Đài quan sát Saigon Skydeck
Đài quan sát Saigon Skydeck nằm ở tầng 49 của tháp tài chính Bitexco Financial Tower (đường Hải Triều, quận 1). Đây là đài quan sát đầu tiên của Việt Nam ở độ cao 180 m. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh TP HCM.
Saigon Skydeck mở cửa từ 9h30 đến 21h30 mỗi ngày. Giá vé vào cổng được chia thành nhiều loại. Du khách có thể mua trực tiếp tại sảnh tháp Bitexco hoặc mua online qua các nền tảng trung gian. Vé dành cho người lớn là 240.000 đồng. Trẻ em từ 4 đến 12 tuổi hoặc người trên 65 tuổi giá vé là 160.000 đồng. Trẻ dưới 3 tuổi được miễn phí.
Đài quan sát có 6 ống nhòm tầm xa, có khả năng quay ngang 360 độ và quay lên xuống góc 50 độ. Ngoài ra còn có hệ thống 6 màn hình thông tin cảm ứng được bố trí dọc theo tường kính của đài quan sát. Trên màn hình mỗi máy là hình ảnh tương ứng với khung cảnh bên ngoài, khi du khách đứng tại vị trí đặt máy, màn hình sẽ có các điểm hiển thị mà khi kích hoạt, thông tin chi tiết về một địa điểm danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử sẽ hiện ra.
- Xe buýt 2 tầng
Du khách có thể chọn xe buýt 2 tầng để dạo quanh thành phố trong lần đầu ghé thăm. Xe hoạt động từ 9h đến 22h30 mỗi ngày, có thể mua vé trực tiếp tại quầy ở điểm xuất phát 92-96 Nguyễn Huệ, đối diện Nhà hát thành phố hoặc đặt online.
Hành trình city tour TP HCM bằng buýt mui trần hai tầng có dài hơn 13 km, đi qua quận 1, quận 3 với 30 điểm tham quan nổi tiếng như Dinh Thống nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố. Mỗi ngày có 22 chuyến, mỗi chuyến dài khoảng 60 phút, thời gian cách chuyến ban ngày là 30 phút, ban đêm là 60 phút. Trên xe có hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ tự động hướng dẫn về các địa điểm trên đường, bản đồ du lịch, wifi miễn phí, hướng dẫn viên.
“Hoạt động này khá được lòng những du khách lần đầu đến TP HCM. Vào mùa hè, các chuyến xe buổi tối sẽ thoải mái hơn, tránh được nắng nóng và những cơn mưa bất chợt”, anh Hiếu gợi ý.
Địa điểm ăn uống
- Ẩm thực đường phố
Bên cạnh các nhà hàng nổi tiếng, dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn đường phố hấp dẫn.
Buổi sáng, phố đi bộ khá yên ắng, đông đúc nhất chủ yếu là các tiệm cà phê. Du khách có thể chọn ngồi uống tại chỗ hoặc mua mang về.
Từ chiều tối, các hàng quán bắt đầu hoạt động nhiều hơn. Kem kẹp, trà sữa, cheese tart, bingsu… là một số món ăn vặt du khách có thể thử khi đến phố đi bộ.
Vào buổi tối, khu vực này cũng tập trung nhiều xe bán hàng rong. Tuy nhiên, mức giá của các xe này không ổn định và khá cao so với mặt bằng chung. Du khách nên hỏi giá trước khi mua để tránh bị “chặt chém”.
- Chung cư 42 Nguyễn Huệ
National Geographic UK từng chia sẻ hình ảnh về chung cư 42 Nguyễn Huệ kèm chú thích: “Đây là khu chung cư cũ được cải tạo để kinh doanh cà phê, nhà hàng, không gian làm việc thu hút đông giới trẻ”. Tọa lạc ngay mặt tiền phố đi bộ, du khách không quá khó để tìm thấy địa điểm thú vị này ngay lần đầu đến TP HCM.
Tòa chung cư có 9 tầng. Du khách có thể chọn đi thang bộ hoặc thang máy với mức phí 10.000 đồng/lượt. Mỗi tầng tập trung không ít tiệm cà phê hay quán ăn. Theo nhận xét chung của nhiều du khách, mỗi hàng quán ở đây đều mang một màu sắc riêng nên khá thú vị. Ngoài ra, một số quán cà phê còn thu hút khách bởi khu vực ban công có tầm nhìn hướng thẳng xuống phố đi bộ.
Minh Chi, du khách đến từ Nha Trang, nhận xét uống cà phê tại các chung cư cũ là một hoạt động khá thú vị ở TP HCM. Không chỉ thưởng thức đồ uống, đây còn là cơ hội để du khách có thể tìm hiểu thêm về lịch sử của thành phố cũng như có được những bức ảnh check-in ấn tượng từ đây.
Tuy nhiên, vì nằm trong khu chung cư cũ nên diện tích của các hàng quán ở đây khá nhỏ. Vào ngày cuối tuần, một số thương hiệu nổi tiếng có thể hết chỗ từ sớm.
Một số gợi ý cho du khách khi đến chung cư 42 Nguyễn Huệ: %Arabica, Boo Coffee, Saigon Ơi Cafe, Poke Saigon, 21 Grams Vegetarian.
- Saigon Garden
Saigon Garden là khu tổ hợp nằm ở mặt tiền phố đi bộ. Khu tổ hợp gồm các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng quần áo… và mở cửa từ 8h đến 22h mỗi ngày. Anh Hiếu nhận xét với những du khách lần đầu đến thành phố, các khu tổ hợp là lựa chọn vui chơi khá an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu từ ăn uống đến mua sắm.
Song, vào các tối cuối tuần, địa điểm này khá đông đúc. Nếu muốn ghé các hàng quán nổi tiếng trong khu tổ hợp vào thời gian trên, du khách nên chủ động đặt chỗ trước. Các địa chỉ ăn uống ở đây phong phú, từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Khu tổ hợp còn gây ấn tượng bởi thiết kế mở và không gian sân vườn nhiều cây xanh. Ngoài ghé các nhà hàng nổi tiếng, du khách còn có thể đến đây vào buổi sáng để uống cà phê và ngắm nhìn tuyến phố đi bộ.
Thực khách có thể tham khảo một số địa chỉ sau khi dùng bữa tại đây: BeAn Vegetarian, Starbuck, Social Local, Koi Thé.
Lưu ý:
- Phố đi bộ Nguyễn Huệ cấm xe máy vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
- Chủ động bảo quản tư trang cá nhân khi đến nơi đông người.
- Nên đi giày thể thao hoặc giày đế bằng để tiện cho việc di chuyển nhiều.
Vân Khanh