Đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng chuẩn quốc tế

Học viên Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.

Đến
nay, cả nước có khoảng 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại
học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp; 4
trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc
doanh nghiệp. Song, những cơ sở đào tạo này vẫn không cung cấp đủ lao
động theo nhu cầu thị trường du lịch.

Theo thống kê của Cục Du
lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động,
nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực.

Trong
số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ
cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3%, và chỉ
có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.

Điều này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.

Thời
gian qua, “đào tạo lại” là cụm từ được nhiều doanh nghiệp du lịch nhắc
tới khi bàn về vấn đề tuyển dụng nhân sự, bởi nguồn nhân lực mà các cơ
sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu doanh
nghiệp, dẫn tới các đơn vị sử dụng nhân lực buộc phải mất thời gian “cầm
tay chỉ việc” giúp người lao động thích ứng yêu cầu nghiệp vụ.

Báo
cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy, chất lượng, năng
suất lao động trong ngành du lịch Việt Nam còn thấp. Đơn cử, năng suất
lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10
so với Nhật Bản và một phần năm so với Malaysia…

Theo các chuyên gia, thực trạng này rất dễ dẫn đến hệ quả lao động du lịch Việt Nam bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Chia
sẻ tại Hội thảo khoa học “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch
chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” vừa diễn ra tại Hà Nội, GS, TS
Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam nhận
định: Trong bối cảnh thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch
(MRA-TP) cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối
ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam khiến lao
động du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không
nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

Trên thực tế,
hiện nay, lao động du lịch từ một số nước như Philippines, Thái Lan,
Indonesia, Singapore… đã đến Việt Nam làm việc tương đối nhiều. Hầu như
các khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.

Sự phục hồi
mạnh mẽ của du lịch sau đại dịch với sự “nhập cuộc” trở lại đầy tích cực
của các doanh nghiệp lữ hành, và sự xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở lưu
trú du lịch cao cấp càng cho thấy thị trường du lịch Việt Nam đang rất
“khát” nhân lực (tính đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ
hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022; có 38.000 cơ sở
lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú hạng 5
sao, 368 cơ sở lưu trú hạng 4 sao).

Để bảo đảm sự phát triển
nhanh và bền vững của du lịch, đòi hỏi phải có giải pháp đào tạo đủ
nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của
doanh nghiệp và thị trường.

Trong tuyển dụng nhân lực du lịch,
“đầu vào” của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào “đầu ra” của các cơ sở
đào tạo, tức muốn có nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, yêu cầu tiên
quyết là cần có đội ngũ lao động được đào tạo bài bản đạt các cấp bậc
trình độ chuẩn quốc tế, đủ khả năng làm việc ở cả môi trường doanh
nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy
nhiên, đến nay, các cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam vẫn đang giảng dạy
theo kiểu mạnh ai nấy làm. PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện
trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, hệ thống quản lý các cơ
sở đào tạo du lịch ở nước ta đang bị phân hóa, chồng chéo và có sự khác
biệt về quy định chương trình khung, chuẩn đầu ra.

Khối cơ sở
đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp về chuyên môn, còn
khối cơ sở đào tạo nghề do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.
Các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên,
quản lý học sinh, sinh viên… ở hai bộ đều được làm riêng.

Giữa
hai khối có sự khác biệt về phương thức đào tạo (một bên đào tạo theo
tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học hoặc mô-đun), dẫn đến không đồng
nhất về năng lực tốt nghiệp của người học từ hai hệ thống.

Ngoài
ra, sự hạn chế về năng lực đào tạo do thiếu cả về số lượng và chất
lượng giảng viên (trình độ nghiệp vụ đạt chuẩn khu vực và quốc tế, khả
năng nghiên cứu khoa học, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng sư phạm…) cũng
khiến kết quả đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành ở
cả trình độ đại học và nghề.

Nhân lực được tuyển dụng phần lớn
thiếu cả kiến thức, kỹ năng (bao gồm kỹ năng cứng về nghiệp vụ, tin học,
ngoại ngữ…, kỹ năng mềm về cách giao tiếp, ứng xử…) và thái độ làm việc
chuyên nghiệp.

Để thay đổi cục diện này, PGS, TS Phạm Trung
Lương cho rằng phải đổi mới tư duy trong đào tạo. Hoạt động đào tạo nhân
lực phải được vận hành dựa trên nhu cầu xã hội theo nguyên tắc
cung-cầu, kết hợp có hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, quản lý và
sử dụng các nguồn lực theo tư duy quản trị doanh nghiệp.

Nhiều
chuyên gia cũng đề cập cần chuẩn hóa ngay chương trình đào tạo. Theo GS,
TS Đào Mạnh Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất
và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát
tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin
học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh.

Chương
trình đào tạo phải được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và
quốc tế, mang tính liên thông giữa các bậc đào tạo cũng như liên thông
giữa các cơ sở đào tạo trong nước với khu vực và quốc tế.

Tiến
sĩ Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội) cho biết, Chương trình phát
triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên
minh châu Âu (EU) tài trợ (Dự án EU) đã sửa đổi Bộ tiêu chuẩn kỹ năng
nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) theo hướng phát triển phù hợp với các quy
định của Việt Nam, đồng thời được chuẩn hóa, tương thích với các tiêu
chuẩn nghề quốc tế, tiêu chuẩn ASEAN.

Vì thế, các cơ sở đào tạo
du lịch cần triển khai áp dụng Bộ tiêu chuẩn VTOS trong giảng dạy để
nâng cao hiệu quả đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam một cách thống nhất.
Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương nhấn mạnh, cần thỏa thuận để thời gian đào tạo
tại các doanh nghiệp không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương
trình đào tạo.

 Trang Anh

 Nguồn: Báo Nhân Dân

Bài viết được đề xuất