Mikoshi là gì? Lễ hội truyền thống rước kiệu thần linh ở Nhật Bản

Kiệu rước thần linh mikoshi

Đây là một cảnh tượng quen thuộc đối với những du khách đã từng
tham dự một lễ hội ở Nhật Bản, hoặc nghiên cứu về phong tục tập quán của quốc
gia này. Kiệu, biểu tượng tôn giáo đẹp, đầy màu sắc và trang nghiêm này được
cho là mang theo linh hồn thần linh của một ngôi đền.

Thần đạo là tôn giáo bản địa của Nhật Bản, có rất nhiều truyền
thống gắn liền với hệ thống tín ngưỡng sâu xa của quốc này. Một trong những niềm
tin cốt lõi là đất nước này có 8 triệu vị thần (một con số ở Nhật Bản cổ đại đồng
nghĩa với sự vô tận), dường như có một vị thần cho tất cả các hiện tượng tự
nhiên và cho mỗi làng mạc, thị trấn hoặc đô thị.

Các đền thờ Thần đạo có thể được nhìn thấy trên khắp mọi miền
của đất nước, thường có một ngôi đền chính ở mỗi thị trấn hoặc thành phố nơi người
dân tin rằng, đây là địa điểm vị thần địa phương hiện diện và phù giúp nhân dân
địa phương. Cũng chính tại ngôi đền này là nơi lưu giữ mikoshi.

Mikoshi là gì?

Mikoshi là Kiệu rước thần linh, có trọng lượng lớn, có thể nặng
hơn cả tấn nên việc rước kiệu  được coi là
một thử thách đáng kể.

Theo cấu trúc thiết kế, mikoshi là một ngôi đền nhỏ di động
dành cho các vị thần. Trong những lễ hội, người dân thành tâm rước mikoshi di
chuyển khắp thị trấn để cầu phúc cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời
cũng để xua đuổi tà ma và những điều xấu xa, không may mắn.

Trong Thần đạo, người dân Nhật Bản tin rằng, vị thần địa
phương ngự trong đền thờ và đức ngài chỉ có thể được mời đi khi được rước trong
một cấu trúc tương tự. Vì vậy, mikoshi thường là phiên bản thu nhỏ của ngôi đền.

Mikoshi được chế tác bằng gỗ trên hai cột hoặc dầm trở lên,
tùy theo trọng lượng và kích thước. Hình dạng mikoshi có thể là hình vuông,
hình lục giác hoặc hình bát giác, được sơn vẽ với nhiều mầu sắc và trang trí rất
tỷ mỉ theo phong tục địa phương.

Mikoshi được hiểu thế nào?

Trong hầu hết thời gian trong năm, mikoshi được lưu giữ ở đền
thờ hoặc trưng bày trong thị trấn.

Chữ kanji của từ “mikoshi” thực ra rất sát nghĩa và dễ hiểu.
Ký hiệu đầu tiên, “mi” () có nghĩa là “thần” hoặc “linh hồn”, ký hiệu thứ hai,
“koshi” (輿),
có nghĩa là kiệu hoặc di động. Loại phương tiện để di chuyển bằng con người này
thường được giới quý tộc sử dụng trong quá khứ và được coi là vật thể linh
thiêng cho các vị thần ngự khi được đón rước.

Trang phục truyền thống khi tham gia lễ hội

Các thành viên tham dự rước mikoshi trong trang phục lễ hội
truyền thống

Rước mikoshi là một truyền thống tín ngưỡng lâu đời, có những
quy tắc nghiêm ngặt phải tuân theo, trong đó có trang phục. Quần áo dân sự
thông thường hoặc hiện đại không được phép sử dụng, mỗi đội hoặc địa phương có
đồng phục riêng.

Những thành viên tham gia rước mikoshi phải trả tiền cho bộ
quần áo của riêng họ và một bộ đầy đủ có thể dễ dàng có giá lên tới 100 đô la Mỹ.
Trang phục đầy đủ thường bao gồm:

Tất Tabi: Tất hai mũi

Jika tabi: Bốt hai mũi

Fundoshi: Đồ lót truyền thống của Nhật Bản, tương tự như đồ
mà các đô vật sumo mặc trên võ đài

Hachimaki: băng đô

Hanten/Happi: Áo khoác giống Yukata

Khăn: Đặt trên vai để làm đệm khiêng các cột hoặc dầm cứng

Rước Mikoshi

Lễ hội Asakusa Sanja ở Tokyo

Việc tham gia vào sự kiện tôn giáo, văn hóa tâm linh trong đại
này được coi là một đặc ân nhưng cũng vô cùng nặng nề và mệt mỏi. Tùy thuộc vào
mikoshi, có thể có những hạn chế về độ tuổi hoặc giới tính. Một số lễ hội thậm
chí còn có mikoshi đặc biệt dành cho trẻ em để giúp những cư dân nhỏ tuổi cảm
thấy mình là một phần của lễ hội truyền thống.

Để bổ sung thêm vào nhiệm vụ vốn đã khó khăn là phải mang một
cấu kiện cực kỳ nặng nề đi một quãng đường dài, rượu sake là một phần không thể
thiếu trong nghi lễ. Những thành viên rước mikoshi sẽ uống một ngụm rượu gạo, sớm
nhất là vào lúc 6 hoặc 8 giờ sáng, trước khi bắt đầu hành trình. Do mikoshi quá
nặng và cái nóng mùa hè, uống nhiều rượu nên  những người rước kiệu sẽ thay nhau luân phiên để
đảm bảo không có ai bị kiệt sức.

Phương thức rước ngôi đền nhỏ rất quan trọng. Theo truyền thống
địa phương, có một số phong cách và các câu hô theo nhịp. Ở Tokyo, Edomae
(Phong cách Edo) nổi tiếng được sử dụng tại Lễ hội Asakusa Sanja là lắc lư ngôi
đền từ phải sang trái đồng thời hô to “say ya, soi ya, sah, sorya…”. Người dân địa
phương tin rằng, động tác lắc lư sẽ giúp vị thần hào hứng hơn trong chuyến hành
trình quanh thị trấn đồng thời lôi cuốn sự quan tâm của khán giả.

Chúc phúc trên đường rước kiệu

Mikoshi được trang trí cầu kỳ và thường có hình phượng hoàng
vàng ở trên.

Ngôi đền được di chuyển dọc theo một tuyến đường cố định nên
sẽ có một số điểm dừng theo kế hoạch, chẳng hạn như đồn cảnh sát. Xã hội Nhật Bản
rất coi trọng sự an toàn, vì vậy động thái chúc phúc cho cảnh sát được cho là một
mong muốn để người dân được an toàn. Những điểm dừng quan trọng khác là văn phòng
thị chính thành phố hoặc nhà ăn trong giờ nghỉ trưa.

Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở Tokyo, Sanno Matsuri
, có đặc quyền to lớn là đội rước mikoshi được vào khuôn viên Cung điện Hoàng
gia để chúc phúc cho Hoàng gia Nhật Bản.

Sau lễ hội

Sau khi lễ hội kết thúc, đoàn rước mikoshi sẽ đưa vị thần về
đền thờ và vị tư tế sẽ tổ chức lễ đón mikoshi trở về. Mikoshi sẽ tiếp tục được
lưu giữ cho đến lễ hội truyền thống vào năm tiếp theo.

Ths Nguyễn Thy Ngà

Nguồn: Sakura.co

Bài viết được đề xuất