48 giờ ở Ninh Bình

Không gian nhà hàng trên QL12B.

Nho Quan là nơi bạn có thể “làm mới” cho chuyến du lịch Ninh Bình hai ngày cuối tuần, với những trải nghiệm không giống các hành trình trước đây. – Du lịch

Ninh Bình với Tràng An, Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Tam Cốc – Bích Động… là những điểm đến đã quen thuộc với nhiều du khách. Nhưng Ninh Bình là nơi còn rất nhiều trải nghiệm thú vị khác để phù hợp cho chuyến đi sắp tới của bạn. Lịch trình hai ngày dưới đây dành cho du khách khởi hành từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tới Nho Quan, địa danh nằm ở phía tây bắc của Ninh Bình.

Ngày 1

Buổi sáng

Hành trình từ Hà Nội tới Ninh Bình theo cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A và ĐT477 để ghé qua Đan viện Châu Sơn. Du khách nên lưu ý tình trạng kẹt xe thường xảy ra ở cửa ngõ ra vào thành phố vào sáng thứ bảy.

Đan viện Châu Sơn được xây dựng từ năm 1939, nằm trong khu vực rừng núi yên tĩnh, gần điểm giao của ba tỉnh Hà Nam – Hòa Bình – Ninh Bình. Lần đầu nhìn thấy Đan viện, bạn sẽ có cảm giác như đang ở châu Âu.

Theo Sở Thông tin Truyền thông Ninh Bình, thiết kế của Đan viện theo phong cách Gothic với bức tường bao dày 0,6 m, cột dày 1,2 m, tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ mùa hè. Điểm nhấn của Đan viện là những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng dài 64 m. Bên ngoài thánh đường là những bức tranh hình tượng chúa Jesus hình người vác thánh giá cầu nguyện. Phía trong thánh đường là một dãy hành lang rộng có ánh sáng tự nhiên. Không gian sân vườn với hàng trăm loại cây xanh mát và được chăm chút cẩn thận.

Lưu ý, bạn cần chuẩn bị trang phục lịch sự, không mặc đồ hở hoặc ngắn. “Bạn sẽ không thể vào bên trong nếu mặc quần soóc hay áo hai dây. Thời gian cũng khá chặt chẽ, nên tốt nhất là liên hệ trước để có đủ thông tin”, một du khách từ Hà Nội cho hay.

Ngày thường, Đan viện hạn chế khách du lịch nên du khách sẽ không được tham quan. Vào các dịp đầu tháng có thánh lễ, nhà thờ sẽ mở cửa cho người đến tham quan sau giờ lễ nguyện: Sáng: 8h-10h30 (chủ nhật đến 10h) và chiều từ 14h30 đến 16h30 (chủ nhật từ 15h30-16h30) trừ mùa chay (khoảng tháng 3) và kỳ tĩnh tâm đầu tháng 8.

Buổi trưa

Quanh khu vực Nho Quan không có nhiều nhà hàng quán ăn. Nên có hai lựa chọn là đến khu nghỉ dưỡng và ăn tại nhà hàng ở đó, hoặc ghé một nhà hàng bất kỳ ven đường.

“Chúng tôi đã đến một nhà hàng có tên Vườn Bia Lẩu Nướng, ngay trên QL12B, chỉ cách Đan viện Châu Sơn khoảng 5 km theo gợi ý của Tripadvisor và Google Maps. Đây là một nhà hàng sân vườn khá mát mẻ, với các món ăn dân dã. Các loại rau củ được trồng ngay trong vườn nhà”, chị Hà, từ Hà Nội, cho biết. Nhà hàng cũng đã nhận được nhiều bình luận tốt.

Không gian nhà hàng trên QL12B.

Không gian nhà hàng trên QL12B.

Buổi chiều

Check in khách sạn, như khu nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort, cách Đan viện Châu Sơn khoảng 10 km và cách cổng chính của Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng 3 km. Ngoài Cúc Phương Resort, du khách đến khu vực này có thể lưu trú tại Tràng An Golf & Resort hoặc Vedana Ninh Binh Resort, có giá dao động từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng một đêm.

Mức bình dân hơn có Cúc Phương Hotel từ 200.000 đồng một đêm. Bên trong Vườn quốc gia sát hồ Mạc có nhà sàn và khách sạn với giá từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng một đêm.

Buổi chiều khi trời tắt nắng, bạn có thể thư giãn trong khuôn viên của khu resort với đường đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ nhàng khoảng 5 km và tại bể bơi trong khu nghỉ dưỡng. Nếu không ở trong khu nghỉ dưỡng, dạo bộ hay chụp ảnh hoàng hôn bên ruộng lúa trên con đường mới hoàn thành rộng và đẹp dẫn vào cổng Vườn quốc gia Cúc Phương là lựa chọn thay thế.

Bữa tối, thưởng thức các món ăn đặc trưng như dê, gà nướng của địa phương tại nơi nghỉ hoặc một trong các nhà hàng được Tripadvisor gợi ý gồm có Thảo Linh, Cúc Phương, cách cổng Vườn Quốc gia từ 1,5 đến 2,5 km.

Ngày 2

Trọn vẹn ngày thứ hai là hành trình khám phá Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nếu đến đây vào khoảng tháng 4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mùa bướm bay rợp trời. Vào các thời điểm khác trong năm, trải nghiệm là trekking nhẹ nhàng, đi bộ hoặc đạp xe trong không gian xanh yên bình. Sau khi ăn sáng, bạn trả phòng và di chuyển ra Vườn Quốc gia Cúc Phương.

>> Xem thêm: Mùa bướm trắng ở Cúc Phương

Bạn nên dành ít nhất hai tiếng rưỡi cho hành trình khám phá động Sơn Cung vì đoạn đường đi bộ vào đến cửa động mất khá nhiều thời gian. Lối đi vào động nhiều cây và có những đoạn đường cây phủ kín khó đi. Ngoài ra, bạn cũng phải leo nhiều bậc thang. Bên trong hang động còn nguyên sơ và khá tối, nên chuẩn bị một chiếc đèn pin. Một trong những điểm nổi bật của các hang động ở vườn quốc gia Cúc Phương là vẻ nguyên sơ.

Con đường đi tới cây chò ngàn năm.

Con đường đi tới cây chò ngàn năm.

Nên chuẩn bị sẵn nước uống dọc đường vì việc đi bộ có thể khiến cơ thể mất nhiều nước và mệt. Cùng trên hành trình, bạn đừng quên tham quan cây chò ngàn năm. Đây là cây chò đại thụ cao 45 m, đường kính 5 m và có chu vi hơn 20 người ôm mới hết.

“Để khám phá động Sơn Cung và cây chò, bạn đi xe vào trung tâm rừng. Lưu ý trang phục gọn gàng. Nên mặc quần và áo dài tay, để tránh xây xước cũng như có thể có vắt bám”, chị Mai, du khách Hà Nội, khuyên.

Nếu đi theo nhóm bạn hay đồng nghiệp, nên thuê xe đạp và thong dong trong rừng. Đủ sức khỏe, bạn có thể đạp thẳng vào trung tâm rừng khoảng 20 km và nghỉ ngơi, hạ trại, ăn trưa thư giãn. Lưu ý, đường đi có nhiều đoạn dốc. Còn nếu chỉ muốn đạp xe cho vui, có thể thử thách 7 km từ cửa rừng đến động Người xưa.

Cây chò ngàn năm. Ảnh: Hoàng Long

Cây chò ngàn năm. Ảnh: Hoàng Long

Nếu gia đình có trẻ nhỏ, lựa chọn lý tưởng nhất là tham quan khu trung tâm cứu hộ, bảo tồn động thực vật (có hướng dẫn viên), sau đó lái xe vào trung tâm rừng, trên đường đi có thể trekking một đoạn ngắn (khoảng 1,5 km một lượt) vào cây đăng cổ thụ, hoặc leo khoảng 100 bậc để lên động Người xưa. Vào trung tâm tầm giữa trưa, bạn sẽ đi bộ đến một bãi cỏ rộng, nơi có thể hạ trại, ăn trưa và nghỉ ngơi thư giãn, trẻ con có thể vẽ tranh, chơi các trò theo nhóm…

Gia đình cũng có thể chọn tham gia tour thả động vật hoang dã như chim, khỉ, bò sát, mèo rừng, cầy… về tự nhiên trong cung đường rừng nguyên sinh. Khi tham gia tour, du khách sẽ băng đường rừng, chiêm ngưỡng khung cảnh nguyên sơ và tham quan một số điểm của vườn quốc gia. Tour giới hạn 15 người mỗi lần để không ảnh hưởng tới hoạt động tái thả.

>> Xem thêm: Tour thả động vật về rừng Cúc Phương

“Trong rừng có nhiều khu vực không có sóng điện thoại. Ngoài ra cũng không có nhà hàng. Vì thế, bạn nên mang theo đồ ăn uống nhẹ như bánh mì hay bánh ngọt, các loại thịt nguội… “, chị Mai nói thêm. Lưu ý cần dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khi ăn uống trong rừng.

Vé vào cửa vườn quốc gia Cúc Phương 60.000 đồng mỗi người lớn, 10.000 đồng mỗi trẻ em, 30.000 đồng cho một xe ôtô, thuê xe đạp 120.000 đồng một ngày.

Trong rừng, trời tối khá nhanh. Khoảng 16h30, bạn nên kết thúc chuyến đi và trở về Hà Nội.

Linh Hương


Bài viết được đề xuất