Khách nước ngoài đến Sài Gòn làm tóc, mua sắm vì giá rẻ

TP HCM- Xianne, đến từ Singapore, cho biết chi phí làm đẹp và mua sắm ở TP HCM rẻ hơn 3-4 lần so với Singapore, trong khi chất lượng dịch vụ tương đồng. – Du lịch

Trước khi đến TP HCM du lịch vào tháng 11, chị Xianne lên các trang tư vấn du lịch, tìm kiếm trên mạng xã hội để lên lịch trình cho chuyến đi chơi 3 ngày 2 đêm. Thay vì ghé thăm các điểm check in, tham quan như một số chuyến đi trước tại châu Âu, các hoạt động trong chuyến du lịch Sài Gòn của Xianne xoay quanh ăn uống, ghé các quán cà phê, mua quần áo và làm đẹp.

Du khách Singapore làm tóc tại một tiệm ở quận 1 với giá 1,4 triệu đồng cho dịch vụ cắt, nhuộm. Ảnh: Xianne

Du khách Singapore làm tóc tại một tiệm ở quận 1 với giá 1,4 triệu đồng cho dịch vụ cắt, nhuộm. Ảnh: Xianne

Xianne cho biết cô tìm được một số điểm làm tóc, tiệm quần áo được review trên TikTok “chỉ dân địa phương mới biết”. Nữ du khách Singapore đến một tiệm làm tóc trong hẻm tại trung tâm quận 1 để cắt, nhuộm với tổng chi phí 1,4 triệu đồng.

Cô nhận xét mức giá này rẻ hơn 3-4 lần so với khi làm tóc tại Singapore. Giá rẻ nhưng dịch vụ chăm sóc khách hàng “không thể chê được” và tiệm cũng sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc của thương hiệu có tên tuổi.

Xianne cho biết chất lượng tương xứng với dịch vụ ở Singapore nhưng giá rẻ hơn nhiều. Chi phí một lần cắt, nhuộm tóc ở Singapore khoảng 5 triệu đồng, nếu làm thêm phục hồi giá sẽ cao hơn. “Sài Gòn là thiên đường mua sắm, làm đẹp, chắc chắn tôi sẽ quay lại nhiều lần nữa”, Xianne nói.

Nữ du khách Singapore cho rằng khác biệt ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi mua sắm tại Sài Gòn. Các nhân viên tại tiệm làm tóc hầu như không giao tiếp được với cô và phải dùng đến phần mềm dịch để tư vấn, báo giá.

Trước đó, hôm 17/10, trên các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và thông tin Lisa – thành viên ban nhạc Blackpink đến Sài Gòn trong nửa ngày chỉ để mua sắm. Nữ ca sĩ và bạn ghé ba khu mua sắm nổi tiếng với giới trẻ TP HCM là chung cư 26 Lý Tự Trọng, The New Playground và chung cư 42 Tôn Thất Thiệp.

“Cũng nhờ đọc được thông tin về Lisa mà tôi biết thêm những địa điểm mua sắm ở Sài Gòn cho chuyến du lịch vừa rồi. Những địa điểm này hầu như ít được giới thiệu trên các trang tư vấn chính thống”, du khách Xianne nói.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Klook – nền tảng thương mại điện tử về du lịch và trải nghiệm, nhận định xu hướng du khách đến TP HCM để chi tiêu cho các dịch vụ làm đẹp, mua sắm ngày càng tăng. Các dịch vụ này tại TP HCM đa dạng và tiềm năng phát triển tiệm cận với các trung tâm làm đẹp đi đầu trong khu vực ở Hàn Quốc hay Thái Lan. Chất lượng dịch vụ, tay nghề thậm chí còn tốt hơn so với giá cả. Tuy nhiên, các cơ sở làm đẹp tại TP HCM còn hoạt động nhỏ lẻ, chưa đủ để phát triển thành một sản phẩm du lịch. Do đó, doanh thu đóng góp cho ngành du lịch còn ở mức khiêm tốn, khoảng 5%, so với dịch vụ khác như lưu trú hay tham quan, ăn uống.

Theo ông Hoàng, cái khó của của dịch vụ mua sắm, làm đẹp tại TP HCM là “mỗi nơi làm một kiểu”, chưa có sự đồng bộ, chưa có các chiến dịch quảng bá, chưa mang tầm cỡ thành phố. Để phát triển thành một sản phẩm du lịch cần xây dựng quy mô lớn, các cơ sở kinh doanh phải hình thành hệ thống ở các thành phố lớn. Ông Hoàng lấy ví dụ ở Thái Lan có các chuỗi spa, massage phủ ở các thành phố du lịch như Bangkok, Phuket, được quảng bá thông qua Tổng cục du lịch Thái Lan, tổng cục du lịch các nước, phủ sóng sản phẩm qua các nền tảng du lịch online OTA.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc công ty du lịch Elena Vietnam Travel, cũng cho rằng tiềm năng thu hút chi tiêu của khách nước ngoài thông qua các hoạt động mua sắm, làm đẹp ở TP HCM nói riêng và các thành phố du lịch nói chung là rất lớn. Do có lợi thế về chênh lệch tỷ giá, các dịch vụ làm răng, làm tóc ở Việt Nam rẻ hơn gấp 3-4 lần so với ở Singapore, Australia hay Hàn Quốc. Tay nghề của người làm làm các dịch vụ này ở Việt Nam luôn được đánh giá “tốt hơn rất nhiều”.

“Một du khách ở phân khúc 4 sao du lịch TP HCM trong 5 ngày có thể bỏ ra 5 triệu đồng mỗi ngày  cho mua sắm, làm đẹp. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiền mua sắm, làm đẹp vẫn thấp hơn các dịch vụ khác mặc dù nhiều tiềm năng và có thể phát triển hơn nữa”, bà Yến nói.

Bà Hải Yến nhận định Sài Gòn là thị trường lớn và đa dạng sản phẩm làm đẹp, mua sắm nhưng rất ít điểm chuyên biệt phục vụ cho nhóm khách nhất định. Tại Việt Nam, các thành phố đi đầu trong dịch vụ này phải nhắc đến Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An. Tại các thành phố này, dịch vụ được phân chia rõ ràng cho nhóm khách, ví dụ có spa chuyên phục vụ cho khách Trung hoặc khách Hàn, phong các phục vụ và sản phẩm được thiết kế chuyên biệt cho từng đối tượng. Đây là điểm mà ở TP HCM chưa có được.

Bà Yến chia sẻ từng dẫn những đoàn khách inbound đi một số tiệm spa, nail ở TP HCM nhưng phần lớn chưa có nơi nào cung cấp dịch vụ chuẩn cho khách du lịch. Hầu hết tiệm đều vướng phải rào cản ngôn ngữ, nhân viên chỉ có tay nghề chuyên môn chứ không được đào tạo ngoại ngữ để đón tiếp khách nước ngoài.

“Chỉ có một số ít cơ sở làm răng tại TP HCM biết cách phục vụ nhóm khách du lịch, thu hút khách quay lại. Tại công ty chúng tôi, nhu cầu khách tìm kiếm các dịch vụ này cao nhưng tỷ lệ quay lại sử dụng dịch vụ chỉ khoảng 10%, chủ yếu do khách giới thiệu qua lại cho nhau chứ không phải biết đến thông qua hoạt động quảng bá của địa phương”, bà Yến nói.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết vài năm gần đây, mua sắm đã trở thành một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng nhiều hơn đến lựa chọn du lịch của du khách và thậm chí trở thành động lực chính để họ quyết định các chuyến đi.

Trong 11 tháng đầu năm, TP HCM đạt doanh thu 160.000 tỷ đồng, cao hơn 25% so với năm 2019 (trước dịch COVID-19). Trong đó, hoạt động mua sắm của khách quốc tế đóng góp 9%, khách nội địa là 2%.

Mặc dù mua sắm được xem là sản phẩm chính của ngành du lịch thành phố, song tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm còn thấp. Tại TP HCM, khách du lịch dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm. Ở Bangkok (Thái Lan), chỉ số này là 23%, Kuala Lumpur (Malaysia) 32%, Singapore 28%. Theo ghi nhận của Sở Du lịch TP HCM, khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua còn thấp.

Để thúc đẩy hoạt động mua sắm trong giai đoạn trước mắt, ngày 15/12, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM và UBND quận 1 tổ chức hoạt động livestream bán hàng tại chợ Bến Thành. Các tiểu thương tham gia bán hàng trên TikTok sẽ làm việc với các Tiktoker để giới thiệu, lên danh mục và công dụng của sản phẩm. Đây là hoạt động nằm trong sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023 – Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”.

Ở tầm nhìn dài hơn hơn, giai đoạn 2026-2030, Sở Du lịch TP HCM kêu gọi đầu tư các cửa hàng miễn thuế, các cửa hàng bán các sản phẩm có thương hiệu với giá rẻ (outlet store) có quy mô lớn tại các vùng trọng điểm du lịch của thành phố như Củ Chi, Cần Giờ, Chợ Lớn và TP Thủ Đức.

Bích Phương


Bài viết được đề xuất