48 giờ ở TP HCM

Bánh mì ở TP HCM có nhiều loại nhân khác nhau. Ảnh: Quỳnh Trần

Thưởng thức các món ăn hấp dẫn, đi xe buýt hai tầng, xem xiếc tre là những gợi ý cho du khách lần đầu đến TP HCM. – Du lịch

Dưới đây là lịch trình 48 giờ khám phá TP HCM được anh Nguyễn Hoàng Long, người làm truyền thông trong lĩnh vực du lịch, gợi ý cho những du khách lần đầu đến đây.

Ngày 1

8h: Ăn sáng bánh mì

Bánh mì ở TP HCM có nhiều loại nhân khác nhau. Ảnh: Quỳnh Trần

Bánh mì ở TP HCM có nhiều loại nhân khác nhau. Ảnh: Quỳnh Trần

Bánh mì là cái tên được nhiều du khách nhắc đến khi nói về ẩm thực của TP HCM. Một ổ bánh mì truyền thống thường có phần nhân gồm pate, các loại chả, đồ chua ăn kèm. Ở TP HCM, du khách còn có thể tìm thấy những phiên bản mới của món này như bánh mì chấm, bánh mì chảo, bánh mì kẹp kem.

Theo anh Long, du khách có thể tìm thấy những ổ bánh mì với nhiều mức giá khác nhau, từ 15.000 đồng đến 90.000 đồng. Du khách có thể tham khảo một số địa chỉ như bánh mì Huỳnh Hoa, bánh mì Bảy Hổ, bánh mì Chim Chạy.

9h: Cà phê bệt

Khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà, công viên 30/4 nổi tiếng với các hàng cà phê bệt. Khi thưởng thức cà phê ở đây, du khách sẽ được chủ quán cung cấp cho những tấm bìa carton hoặc bạt để trải ra ngồi dưới đất. Một vài hàng quán cũng trang bị thêm ghế nhựa nhỏ, tuy nhiên số lượng không nhiều. Giá các loại nước ở các quán cà phê bệt tương đối bình dân, từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng.

Cà phê bệt được nhiều du khách nhận xét là một nét văn hoá thú vị ở TP HCM. Ảnh: Chính Vũ

Cà phê bệt được nhiều du khách nhận xét là một nét văn hoá thú vị ở TP HCM. Ảnh: Chính Vũ

“Ngồi ở cà phê bệt thoải mái hơn ngồi trong các quán cà phê. Đây còn là khu vực trung tâm nên việc di chuyển đến các điểm tham quan nổi tiếng như bưu điện thành phố, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ… khá thuận tiện”, Hiếu Duy, một du khách từng trải nghiệm hoạt động này chia sẻ.

Theo anh Hoàng Long, lượng khách đến đây vào cuối tuần khá đông. Để đảm bảo an toàn, du khách nên gửi xe trước tại các điểm giữ xe và đi bộ qua quán. Trước khi rời đi, bạn nên chủ động dọn vệ sinh khu vực mình ngồi.

10h: Đi dạo và chụp ảnh ở trung tâm thành phố

Sau khi uống cà phê bệt, du khách có thể đi dạo và chụp ảnh tại một số địa điểm nổi tiếng gần đó như nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình, Dinh Độc Lập… Đây đều là những điểm đến lịch sử, mang tính biểu tượng của TP HCM.

Nếu không muốn đi bộ, du khách cũng có thể chọn đi dạo quanh trung tâm bằng xe đạp công cộng. Có khá nhiều điểm đặt xe ở khu vực quận 1. Du khách cần cài đặt ứng dụng TNGO để thuê xe. Chi phí thuê xe là 10.000 đồng cho 60 phút.

12h: Ăn trưa bún thịt nướng

Bún thịt nướng cũng là một món ăn quen thuộc của người dân TP HCM. Anh Hoàng Long gợi ý những du khách lần đầu đến thành phố có thể thử món này tại gánh bún thịt nướng nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực, quận 1.

“Tuy chỉ là một gánh hàng, lượng khách đến đây vẫn rất đông. Một tô đầy đủ có giá 60.000 đồng, gồm bún, thịt nướng và chả giò. Thịt ở đây tẩm ướp vừa ăn. Chả giò hơi ỉu. Ấn tượng nhất là chén nước mắm chua ngọt, ăn cùng củ kiệu”, anh Long nhận xét.

15h: Tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng

Sau khi nghỉ trưa, buổi chiều du khách có thể tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng. Xe hoạt động từ 9h đến 22h30 hằng ngày. Mỗi ngày có khoảng 22 chuyến, thời gian cách chuyến ban ngày là 30 phút, ban đêm là 60 phút. Thời gian cho hành trình khoảng 60 phút (bao gồm 3 phút dừng tại mỗi điểm để đón trả khách). Du khách có thể mua vé online hoặc tại quầy vé ở 92-96 Nguyễn Huệ, quận 1.

Du khách nước ngoài ngắm cảnh thành phố từ xe buýt 2 tầng. Ảnh: Quỳnh Trần

Du khách nước ngoài ngắm cảnh thành phố từ xe buýt 2 tầng. Ảnh: Quỳnh Trần

Xe đi qua 30 công trình, điểm tham quan nổi tiếng ở trung tâm thành phố như nhà thờ Đức Bà, UBND TP HCM, chợ Bến Thành, hồ Con Rùa… Trên xe trang bị hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ giúp du khách hiểu hơn về từng địa điểm đi qua. Thiết kế mui trần của xe còn giúp du khách dễ dàng ngắm cảnh đường phố từ trên cao và chụp ảnh lưu niệm.

18h: Ăn tối ốc

“Khác với các hàng ốc ở Hà Nội chủ yếu chế biến theo kiểu hấp sả hoặc luộc, ốc ở TP HCM lại được chế biến theo nhiều cách khác nhau như sốt trứng muối, xào me, rang muối ớt… Các loại ốc cũng đa dạng hơn”, Thanh Hương, du khách đến từ Hà Nội, nhận xét về món ăn này.

Dù không phải thành phố biển nhưng các quán ốc ở TP HCM có đủ loại như ốc hương, ốc mỡ, ốc bươu, ốc móng tay. Đường Vĩnh Khánh (quận 4) là con phố nổi tiếng với nhiều hàng ốc ngon. Chất lượng của hàng quán ở khu vực này được đánh giá khá đồng đều, dao động quanh mức 35.000 đồng một đĩa.

20h: Khám phá phố Tây Bùi Viện

TP HCM được mệnh danh là “thành phố không ngủ”. Theo anh Long, nếu không trải nghiệm cuộc sống về đêm khi đến đây là một thiếu sót. Phố Tây Bùi Viện là một gợi ý dành cho du khách. Khu vực này gồm ba tuyến phố Bùi Viện – Đề Thám – Phạm Ngũ Lão (quận 1). Khu phố bắt đầu hoạt động nhộn nhịp từ 19h đến sáng hôm sau. Đây cũng là khung giờ cấm xe lưu thông vào thứ bảy và chủ nhật. Tuyến phố tập trung nhiều tụ điểm vui chơi về đêm như nhà hàng, quán cà phê, bar, pub.

Càng về khuya, phố đi bộ Bùi Viện càng nhộn nhịp. Ảnh: Hữu Khoa

Càng về khuya, phố đi bộ Bùi Viện càng nhộn nhịp. Ảnh: Hữu Khoa

Ngày 2

8h: Ăn sáng hủ tíu Nam Vang

Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia. Sợi hủ tiếu được trụng vừa tới, ăn kèm với tôm, thịt bằm, trứng cút, gan heo, tim, rau tần ô, giá và hẹ. Phần nước lèo đậm đà, có vị ngọt của tôm khô. Mức giá của hủ tiếu Nam Vang dao động từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng một tô.

Một số địa chỉ tham khảo: Hủ tiếu Nam Vang Thành Đạt, hủ tiếu Nam Vang Liến Húa, hủ tiếu Nam Vang Nhân Quán…

9h: Cà phê vợt

Theo anh Duy, cà phê bệt hấp dẫn du khách bởi cảm giác thú vị khi ngồi uống còn cà phê vợt lại thu hút vì cách pha độc đáo. Bột cà phê được cho vào một túi vải như cái vớ, nhúng vào nước sôi, đợi cà phê ra hết rồi đổ vào ly. Cà phê vợt thơm mùi cà phê nguyên chất và vị ngọt béo của sữa.

Anh Hoàng Long gợi ý 2 địa chỉ thưởng thức cà phê vợt ở TP HCM là Vợt Cà phê (quận Phú Nhuận) và cà phê Ba Lù (quận 5).

10h: Dạo chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành là một trong những khu chợ lâu đời nhất của thành phố, hoạt động từ năm 1914, là điểm tham quan nổi tiếng, thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Khu chợ bày bán nhiều mặt hàng, từ quần áo, đồ thủ công, trang sức đến các món ăn đường phố hấp dẫn. Ngoài mua sắm, du khách còn có thể thử một số món đặc sản của nhiều địa phương khác nhau như bánh Huế, bún suông, bún mắm.

Du khách nước ngoài tham quan chợ Bến Thành. Ảnh: Hạ Giang

Du khách nước ngoài tham quan chợ Bến Thành. Ảnh: Hạ Giang

Du khách Thanh Hương nhận xét khu chợ sạch sẽ và khá mát mẻ. Điều khiến cô ấn tượng nhất là khả năng ngoại ngữ của các tiểu thương ở đây, họ có thể nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau.

12h: Ăn trưa cơm tấm

Cơm tấm là một trong những món ăn nhất định phải thử khi đến TP HCM. Không riêng bữa sáng, món này được người dân địa phương ăn mọi thời điểm trong ngày. Một đĩa cơm tấm thường gồm một phần cơm gạo tấm, sườn nướng, dưa leo và đồ chua. Miếng sườn mềm, được tẩm ướp gia vị kỹ càng và nướng trên bếp than. Ngoài sườn, thực khách còn có thể lựa chọn một vài món ăn kèm như trứng ốp la, bì, chả trứng. Nước mắm ăn cơm tấm là nước mắm ngọt, được nấu sánh kẹo và cay vừa phải.

Du khách có thể ghé quán cơm tấm Ba Ghiền, Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận. Quán là tiệm cơm tấm duy nhất nằm trong danh sách Bib Gourmand (quán ngon giá cả phải chăng) của Michelin. Một đĩa cơm đầy đủ ở đây có mức giá dao động từ 100.000 đồng trở lên, nổi bật với miếng sườn nướng to và chắc thịt.

14h: Tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM

Ngoài các điểm đến hiện đại, các di tích lịch sử cũng là một trong những địa chỉ du khách không nên bỏ qua khi đến TP HCM, anh Long bày tỏ. Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nằm trên đường Phó Đức Chính (quận 1). Nơi đây vốn là căn nhà của một trong tứ đại gia Sài Gòn cuối thế kỷ 19, ông Hứa Bổn Hoà. Bảo tàng được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, kết hợp vài nét của kiến trúc phương Đông trong các hoạt tiết trang trí, mái ngói, cột nhà…

Không chỉ thu hút du khách, cuối tuần, bảo tàng còn là điểm đến yêu thích của người trẻ thích chụp hình ở TP HCM. Bảo tàng cũng từng là bối cảnh cho nhiều video ca nhạc nổi tiếng. Bảo tàng đóng cửa lúc 17h.

17h: Ăn tối đồ Hoa

Khu vực Chợ Lớn, quận 6, quận 11… ở thành phố là nơi sinh sống của cộng đồng người Hoa. Ẩm thực của người Hoa cũng dần trở thành một nét đặc trưng riêng của TP HCM. “Chưa đến Chợ Lớn ăn đồ Hoa là xem như chưa đi đủ TP HCM”, anh Long nói.

Đặc trưng của món Hoa là được nêm nếm đậm đà, kết hợp cùng các loại gia vị bồi bổ sức khỏe và khá nhiều dầu. Một số món đặc trưng có thể kể đến như canh hầm, dimsum, vịt quay, hủ tiếu xào. Du khách có thể thưởng thức món Hoa tại một số địa chỉ như nhà hàng Ái Huê, Baoz Dimsum, nhà hàng Tân Hải Vân.

18h: Xem xiếc tre

À Ố Show là loại “kịch xiếc mới” được biểu diễn ở nhà hát Thành phố, một trong những di tích tích kiến trúc cổ của TP.HCM. Bằng kỹ thuật xiếc chuyên nghiệp và các đạo cụ được làm bằng tre, các nghệ sĩ đã kể lại những câu chuyện thú vị, đậm chất Việt. Chương trình diễn ra lúc 18h, giá vé dao động từ 700.000 đồng đến 1.600.000 đồng. Du khách có thể cập nhật lịch diễn và mua vé trực tuyến tại website của đơn vị tổ chức.

Ngoài thưởng thức phần trình diễn của các nghệ sĩ, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng nét kiến trúc ấn tượng của nhà hát.

Vân Khanh


Bài viết được đề xuất